Nghệ An: Đất nền giảm giá nửa tỷ đồng mỗi lô nhưng vẫn khó giao dịch

Hải An 16/02/2023 14:32

(Baonghean.vn) - Từ thời điểm sau Tết đến nay, giao dịch đất nền tại nhiều địa phương ở Nghệ An vẫn rất ảm đạm, dù mức giá đã giảm sâu so với đỉnh điểm nhưng vẫn khó giao dịch.

Khu vực đất ở huyện Yên Thành giảm từ 300-500 triệu đồng/lô cũng không có ai mua. Ảnh: Hải An

Tại địa bàn huyện Yên Thành thời điểm sau Tết, thị trường đất nền càng trở nên trầm lắng. Qua khảo sát, đất rao bán mặt đường QL7B, các xã Nam Thành, Liên Thành, huyện Yên Thành 1 lô giá 2,5 tỷ đồng, một số trường hợp chủ cần tiền gấp, giá rao có thể giảm xuống 2 – 2,1 tỷ đồng nhưng vẫn không thể giao dịch được. Đất dãy 2 cũng tại xã Nam Thành trước đây được mua với giá 1,5-1,6 tỷ đồng/lô, thì nay được rao cắt lỗ xuống còn 1,1-1,2 tỷ đồng cũng rất khó bán.

Tại khu phân lô hạ tầng xã Tăng Thành (Yên Thành) được đầu tư đồng bộ, gồm hệ thống giao thông, điện, kênh mương thoát nước, nằm kề thị trấn Yên Thành, gần quy hoạch nhà máy may, tuy nhiên, thời điểm này đất nền ở đây đang rất "lặng". Một chủ đất ở thị trấn Yên Thành chia sẻ: Thời điểm tháng 4/2022, chúng tôi mua tại đây có giá trên 1,5 tỷ đồng/lô, do không cầm cự nổi tiền lãi suất, rao bán hạ giá 1,2 tỷ đồng (chịu lỗ 300 triệu đồng) mà không có ai hỏi mua.

Địa bàn huyện Yên Thành có khoảng hơn 10 điểm giao dịch môi giới bất động sản, nhiều tháng qua tại các cơ sở này không hề có giao dịch mua, bán đất. Một số điểm giao dịch bất động sản đã phải “đóng cửa” giải thể và chuyển sang các ngành nghề khác.

Một dự án đô thị ở huyện Diễn Châu được đầu tư đồng bộ nhưng ít khách mua thời điểm này. Ảnh: Hải An

Đại diện chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Yên Thành chia sẻ thêm: Tình hình giao dịch bất động sản trên địa bàn huyện Yên Thành thời gian qua ảm đạm. Giai đoạn “sốt đất” cao điểm văn phòng tiếp nhận từ 120-150 hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bây giờ mỗi ngày chỉ có 30-40 hồ sơ, mà đa số là giao dịch cho tặng, thừa kế, còn giao dịch mua, bán rất ít.

Tại khu vực huyện Diễn Châu, trước đây đất nền sôi động bao nhiêu thì giờ im ắng bấy nhiêu. Tại các khu vực thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, đất nền và nhà ở liền kề cũng khó giao dịch. Một người chuyên nghề môi giới bất động sản, có văn phòng tư vấn bất động sản tại thị xã Thái Hòa cho biết thêm: Thời sốt đất có một số người dưới xuôi lên “ôm” khá nhiều lô đất tách thửa ở các xã vùng sâu như Nghĩa Thành, Nghĩa Mai, Nghĩa Lạc (Nghĩa Đàn), giá mua thời điểm đó 220-230 triệu đồng/lô đất 200m2. Hiện chủ đầu tư nhờ chúng tôi rao 170 triệu đồng/lô, nhưng từ ra Tết đến nay vẫn chưa thấy ai hỏi mua.

Các dự án Shop-house, biệt thự liền kề tại thị xã Thái Hoà khá vắng lặng. Ảnh: Hải An

Đối với các dự án Shop-house, biệt thự liền kề tại thị xã Thái Hoà, thời điểm “sốt” có khá người nhiều mua với giá 4,2 tỷ đồng, sau đó bán lướt 5,2 tỷ đồng, một số người không chịu nổi lãi suất ngân hàng hiện nay cũng rao bán lại 4,2 tỷ đồng nhưng rất khó giao dịch.

Qua khảo sát của phóng viên, đối với đất ở các khu vực dự án đô thị trên địa bàn Nghệ An giá có giảm nhẹ nhưng thời điểm này giao dịch rất “nhỏ giọt”.

Chủ một dự án ở khu đô thị huyện Diễn Châu chia sẻ: Giá đất của dự án là giá thực chứ không “ảo” như giá đất đấu giá, chúng tôi đầu tư hạ tầng đồng bộ, hệ thống đường giao thông được thảm nhựa, có các công trình phúc lợi đi kèm. Từ ra Tết đơn vị đã cho chạy quảng cáo, rao bán trên các trang mạng, tuy nhiên, chưa bán được lô đất nào.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn tới sự e ngại của các nhà đầu tư thời điểm này là do lãi suất tăng cao, giá bất động sản có chiều hướng đi xuống và hầu hết các nhà đầu tư đều đang nghe ngóng tình hình. Những nhà đầu tư có sẵn tiền mặt sợ rằng, nếu mua đất nền sẽ có thể giảm thêm. Ngoài ra, một số khác gặp khó khăn khi không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Đất tách thửa các xã vùng sâu huyện Nghĩa Đàn thời điểm này được rao bán 170 triệu đồng/lô, rẻ hơn 1 nửa nhưng từ ra Tết đến nay khó giao dịch. Ảnh: Hải An

Chưa kể nhận định với lãi suất ngân hàng hiện nay, tâm lý người nắm giữ nhiều tiền mặt có xu hướng gửi tiết kiệm hơn là đầu tư vào đất vì mức sinh lợi tốt và an toàn.

Ông Nguyễn Thế Phiệt - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng cho biết: Thời điểm ra Tết đến nay thị trường bất động sản trên địa bàn Nghệ An vẫn đang trầm lắng, đối với đất nền của các dự án mặc dù được đầu tư đồng bộ, có nhiều lợi thế so với đất đấu giá nhưng giao dịch rất “nhỏ giọt”. Dự đoán về thị trường bất động sản thời gian tới sẽ rất khó lường.

Ngành chức năng hiện đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn, qua đó, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá trục lợi bất hợp pháp.

Nghệ An: Đất nền hạ nhiệt, nhiều giao dịch bị 'bỏ cọc'

08/05/2022

Tạm dừng đổi đất lấy hạ tầng

08/08/2018

Hải An