Ấm áp Lễ tế tổ Rằm tháng Giêng ở các vùng quê
(Baonghean.vn) - Rằm tháng Giêng năm Qúy Mão 2023 (15/1 Âm lịch), khắp các vùng quê Nghệ An rộn ràng tiếng trống tế và niềm vui hội ngộ của con cháu các dòng họ. Đây là dịp để người dân hướng về gia đình, tổ tiên, thể hiện tấm lòng hiếu kính với những thế hệ đã khuất.
Trong tâm thức người Việt Nam nói chung và người dân Nghệ An nói riêng, Rằm tháng Giêng (còn gọi là Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng nguyên) là ngày lễ hết sức quan trọng, chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên đán. Những ngày này, người dân thường tìm đến đền, chùa cầu an và sắm sửa lễ vật cúng gia tiên.
Đặc biệt, nhiều dòng họ tổ chức tế Tổ với quy mô lớn, tập trung đông đảo con cháu về dâng hương, dâng lễ bày tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà, tổ tiên. Đây cũng là dịp để các thế hệ trong dòng họ thể hiện tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn và hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Lễ tế Tổ tại nhà thờ họ Trần Đức, xã Yên Sơn (Đô Lương). Ảnh: CSCC |
Họ Nguyễn Văn là một dòng họ lớn ở địa bàn 2 xã Nam Sơn và Đặng Sơn (Đô Lương), bao gồm 1 nhà thờ đại tôn và 12 nhà thờ tiểu chi. Theo thông lệ hàng năm, vào dịp Tết Nguyên tiêu, hội đồng gia tộc tổ chức tế tổ, con cháu các chi họ chuẩn bị mâm cỗ đến nhà thờ đại tôn để tế lễ. Bài tế hướng tới ca ngợi công đức của tổ tiên và tấm lòng hiếu thuận của đời đời con cháu.
Tại đây, con cháu còn được còn được nghe về cội nguồn, lịch sử hình thành của dòng họ, những bậc tiền nhân có nhiều công trạng với dân, với nước. Từ đó, bồi đắp niềm tự hào về truyền thống của tổ tiên đã dày công vun đắp, hướng con cháu nâng cao ý chí, quyết tâm trong học tập, lao động sản xuất, xứng đáng với những đóng góp của thế hệ đi trước.
Con, cháu dòng họ Trần Đức dâng lễ, dâng hương trước ban thờ tổ tiên. Ảnh: CSCC |
Xong nghi lễ tế Tổ, mâm cỗ được đưa từ nhà thờ đại tôn về nhà thờ các tiểu chi để con cháu vui sum vầy, đoàn tụ. Trong bữa cơm thân tình, mọi người đều thể hiện niềm vui hội ngộ, cùng nhau chia sẻ những tâm tình, nỗi buồn, vui để cùng nhau đoàn kết, xây dựng dòng họ, quê hương thêm đẹp giàu.
Ông Nguyễn Văn Hồng - thành viên Hội đồng Gia tộc họ Nguyễn Văn cho biết: “Sau hai năm phải rút gọn quy mô và thời gian tế lễ để phòng, chống dịch Covid-19, năm nay hoạt động tế Tổ đã trở lại bình thường. Buổi tế lễ tập trung khá đông con cháu, mọi người đều vui vẻ, phấn khởi vì được dâng hương, dâng lễ trước tổ tiên và được gặp nhau ở chốn thiêng liêng của dòng họ”.
Các bậc cao niên dòng họ Trần Đức làm lễ tế Tổ. Ảnh: CSCC |
Với dòng họ Trần Đức ở xã Yên Sơn (Đô Lương), việc tế lễ diễn ra từ chiều và đêm 14/1 Âm lịch. Con cháu lần lượt mang lễ vật dâng lên trước ban thờ bày tỏ niềm thành kính và cầu mong tổ tiên phù hộ những điều may mắn, tốt đẹp trong cuộc sống.
Anh Trần Tuấn Thi, một người con của dòng họ Trần Đức, hiện sinh sống ở TP Vinh đã sắp xếp công việc về quê vào dịp tế Tổ. Theo anh Thi, khi bước chân vào khuôn viên nhà thờ đại tôn, nghe tiếng trống tế, gặp những người hành lễ trong bộ lễ phục trang nghiêm, trong cảnh khói hương trầm mặc, có cảm giác như tổ tiên ở rất gần và đang dõi theo con cháu.
Con cháu dòng họ Nguyễn Trọng ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu) dâng hương lên anh linh tổ tiên trong dịp rằm tháng Giêng. Ảnh: Sách Nguyễn |
Cũng như các dòng họ ở huyện Đô Lương, con cháu dòng họ Nguyễn Trọng ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu) cũng tề tựu đông đủ ở nhà thờ họ trong dịp rằm tháng Giêng. Việc tế lễ bắt đầu từ chiều 14/1 ÂL. Những người con của dòng họ đang làm ăn, sinh sống khắp mọi miền đất nước đã tìm về trong niềm vui sum vầy, đoàn tụ.
Ở huyện Yên Thành, hầu hết các dòng họ đều tế Tổ vào rằm tháng Giêng nên ngày này khắp làng xóm đều rộn ràng, náo nức. Đặc biệt, dịp này vùng quê lúa còn tổ chức hội thi đánh trống tế giữa các dòng họ khiến không khí ngày Tết Nguyên tiêu càng thêm rộn ràng.
Cầu mong tổ tiên phù hộ những điều may mắn và tốt đẹp. Ảnh: Đình Tuyên |
Các dòng họ cử đội trống tế của mình tham dự hội thi, đội nào đoạt giải thưởng sẽ là niềm vui chung của cả họ, cũng là niềm hy vọng về sự đủ đầy, sung túc trong năm. Vì thế, không khí ngày Tết Nguyên tiêu ở quê lúa Yên Thành không kém phần vui vẻ so với những ngày đón Tết Nguyên đán.
Cùng với Đô Lương, Diễn Châu và Yên Thành, các vùng quê Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn và Thanh Chương... cũng rộn ràng tiếng trống tế trong dịp Rằm tháng Giêng. Tiếng trống, làn khói hương như nhịp cầu nối linh thiêng kết nối tâm nguyên, lòng thành của con cháu với tổ tiên, là nét văn hóa truyền thống neo giữ tâm hồn con người với nguồn cội…/.