Thủ khoa Ngữ văn thích phản biện

Mỹ Hà 06/03/2023 08:20

(Baonghean.vn) - Nguyễn Vũ Trúc Chi là thủ khoa môn Ngữ văn tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm học 2022 – 2023. Nữ sinh lớp 9, đến từ Trường THCS Trung Đô (TP. Vinh) cũng có thể xem là một thí sinh đặc biệt, bởi so với nhiều học sinh khác trong đội tuyển xuất phát điểm của em thực sự khiêm tốn.

Cô học trò thích phản biện

Như nhiều đội tuyển khác, đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn của thành phố Vinh có đại đa số là học sinh đến từ Trường THCS Đặng Thai Mai. Trong danh sách đó, nếu nói về thành tích, Nguyễn Vũ Trúc Chi thừa nhận mình ở “tốp cuối" bởi em đến từ một trường bình thường, cả hai lần em thi học sinh giỏi ở thành phố, giải cao nhất chỉ là giải 3, xếp vị trí thứ 6, thứ 8 và điểm trung bình chỉ 13,5 điểm.

May mắn được chọn vào đội tuyển tỉnh, Nguyễn Vũ Trúc Chi chưa bao giờ tự tin. Rõ ràng nhất là rất nhiều bài kiểm tra ở đội tuyển, kết quả của em khá khiêm tốn. Trúc Chi cũng cho biết: “Lợi thế của em là thơ nên nếu có bài tập nào ra về văn xuôi, em làm không tốt. Trong khi đó, em lại thích đi ngược lại với đáp án nên thường dễ mất điểm”.

Nguyễn Vũ Trúc Chi là học sinh lớp 9C - Trường THCS Trung Đô (thành phố Vinh) và là thủ khoa môn Ngữ văn tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh với 17 điểm. Ảnh: Mỹ Hà

Trúc Chi lý giải niềm yêu thích thơ bởi “thơ ngắn gọn, súc tích, dễ mở rộng, dễ tìm cái mới”. Trong khi đó Chi nói rằng, "văn xuôi thường dài và rộng. Khi viết bài phải thường xuyên bám vào văn bản, khó đào sâu, khó sáng tạo và khó tìm được điểm mới”.

Lẽ thường, một học sinh giỏi Văn thường thích văn học, thích đọc sách và mơ mộng. Vậy nhưng, Trúc Chi, đến với văn học như một “bản năng” và em tự nhận mình từng không yêu môn Văn.

Kể về điều khá “kỳ lạ” này, nữ sinh này chia sẻ: Từ năm lớp 7, em đã được các giáo viên chọn đi thi học sinh giỏi môn Toán, tiếng Anh và Ngữ văn. Trong ba môn, Toán, tiếng Anh là môn học em yêu thích và là lợi thế của em. Thế nhưng, dù rất cố gắng, tất cả các kỳ thi em đều không đỗ. Trong khi đó, môn Ngữ văn, dù em không dành nhiều tâm huyết nhưng lại giành giải Nhất của trường. Không phải là may mắn nhưng có lẽ Văn học đã ăn vào trong tâm tưởng của em, em học Ngữ văn như bản năng bởi trong gia đình em, ông bà và các cô, dì đều là giáo viên dạy Ngữ văn.

Đội tuyển học sinh giỏi của Trường THCS Trung Đô có 2 thí sinh dự thi và cả 2 đều đạt giải. Ảnh: NTCC

Tiếp nhận văn học theo “bản năng” nên cách học của Trúc Chi khá khác biệt. Chẳng hạn, Chi có thể không thích đọc sách nhưng em chọn cách đọc và hiểu tác phẩm bằng cách “xem phim”, vì lợi thế của phim là âm thanh và hình ảnh giúp em thỏa trí tượng tượng. Trong quá trình làm bài, thay vì đi theo một mô típ và đáp án có sẵn thì Chi thường đưa ra những ý tưởng và góc nhìn riêng của mình.

Là giáo viên dạy Văn và bồi dưỡng Văn của Chi ở Trường THCS Trung Đô, cô giáo Hoàng Thị Hoài Hoan cho biết: Trong 27 năm đi dạy của tôi, Chi là một học sinh đặc biệt. Em có cá tính riêng, cách viết riêng và cách suy nghĩ, cảm nhận riêng nên mỗi một bài văn của em là một sự khác biệt và người chấm thấy được sự lý thú và mới mẻ. Nhưng, đây cũng là hạn chế của Chi và nếu giáo viên không tìm cách tiết chế, có thể dẫn đến bài viết sa đà, lan man.

Trực tiếp giảng dạy Trúc Chi, cô giáo Hoài Hoan cũng nói rằng, Chi rất thích phản biện và luôn cố gắng chứng minh quan điểm của mình. Điều đó, đôi khi giữa giáo viên và học sinh có thể tranh luận để tìm được tiếng nói chung. Và với một học sinh cá tính như thế này, bản thân giáo viên cũng phải tự làm mới mình, đọc nhiều sách, nghiên cứu tác phẩm để có thể lý giải được tất cả thắc mắc của học trò...

Cô giáo Hoài Hoan và học trò Nguyễn Vũ Trúc Chi. Ảnh: Mỹ Hà

Chiến thắng của Chi

Kết quả của Kỳ thi chọn học sinh giỏi đã được công bố hơn một tuần nhưng cho đến bây giờ Nguyễn Vũ Trúc Chi vẫn chưa tin vào thành tích của mình. Chi kể, khi được cô giáo gửi kết quả và bất ngờ thấy mình được giải Nhất, cô bé đã đứng khóc giữa sân trường. Chứng kiến phút giây đó, cô giáo Hoài Hoan cũng xúc động, không cầm được nước mắt…

Không những giành giải Nhất, Nguyễn Vũ Trúc Chi còn là thủ khoa của kỳ thi năm nay – một kết quả mà Chi chưa từng nghĩ tới. Nhớ lại bài thi của mình, Chi cho rằng, em không khó khăn khi chỉ với 150 phút làm bài, em đã viết kín 16 trang giấy – một việc em vẫn làm bình thường ở các bài thi khác. Tuy vậy, với thời lượng có hạn, Chi dường nhưng không có thời gian để viết đề cương cho bài làm của mình mà vừa viết vừa sắp xếp ý tứ. Sau khi hoàn thành bài thi, Chi hài lòng với kết quả của mình.

Thủ khoa môn Ngữ văn đã hoàn thành bài thi của mình với 16 trang giấy trong thời gian 150 phút. Ảnh: Mỹ Hà

Đề thi học sinh giỏi tỉnh năm nay có cấu trúc không quá xa lạ. Trong đó, phần nghị luận xã hội yêu cầu các thí sinh “trình bày suy nghĩ về hiện tượng học sinh bắt nạt nhau qua mạng xã hội”. Khi đọc đến câu hỏi này, Chi cho biết em có 5 phút chững lại vì đây là một đề tài không quá xa lạ và những ngày học ôn em đã từng có bài viết về bạo lực học đường. Cái khó của Chi trong bài viết này, đó là làm sao một vấn đề quen thuộc phải trở thành độc đáo và mới lạ. Chính vì thế, ngoài phân tích nguyên nhân, hậu quả và giải pháp, Chi tự tìm lối đi riêng “từ trong câu chuyện của chính mình”.

Năm lớp 8, em đã từng là nạn nhân của mạng xã hội và điều đó ảnh hưởng đến tâm lý của em rất nhiều. Nhưng mẹ em đã định hướng và đã cho em lời khuyên “không nên ăn miếng trả miếng”. Thay vào đó, hãy biết lắng nghe từ chính trái tim mình, không nên đấu đá mà hãy xử lý một cách bình tĩnh, bao dung.

Nguyễn Vũ Trúc Chi

Trước đó, lý luận luôn luôn là thế mạnh của Chi và em tự tin về phần bài tập này. Bởi lẽ, dù chỉ mới học lớp 9 nhưng Chi thường tìm đến sách giáo khoa lớp 12 để học kỹ về phần lý luận. Tìm bài giải cho phần này, Chi cũng tìm đến những bộ đề ôn thi tốt nghiệp THPT, thậm chí tìm tất cả những bài thi học sinh giỏi quốc gia để đọc, tham khảo và tự học.

Gia đình Nguyễn Vũ Trúc Chi có 3 chị em gái. Là chị cả, Chi luôn cố gắng học tập để làm gương cho các em. Ảnh: NVCC

Sang bài thi nghị luận văn học, với dữ liệu “Các chi tiết trong tác phẩm là những “con mắt”" và yêu cầu thí sinh tìm chi tiết trong các tác phẩm của chương trình Ngữ văn lớp 9 để trình bày quan điểm của mình, Chi đã cố gắng lựa chọn những chi tiết “lạ” để phân tích, chứng minh thay vì đi vào những chi tiết quen thuộc. Ví dụ, khi phân tích tác phẩm “Chiếc lược ngà”, Chi đi vào phân tích chi tiết “chiếc thẹo” thay vì đi vào chi tiết “chiếc lược”. Sang tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, Chi đi vào chi tiết anh thanh niên tặng hoa cho cô gái, một chi tiết vốn không được chú ý…

Có một điều khá đặc biệt ở bài thi này mà Chi từng nghĩ rằng mình không thành công bởi “đề thi ra vào phần văn xuôi, vốn không phải là lợi thế của Chi”. Tuy nhiên, trước một kỳ thi quan trọng, Chi đã biết tự tiết chế mình. Thay vì chỉ viết về những gì mình thích, trước tiên Chi sẽ làm “tròn” bài văn để không mất điểm một cách đáng tiếc. Phần còn lại, Chi sẽ tự do để thỏa mãn ý tứ của mình và lần “đánh cược” này, Chi đã cố gắng hết sức, không có gì phải hối tiếc…

Chiến thắng của Trúc Chi cũng là thành công lớn nhất của cô giáo bồi dưỡng sau gần 30 năm đứng trên bục giảng. Ảnh: Mỹ Hà

Câu chuyện của một nữ sinh trường ven đô

Ít ai biết rằng, sau khi biết mình giành giải Nhất và sau đó bất ngờ biết mình giành vị trí thủ khoa, Nguyễn Vũ Trúc Chi đã lặng lẽ vào trong văn phòng hội đồng của trường và ngồi một mình. Cô bé, mới 15 tuổi, hàng ngày khá nhanh nhẹn, năng động nhưng thực chất lại rất nhạy cảm.

Ngồi trong căn phòng mà em và cô giáo dạy Văn đã cùng nhau đồng hành qua hàng chục buổi bồi dưỡng, ôn tập, Chi nói rằng em đã đi được một chặng đường dài và cuối cùng đã khẳng định được mình.

Đó dường như là một kết thúc đẹp cho Chi sau 9 năm học trung học cơ sở mà ở đó Chi luôn mắc một mặc cảm riêng. Cách đây 4 năm, từ là một học sinh nổi bật, Chi bất ngờ thi trượt vào Trường THCS Đặng Thai Mai do em thiếu 0,25 điểm. 4 năm qua, ở ngôi trường ven đô, Chi luôn nỗ lực cố gắng để chứng minh bản thân.

Không chỉ giỏi Ngữ văn, Chi còn học tốt tất cả các môn văn hóa khác. Chi cũng rất thích Ngoại ngữ và ngoài tiếng Anh, em đã đăng ký học thêm khá bài bản tiếng Pháp và tiếng Trung.

Thủ khoa môn Ngữ văn đến từ một trường "không chuyên" tại thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Với giải Nhất học sinh giỏi tỉnh, Chi cũng nuôi ước mơ về những giải thưởng khác cao hơn trong những năm THPT. Và lần này, Chi đã tự tin chọn môn Ngữ văn vì đó là môn học em biết mình có thể làm tốt hơn nữa nếu nỗ lực, cố gắng!

Mỹ Hà