Bảo vệ trẻ em trước những nguy hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử
Thuốc lá, thuốc lá điện tử đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, với 8 triệu ca tử vong mỗi năm. Liên quan đến vấn đề này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Anh Tuấn - Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An.
PV: Xin bác sĩ cho biết rõ về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe con người và đời sống kinh tế - xã hội nói chung?
Bác sĩ Lê Anh Tuấn: Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác... Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y; là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.
Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên (39-65 tuổi). Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có 1,2 triệu người chết do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động. Tổ chức Y tế thế giới dự báo: Nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong cả thế kỷ 21, tổng số người bị tử vong do những căn bệnh từ thuốc lá gây ra sẽ lên tới 1 tỷ người.
Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, gây cháy nổ. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra hàng trăm nghìn ca bệnh mãn tính và cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người. Con số tử vong do thuốc lá ước tính sẽ tăng lên thành 70.000 ca mỗi năm vào năm 2030, nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Tổn thất kinh tế do 5 nhóm bệnh chính liên quan tới thuốc lá (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) ước tính đã gây ra con số tổn thất lên tới 1% GDP (tương đương 67.000 tỷ đồng/năm).
PV: Hiện nay, trên thị trường xuất hiện những loại thuốc lá thế hệ mới. Bản chất những loại thuốc lá này là gì và tác hại của chúng ra sao?
Bác sĩ Lê Anh Tuấn: Bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, trên thị trường đã đang xuất hiện các sản phẩm mới, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Cả hai loại sản phẩm thuốc lá điện tử này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotin là một hóa chất gây nghiện cao, là một nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u. Ngoài nicotin, dung dịch thuốc lá điện tử còn có propylene glycol, có thể tạo thành propylene oxide - một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Các chất độc hại được tìm thấy trong sol khí (khói) của thuốc lá điện tử như Ethylene Glycol, aldehydes, hydrocacbon thơm đa vòng, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamines, Formaldehyde được tìm thấy trong thuốc trừ sâu, khói xe ô tô. Vì vậy, thuốc lá điện tử gây hại cho người sử dụng và những người xung quanh.
Để tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: bạc hà, táo, cam, chanh… trong thuốc lá điện tử. Hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Ngoài ra, thuốc lá điện tử có thể bị lợi dụng để pha trộn ma túy và các chất gây nghiện khác.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại cho sức khỏe. Sử dụng thuốc lá điện tử gây nghiện nhanh chóng cho người sử dụng, gây các bệnh cấp tính và mãn tính như bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc, động kinh, các bệnh về răng miệng và ung thư. Tiếp xúc thụ động với nicotine trong các sản phẩm này cũng gây tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai, ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Anh Tuấn - Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An.
PV: Được biết, ở Nghệ An hiện nay, hành vi hút thuốc lá, vi phạm luật phòng chống tác hại thuốc lá là khá phổ biến, ông có thể nói rõ hơn về tình trạng này?
Bác sĩ Lê Anh Tuấn: Ở Nghệ An thời gian qua, chúng ta chưa có một thống kê chính thức về tỷ lệ hút thuốc lá. Phải đến cuối năm 2024 này, Nghệ An sẽ mới thực hiện thống kê. Nghệ An sẽ là 1 trong 46 tỉnh trên cả nước được triển khai điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành và thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Tuy nhiên, từ tháng 12/2023 đến tháng 5/2024, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã có một khảo sát việc tuân thủ Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, chính sách môi trường không khói thuốc lá tại một phạm vi nhỏ là thành phố Vinh. Kết quả cuộc khảo sát đã cho thấy hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm như cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ quan nhà nước, cơ sở ăn uống, cơ sở lưu trú, khu vực công cộng và điểm giao thông công cộng là rất phổ biến.
Theo đó, tất cả 7 địa điểm nói trên đều quan sát thấy các hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá về quy định môi trường không khói thuốc. Ít vi phạm nhất là ở cơ sở giáo dục (30,5% ) và cơ sở dịch vụ công cộng (34,5%). Vi phạm nhiều nhất là ở các địa điểm giao thông công cộng (80%), cơ sở ăn uống (62,4%) và cơ sở lưu trú (60,2%). Tình trạng chưa có biển cấm hút thuốc lá vẫn còn nhiều ở các cơ sở ăn uống (2%), điểm dịch vụ công cộng (19%), cơ sở lưu trú (21,5%), cơ sở giáo dục (22,9%).
Riêng về vấn đề hút thuốc lá điện tử hiện nay cũng rất đáng lo ngại. Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) thông tin: Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh năm 2019 là 2,6%; năm 2022 tỷ lệ này là 3,5%. Có thể thấy, chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Tình trạng hút thuốc lá điện tử của học sinh ở Nghệ An cũng nằm trong xu thế chung này.
PV: Ông có thể cho biết những giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mà Nghệ An đang triển khai và đâu là vấn đề trở ngại, thách thức?
Bác sĩ Lê Anh Tuấn: Thực hiện Kế hoạch số 861/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, các cấp uỷ đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong tỉnh đã đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm của Ủy ban nhân dân các cấp, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào hương ước, quy ước tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố; xây dựng các mô hình thí điểm như: nhà hàng, khách sạn, địa điểm công cộng, cơ sở y tế…
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục các tầng lớp nhân dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá được đẩy mạnh. Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, các sở, ngành địa phương và các đơn vị chức năng tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lồng ghép việc kiểm tra thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào chương trình, kế hoạch kiểm tra của các cơ quan. Mới đây nhất, ngày 20/8/2024, Nghệ An đã tiến hành tập huấn thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tác hại thuốc lá. Sau lớp tập huấn này, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ được đẩy mạnh.
Hiện nay, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đang còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam còn thấp và chưa có quy định về việc cấp phép quản lý điểm bán hàng nên việc tiếp cận các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng và được bày bán khắp nơi. Việc kiểm soát các quảng cáo, mua bán sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng và shisha trên mạng đang rất khó khăn.
PV: Bản chất của tình trạng nghiện thuốc lá là gì? Bác sĩ có lời khuyên nào với người cai thuốc? Và các bậc phụ huynh cần làm gì để giúp con trẻ tránh xa thuốc lá thế hệ mới?
Bác sĩ Lê Anh Tuấn: Nghiện thuốc lá là một trạng thái tâm thần – thể chất xuất hiện tương tác giữa cơ thể với nicotine có trong thuốc lá, được biểu hiện bằng sự thôi thúc phải hút thuốc lá liên tục và đều đặn để đạt được cảm giác dễ chịu khi hút thuốc lá, đồng thời tránh cảm giác khó chịu khi thiếu thuốc lá. Nghiện tâm lý, nghiện hành vi và nghiện thực thể là ba thành phần cấu thành nên nghiện thuốc lá.
Có rất nhiều người hút thuốc lá đã biết rõ tác hại của nó nhưng họ lại không thể cai thuốc, thử bỏ nhưng không thành công. Điều này có thể lý giải là do cơ chế nghiện. Khi người hút thuốc ngừng hút sẽ sinh ra hội chứng cai nghiện thuốc lá. Hội chứng cai khiến bệnh nhân rất mệt mỏi, khó chịu, vật vã, vật vờ, không làm được việc gì… Để bỏ được thuốc lá cần phụ thuộc rất nhiều yếu tố, bao gồm: Ý chí, quyết tâm của người hút có thực sự muốn đoạn tuyệt với thuốc lá hay không. Tiếp đó là cần sự đồng hành của gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
Để giúp các bạn trẻ tránh xa thuốc lá thế hệ mới, các phụ huynh cần sớm nhận biết 5 dấu hiệu trẻ sử dụng thuốc lá điện tử, như sau: Một là trẻ có thể có các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở. Hai là trẻ thay đổi hành vi; hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm. Bốn là phát hiện thấy mùi lạ (thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ.) Năm là những hành vi hoặc trò chuyện đáng ngờ với bạn bè.
Các bậc cha mẹ cần quan tâm, gần gũi giáo dục và dành nhiều thời gian để đồng hành cùng con trẻ hơn, nhất là khi con bước vào độ tuổi dậy thì, bởi đây là giai đoạn tâm sinh lý của trẻ thay đổi mạnh mẽ, dễ sa ngã, học theo bạn, sự hiểu biết chưa đầy đủ dễ làm cho trẻ học những hành vi chưa chuẩn mực. Trong đó, hút thuốc lá là một hành vi được trẻ cho rằng thể hiện được sự sành điệu và trưởng thành của mình mà không biết rằng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trong tương lai.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!