Nghệ An hướng tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch

Công Kiên 18/03/2023 11:02

(Baonghean.vn) - Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch về công tác chuẩn bị cho Năm Du lịch 2023 và những định hướng phát triển trong thời gian tới.

  • P.V: Ông có thể đánh giá những kết quả nổi bật của ngành Du lịch Nghệ An trong năm 2022?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Ngày 15/3/2022, Chính phủ cho phép mở cửa trở lại hoạt động du lịch. Cùng với cả nước, Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để mở cửa hoạt động du lịch và đón khách quốc tế kể từ ngày 27/2/2022. Nhiều điểm du lịch như: Khu Di tích Kim Liên (Nam Đàn), TP. Vinh, thị xã Cửa Lò, các điểm du lịch miền Tây xứ Nghệ... thu hút lượng lớn du khách về tham quan, trải nghiệm.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận chuyển khách du lịch và lưu trú đều sôi nổi trở lại với nhu cầu tăng cao của thị trường khách du lịch nội địa. Năm 2022, toàn tỉnh đón và phục vụ hơn 6,7 triệu lượt khách du lịch; doanh thu du lịch đạt 5.602 tỷ đồng (đạt 187% kế hoạch).

Trong 2 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón và phục vụ 1,3 triệu lượt, trong đó, khách lưu trú đạt 800.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.653 tỷ đồng, trong đó, doanh thu du lịch ước đạt 1.005 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An. Ảnh: Công Kiên

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động du lịch trong năm 2022 vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm du lịch còn chậm, như Dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng cầu Cau; Khu vui chơi, giải trí của Vinpearl Cửa Hội, Dự án Khu du lịch Bãi Lữ...

Sản phẩm du lịch chưa có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch ngoại tỉnh; chất lượng dịch vụ trong các cơ sở lưu trú có dấu hiệu đi xuống; thiếu hụt nhân lực qua đào tạo, có kỹ năng nghề...

P.V: Có thể khẳng định sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, hoạt động du lịch năm 2022 khá sôi động với những kết quả khả quan. Để chuẩn bị khởi động cho Năm Du lịch 2023, ngành Du lịch Nghệ An đã triển khai những hoạt động nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng của năm 2022, hiện nay, các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh đang tập trung khởi động cho Năm Du lịch 2023, như chỉnh trang lại khuôn viên, tuyển thêm nhân lực để đáp ứng yêu cầu kinh doanh dịch vụ trong những tháng cao điểm.

Bên cạnh đó, nhiều điểm du lịch tại các huyện miền Tây như Khu Du lịch Hòn Mát, Trương Gia Farm… ở huyện Nghĩa Đàn, các điểm du lịch cộng đồng tại huyện Quế Phong trong thời gian qua đã được các đơn vị chú trọng đầu tư thêm một số sản phẩm, các điểm check-in mới nên thường xuyên thu hút được lượng lớn khách du lịch đến trải nghiệm.

Đối với địa bàn du lịch trọng điểm như huyện Nam Đàn, thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh đã chú trọng chỉ đạo triển khai một số hoạt động ngay từ đầu năm. Riêng thị xã Cửa Lò đang triển khai vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác, sàng cát dọc bãi biển; nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường; chỉnh trang đô thị và tu sửa, nâng cấp nhà hàng, khách sạn.

Màn pháo hoa chào mừng khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2022. Ảnh: Thành Cường

Đặc biệt, sau khi giải tỏa dãy ki-ốt phía Đông đường Bình Minh, các nhà hàng, khách sạn phía Tây đường Bình Minh đang tăng cường chuẩn bị cho việc kinh doanh dịch vụ ẩm thực kịp phục vụ khách trong năm 2023. Mới đây, thị xã đã tổ chức làm việc với các sở, ngành, đơn vị và cơ quan truyền thông để bàn về công tác phối hợp.

Để chuẩn bị cho Năm Du lịch 2023 thành công hơn, thị xã cũng đã chủ động triển khai sớm các hoạt động khởi động, trong đó, đã tổ chức Lễ hội “Áo dài Hoa cúc biển” ngay từ tháng 3, đồng thời chuẩn bị tốt cho Lễ khai trương Năm Du lịch biển Cửa Lò vào đầu tháng 4.

Về phía Sở Du lịch, bên cạnh chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh, sở đã lập kế hoạch khảo sát, xây dựng sản phẩm mới để thu hút du khách.

Từ ngày 19 đến ngày 21/3, sở sẽ tổ chức các đoàn Famtrip, Presstrip khảo sát một số điểm du lịch sinh thái ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Quế Phong để hỗ trợ các địa phương lựa chọn và xây dựng các sản phẩm mới, kết nối với các công ty lữ hành, các đơn vị báo chí kịp thời tuyên truyền, khai thác, phục vụ khách trong thời gian tới.

Du khách về tham quan Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Đình Tuyên

Đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường khách gắn với công tác chuyển đổi số trong du lịch. Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Ngoại vụ tổ chức một số hoạt động, sự kiện tuyên truyền, quảng bá về du lịch Nghệ An tại tỉnh Gwangju (Hàn Quốc), nghiên cứu mở đường bay charter giữa tỉnh Nghệ An với tỉnh Gwangju và một số tỉnh khác; từng bước mở rộng thị trường khách quốc tế.

Phát triển và số hóa các dữ liệu điểm đến du lịch bằng công nghệ 360°; đăng tải, tuyên truyền các hoạt động, chương trình du lịch Nghệ An trên app điện thoại và trang du lịch thông minh: www.visitnghean.com để kịp thời cung cấp các thông tin mới và cần thiết cho khách du lịch khi đến Nghệ An.

P.V: Được biết, năm 2022, nguồn nhân lực ngành Du lịch bị thiếu hụt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, để nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ, năm 2023, ngành sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Do đại dịch Covid-19 kéo dài, nhiều lao động trong ngành phải chuyển sang công việc khác nên các đơn vị kinh doanh bị thiếu hụt nhân lực. Để khắc phục tình trạng này, ngành Du lịch đã đưa ra giải pháp đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức quản lý Nhà nước, đồng thời, tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo, nhân viên quản lý các cơ sở khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành, các điểm du lịch theo các chuyên đề sát với nhu cầu thực tiễn.

Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch, góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương.

Du khách nghe thuyết minh tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Đình Tuyên

Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các hội thi tay nghề, luyện thợ giỏi trong các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng cho người lao động. Gần đây, Sở Du lịch đã tổ chức một số lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ nghề trong các cơ sở lưu trú và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.

P.V: Với mục tiêu, năm 2023, Nghệ An sẽ đón và phục vụ 7,940 triệu lượt khách du lịch; trong đó, có 5,240 triệu lượt khách lưu trú; 81,5 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 7.470 tỷ đồng, ngành Du lịch Nghệ An đã đề ra những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Phương hướng năm 2023 được Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh thống nhất với nội dung: Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 55-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn Nghệ An, giai đoạn 2017-2030, gắn với các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Phối hợp đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư du lịch và dịch vụ trọng điểm; tăng cường công tác quản lý chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ; xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện để nâng cao giá trị sản phẩm du lịch thu hút và tăng mức chi tiêu của khách du lịch hậu dịch Covid-19.

Du khách check-in tại điểm du lịch Hòn Mát (Nghĩa Đàn). Ảnh: CSCC

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đã đưa ra giải pháp cụ thể: Tăng cường công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về du lịch và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong lĩnh vực du lịch; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch gắn với chuyển đổi số và xây dựng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

P.V: Đánh giá về du lịch Nghệ An, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta chưa tạo bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu đặc trưng. Vậy thời gian tới, chúng ta phải làm gì để khắc phục tình trạng này để hướng tới sự phát triển bền vững, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuối năm 2022, các đại biểu cũng đã đề cập đến vấn đề này.

Về giải pháp khắc phục, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất phương hướng, nhiệm vụ phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù. Từng bước cơ cấu lại các sản phẩm du lịch theo hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao chất lượng trên cơ sở xây dựng sản phẩm đặc thù mang thương hiệu du lịch Nghệ An.

Du khách check-in tại điểm du lịch Trương Gia Farm (Nghĩa Đàn). Ảnh: CSCC

Hiện nay, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên (Nam Đàn). Trên cơ sở đó, từng bước xây dựng Khu Di tích Kim Liên trở thành sản phẩm đặc thù mang thương hiệu du lịch Nghệ An.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch nghỉ dưỡng biển trọng điểm tại TX. Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, TX. Hoàng Mai, huyện Thanh Chương; xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm du lịch hội nghị, hội thảo; phát triển các loại hình du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm văn hóa cộng đồng, du lịch khám phá tại các huyện miền Tây, du lịch nông thôn gắn với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh khai thác giá trị văn hóa phi vật thể để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn. Với hướng đi này, tôi tin tưởng du lịch Nghệ An sẽ phát triển ngày càng bền vững.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Công Kiên