Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đình Võ Liệt

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 19/10/2024 15:57

Đình Võ Liệt nằm bên hữu ngạn sông Lam, trên cánh đồng Rè, thuộc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đình Võ Liệt cách thành phố Vinh 50km theo hướng Tây Bắc. Từ Vinh, du khách có thể đến thăm di tích này bằng đường thủy trên sông Lam, hoặc đường bộ theo Quốc lộ 46.

Võ Liệt nói riêng và Thanh Chương nói chung là mảnh đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học và truyền thống yêu nước. Đây là vùng đất cổ, có nhiều dòng họ, lắm người đỗ đạt cao. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mảnh đất này đã mang nhiều tên gọi khác nhau như Thổ Ngọa (thời Trần), Võ Liệt (thời Lê), Kim Bảng (năm 1945) và sau năm 1945 thì trở lại tên Võ Liệt cho đến ngày nay.

Xã Võ Liệt trước đây có 3 làng, mỗi làng đều có một di tích nổi tiếng. Làng Ngũ Phúc có đình Võ Liệt, làng Chí Linh có Phủ ngoại thờ cha tướng Phan Đà, làng Trường Yên có đền Bạch Mã. Ba làng có chung tên nôm là Võ Liệt.

bna_1(3).jpg
Di tích đình Võ Liệt. Ảnh: Trần Duy Ngoãn

Đình Võ Liệt trước đây có tên là Quán Hàng Tổng, do Hội Văn của Tổng Võ Liệt lập ra để thờ Khổng Tử và những người tiên hiền đỗ đạt ở địa phương. Đình được xây dựng vào năm 1859 và đến năm 1860 thì hoàn thành. Đình do ông Hoàng Chính Trực chủ trì thiết kế, xây dựng sau khi ông đậu cử nhân (1858).

Trước khi xây dựng đình, ông tú tài Hoàng Chính Trực đã nghiên cứu, thăm thú, tuần du để tìm hiểu kiến trúc ở Thăng Long, Thanh Hóa. Sau đó, ông về quê bàn với các nhà Nho trong Hội Văn của Tổng làm đình Võ Liệt.

bna_2(3).jpg
Đình Võ Liệt được trùng tu, tôn tạo và bảo vệ. Ảnh: Trần Duy Ngoãn

Đình Võ Liệt là một di tích văn hóa có kiến trúc khá độc đáo trong hệ thống đình làng Việt Nam. Cổng đình có kết cấu theo kiểu đình làng Bắc Bộ cổ truyền với 4 trụ cổng vững chãi tạo thành 1 cổng chính và 2 cổng phụ: tả, hữu. Hai bên sân đình là hai nhà bia, mỗi nhà có 3 tấm bia ghi họ tên bằng chữ Hán của 445 người đỗ đạt của tổng Võ Liệt, trong đó có 377 Tú tài, 63 Cử nhân, 2 Tiến sĩ và 3 Phó bảng, tiêu biểu như tú tài Trần Văn Thăng, Nguyễn Cảnh, Đỗ Đức Cao, Nguyễn Đình Thực… (thời Lê), cử nhân Vũ Duy Tân, Tống Huy Viên, Phan Sỹ Nhiếp, Hoàng Nho Nhã, Hồ Sỹ Tạo… (thời Nguyễn).

Đình chính có kết cấu kiến trúc hình vuông hay còn gọi là kết cấu chữ “khẩu” với 54 cột lim và 4 cột xây bằng gạch vững chắc tạo thành những nếp nhà khép kín không có đốc (trừ tầng lầu dãy sau), bên trong thông nhau, ở giữa là một sân trời nhỏ. Đây chính là nét kiến trúc độc đáo hiếm có của đình Võ Liệt. Trong đình không có tượng Phật hay những họa tiết hoa văn cầu kỳ, mái đình lợp toàn ngói vảy âm – dương. Phía sau đình có dãy nhà 5 gian dùng làm nơi tổ chức ăn uống cho Hội Văn…

bna_3(2).jpg
Mái đình Võ Liệt. Ảnh: Trần Duy Ngoãn

Thành Hoàng làng Võ Liệt là vị tướng Phan Đà - người có công đánh đuổi giặc Minh thời Lê. Sau khi ngôi đình này chuyển thành Văn chỉ thì Khổng Tử mới được rước vào thờ ở đây. Với công năng kép: vừa là Văn chỉ, vừa là ngôi đình thờ Thành Hoàng làng và là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian đã tạo thêm cho di tích này một điểm riêng biệt so với những ngôi đình khác.

Người dân Võ Liệt nói riêng và nhân dân xứ Nghệ nói chung có đời sống tinh thần phong phú. Họ yêu những làn điệu dân ca, say với những câu ví, giặm đò đưa. Đầu Xuân, tại đình Võ Liệt, diễn ra nhiều lễ hội dân gian để nhớ ơn Phan Đà. Tháng 2 âm lịch có lễ Tế Hiệp, tháng 8 âm lịch có lễ cúng Đức Khổng Tử.

Cứ 3 năm một lần, nhân dân lại tổ chức lễ Kỳ Khoa vào ngày khai hạ mồng 7 tháng Giêng âm lịch. Thí sinh các nơi tập trung tại đình Võ Liệt nghe bình giảng thơ phú kinh nghĩa. Trong ngày hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: vạt cù khô, đua thuyền, trồng cây chuối...

Đình Võ Liệt không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là di tích lịch sử cách mạng có vị trí quan trọng trong hệ thống di tích trên mảnh đất Nghệ Tĩnh. Nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931)…

Phát huy truyền thống yêu nước có từ lâu đời, khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, nhân dân Thanh Chương đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ. Sáng ngày 1/6/1930, nhân dân đã tay gậy, tay thước tập trung tại đình Võ Liệt, rồi kéo lên huyện đường đưa yêu sách. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, tri huyện Phan Thanh Kỷ phải chấp nhận bản yêu sách của quần chúng với lời hứa sẽ đệ trình lên quan trên xem xét, giải quyết.

Ngày 1/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Thanh Chương, 2 vạn nhân dân trong 5 tổng đã vượt sông Lam sang vây phá huyện đường, khiến tri huyện, nha lại hoảng sợ phải bỏ chạy lên đồn Thanh Quả. Trước sự tan rã của bộ máy hương hào ở địa phương, Chi bộ Đảng đã họp ở đình Võ Liệt quyết định thành lập tổ chức Nông hội đỏ, đại diện cho quyền lợi của người lao động và công khai giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng. Đình Võ Liệt trở thành trụ sở làm việc của chính quyền Xô viết…

Cũng trong thời kỳ này, các hoạt động như diễn thuyết, tổ chức học chữ Quốc ngữ, đọc bài Quốc tế ca, treo cờ Đảng và nhiều sinh hoạt văn hóa văn nghệ khác được tổ chức thường xuyên tại đình. Đây cũng là địa điểm có nhiều nhà nho hay chữ ở các nơi khác được nhân dân mời về dạy học cho con em, trong đó có thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc và các cụ Tôn Lộ Xuyên, cụ Phan Bội Châu, cụ Cử Độ, cụ Cử Vành…

bna_4.jpg
Bia ghi danh những người đỗ đạt ở đình Võ Liệt. Ảnh: Trần Duy Ngoãn

Tiếng trống Xô viết năm 1930-1931 được gióng lên từ đình Võ Liệt, lá cờ đỏ búa liềm của Đảng phấp phới bay trên nóc đình là những âm sắc gợi lại một thời oanh liệt của vùng quê nghèo khó nhưng giàu lòng yêu nước, theo tiếng gọi của Đảng đã đứng lên làm cách mạng chống thực dân – phong kiến.

Trong những năm 1940-1947, đình Võ Liệt là nơi diễn ra những cuộc họp thành lập, khôi phục lại Chi bộ Đảng Võ Liệt (năm 1940), nơi tiến hành Đại hội đại biểu Khu uỷ IV dưới sự chủ trì của các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu, Thiếu tướng Nguyễn Sơn và Đại hội Liên khu IV cũ (năm 1947)… Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều bậc lão thành cách mạng cũng đã từng về thăm ngôi đình này.

Hàng năm, lễ hội truyền thống cách mạng Xô viết Thanh Chương được tổ chức vào ngày 1/9 tại đình đã thu hút đông đảo nhân dân và thế hệ trẻ tham dự. Đình Võ Liệt đã trở thành biểu tượng cho lòng tự hào dân tộc của người dân xứ Nghệ. Với những giá trị to lớn đó, đình Võ Liệt đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia (Quyết định số 1288/ QĐ-VH), ngày 16 tháng 11 năm 1988.

Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh