Đồng bào vùng cao Nghệ An đốt củi chống rét cho đàn vật nuôi
(Baonghean.vn) - Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt tại một số xã vùng cao, nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, thậm chí một số nơi có hiện tượng đóng băng, người chăn nuôi ở huyện vùng cao Nghệ An đã tăng cường phòng, chống đói rét cho đàn gia súc bằng nhiều biện pháp tích cực.
Vùng miền núi cao Nghệ An vào mùa đông thường xuyên mây mù bao phủ, nên rét đậm, rét hại. Ảnh: Xuân Hoàng |
Là một trong những hộ có thu nhập chính nhờ chăn nuôi bò, những ngày này ông Lương Văn Minh bản Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn phải gia cố và che chắn chuồng trại khỏi gió lùa và chủ động tích trữ củi, đốt lửa sưởi ấm cho vật nuôi.
Ông Lương Văn Minh chia sẻ: Hàng năm gia đình ông luôn duy trì chăn nuôi từ 8 đến 10 con bò. Do có kinh nghiệm chăn nuôi gia súc nhiều năm, nên cứ vào mùa đông ông đã chủ động sửa chữa, nâng cấp chuồng nuôi, sử dụng các bao bì cũ hay bạt che chắn, giữ ấm cho đàn bò. Ngoài ra, tích cực chăm sóc, cắt cỏ cho bò ăn thêm, nhất là những con nhỏ yếu, khi nhiệt độ giảm sâu, ông sẽ nuôi nhốt và sử dụng nguồn thức ăn dự trữ bổ sung cho đàn vật nuôi”.
Những ngày này gia đình anh Moong Văn Sơn ở xã Hữu Kiệm cũng đang tích cực chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình. Ngoài bổ sung thêm thức ăn như ngô, sắn và cỏ voi, anh Sơn còn tăng cường đốt lửa sưởi ấm cho 40 con bò, 20 con trâu và 25 con lợn của gia đình.
Anh Moong Văn Sơn ở xã Hữu Kiệm đang tích cực đốt lửa sưởi ấm cho đàn vật nuôi của gia đình |
“Do khu vực chăn nuôi của gia đình ở trên núi cao, vào mùa đông nhiệt độ thường xuống thấp, để bảo vệ đàn vật nuôi chống chọi với cái rét và sương muối gia đình anh phải xây dựng gia trại bán kiên cố, cũng như tăng cường tích trữ củi để đốt cho gia súc sưởi vào những ngày giá rét”, anh Sơn chia sẻ
Nuôi gia cầm ở vùng cao vào mùa đông rất dễ bị nhiễm dịch bệnh, nếu không có giải pháp tránh rét cho chúng. Ông Sồng Bá Cha, chủ trại chăn nuôi gà ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ cho hay, vào mùa đông, vùng cao thường rét đậm và xuất hiện sương muối vào buổi sáng và chiều tối. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe cho đàn gà, hàng ngày ông thả gà từ 10 giờ trưa đến 3 giờ chiều để tránh sương mù. Đồng thời cho gà ăn bổ sung chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Chuồng trại luôn che kín gió, trong chuồng sử dụng lò sưởi và bóng điện để giữ ấm cho gà, đặc biệt là gà dưới 20 ngày tuổi.
Đốt lửa sưởi ấm là cách hữu hiệu giúp người dân vùng cao phòng chống rét cho đàn vật nuôi của mỗi gia đình. Ảnh: Lữ Phú |
Còn tại xã vùng cao Na Ngoi, địa phương thường xuyên xuất hiện băng tuyết và nước đóng băng. Cấp ủy, chính quyền xã Na Ngoi đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chi bộ, ban quản lý bản, cùng người dân triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Nhất là tăng cường dự trữ thức ăn, tổ chức nuôi nhốt trâu bò trong các chuồng nuôi.
Theo ông Xồng Bá Dênh, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, trên địa bàn hiện có hơn 5.000 con trâu, bò. Mưa rét kéo dài, thậm chí trên tuyến biên giới xuất hiện băng tuyết, nhiệt độ giảm khá thấp. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác phòng chống đói rét, nên mùa đông năm 2022 – 2023 này tình trạng trâu bò chết rét như các năm trước đã được hạn chế đáng kể.
Người dân xã vùng cao xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) chăm sóc vật nuôi. Ảnh: Lữ Phú |
Kỳ Sơn là địa phương có tổng đàn gia súc lớn với trên 53.000 con trâu, bò, gần 30.000 con lợn, 20.000 con dê. Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa dông, hàng năm cứ vào mùa đông gia súc của người dân thường bị thiệt hại. Như đợt rét vào tháng 2 năm 2022, với trên 800 con trâu, bò bị chết.
Rút kinh nghiệm từ các thiệt hại trước, ngay từ tháng 5 năm 2022, UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn gửi UBND các xã, nhất là các xã vùng cao có tổng đàn gia súc lớn, như: Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ, Nậm Càn, Nậm Cắn, Tây Sơn... thực hiện các biện pháp về phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân dự trữ nguồn thức ăn; quây kín chuồng trại; tiêm phòng vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho vật nuôi…
Cho vật nuôi ăn thêm các thức ăn nhiều tinh bột. Ảnh: Lữ Phú |
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết: Tại thời điểm này chúng tôi đã ban hành 5 văn bản hướng dẫn, giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong phòng, chống đói rét cho cây trồng vật nuôi, làm nhà tạm, căng bạt lợp mái, trữ thức ăn tại chỗ và thức ăn sẵn có và giao nhiệm vụ cho cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm và huyện sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra đột xuất các xã vùng cao thường có băng giá xuất hiện.
Không chỉ trâu, bò, mà đàn lợn cũng được người dân chăm sóc chu đáo, đốt lửa sưởi ấm khi nhiệt độ giảm sâu. Ảnh: Lữ Phú |
Các địa phương khác như: Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông... thời điểm này cũng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Những giải pháp cụ thể đó là không thả rông trâu, bò trên rừng, mà đưa trâu, bò về chuồng che chắn chuồng trại và đốt lửa sưởi ấm, cùng đó chuẩn bị thức ăn, nước uống đầy đủ cho vật nuôi.
Với các giải pháp tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, các huyện vùng cao Nghệ An quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thời tiết gây ra trên đàn gia vật nuôi, góp phần đắc lực vào công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.
Ngày 26/12, Nghệ An đã ra công văn chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung ứng phó rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển. Theo đó, các cơ quan, đơn vị tập trung tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng đói, rét; hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản.