Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đình Trung - chứng tích đỏ anh hùng

Minh Nguyệt 19/10/2024 15:57

Đây là 1 trong 5 điểm di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1990 tại làng Đỏ (phường Hưng Dũng, TP Vinh).

Đình Trung nằm ở trung tâm phường Hưng Dũng, được xây dựng vào năm Ất Tý - 1843. Lúc bấy giờ đình được lợp bằng tranh rạ, 85 năm sau, tức là vào năm 1982 đình được nâng cấp và lợp ngói âm dương. Đình không nguy nga tráng lệ, nhưng vững chãi uy nghiêm với nhiều cột, đường hạ, vì kèo được chạm trổ tinh xảo, tất cả đều làm bằng gỗ lim.

Đình là nơi tập trung tổ chức những ngày hội làng, tế lễ và là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử diễn ra của nhân dân Yên Dũng Thượng ngày xưa và Hưng Dũng ngày nay.

Trong phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Đình Trung là nơi diễn ra các hoạt động đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Đáng chú ý nhất là vào ngày 27/4/1930, lá cờ đỏ búa liềm đầu tiên được treo lên ở khu vực Đình. Điều này chứng tỏ lúc bấy giờ Đảng Cộng Sản đã có mặt nơi đây và đang lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng.

Chi bộ Đảng đã vận động hơn 1.200 người dân Làng Yên tập trung tại Đình Trung để tham gia biểu tình ngày 1/5/1930 chống sưu cao thuế nặng. Tháng 9/1930, cũng tại Đình Trung, nhân dân Làng Yên đã buộc lý trưởng, hào mục nạp con dấu, sổ sách cho làng.

Những người tổ chức mít tinh tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền Xô - viết Công Nông đầu tiên. Chính quyền Xô - Viết lúc bấy giờ mang tên "Bát Hương" tức là 8 làng, do chi bộ Đảng lãnh đạo. Trụ sở chính quyền Xô-Viết cũng đặt tại Đình Trung và có nhiệm vụ chia đất cho dân nghèo, tổ chức truyền bá chữ quốc ngữ, quản lý mọi hoạt động trong làng.

Tuy chính quyền Xô - Viết tồn tại không được bao lâu, nhưng ý nghĩa lịch sử "đi đầu dậy trước" thì vô cùng to lớn. Sau chính quyền Xô - Viết bị đàn áp, Đình Trung vẫn là địa điểm diễn ra nhiều cuộc biểu tình của nhân dân đòi quyền lợi chính đáng cho cộng đồng.

bna_5.jpg
Di tích Đình Trung. Ảnh: Công Kiên

Ngày 17/8/1945, Đình Trung lại chứng kiến sự kiện Việt Minh lãnh đạo nhân dân làng Yên khởi nghĩa giành chính quyền và chính quyền mới vẫn chọn Đình Trung làm trụ sở làm việc. Tháng 4/1946, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức mở lớp bồi dưỡng cán bộ Đảng tại Đình Trung. Đặc biệt, tháng 11/1946, Đình Trung vinh dự được chọn làm nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Nghệ An lần thứ IV, với 45 đại biểu chính thức.

Dự đại hội có các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt và cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đồng thời với các sự kiện trên, Đình Trung còn được xem là trường học đầu tiên của làng Yên. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, theo lời kêu gọi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, đình trở thành địa điểm học tập "diệt giặc dốt". Qua nhiều thời kỳ cách mạng, Đình Trung còn là nơi tập trung tiễn đưa lớp lớp thanh niên địa phương lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Đình Trung là chứng tích lịch sử hào hùng của nhân Làng Yên - Hưng Dũng. Thời gian, chiến tranh tàn phá của bom đạn và nhiều yếu tố khác đã làm cho đình phải qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo. Từ năm 2006 đến nay, phường Hưng Dũng đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để tôn tạo các hạng mục, khuôn viên đình và bố trí sắp xếp lại hơn 50.000 hiện vật qua các thời kỳ Cách mạng diễn ra tại đình. Thời gian gần đây, phường Hưng Dũng đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng để xây nhà truyền thống và tôn tạo Đình Trung.

Đình Trung là biểu tượng lịch sử của phường Hưng Dũng. Bên cạnh Đình Trung là Lăng Đức thánh Dăm Mụ Nuôi, Cây Sanh Chùa Nia, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Để lưu giữ và giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau, Đảng bộ và nhân phường Hưng Dũng đã cho xây dựng nhà truyền thống bên cạnh đình và từng bước xây dựng nơi đây thành điểm văn hóa, cụm di tích Làng Đỏ của TP Vinh.

Minh Nguyệt