Thanh Chương tự hào và tiếp bước!
Công bố 555 danh xưng Thanh Chương, kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống Đảng bộ và nhân dân huyện nhà là dịp để tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp của Người và Đất Thanh Chương. Từ đó, phát huy lên một tầm cao mới trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
• 10/08/2024
Thanh Chương là vùng đất cổ, có tự lâu đời. Theo các nhà khảo cổ, cách đây hơn hai vạn năm, tại Đồi Rạng, Đồi Dùng đã có người Việt nguyên thủy, thuộc nền văn hóa Sơn Vi sinh sống.
Vùng đất này từng có tên gọi là Hàm Hoan, tiếp đó là Cửu Đức, rồi Thổ Du. Đến Vương triều Lê sơ, đất nước Đại Việt thái bình, thịnh trị; năm 1469, Vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước, đặt tên huyện là Thanh Chương.
Theo gia phả của các dòng họ, từ thế kỷ XI, XII trở đi, có nhiều cuộc di cư quy mô lớn từ phương Bắc vào phía Nam để mở rộng lãnh thổ, hoặc do loạn ly, giặc dã, do tìm kế sinh nhai. “Đất lành chim đậu”, thung lũng Lam Giang trở thành nơi quần cư của những nhóm người có cả kẻ sĩ, danh gia vọng tộc đến kẻ thất cơ, lỡ vận chờ thời,… họ cố kết thành một cộng đồng, chống chọi với thiên tai, giặc dã, trường tồn với thời gian, bất chấp mưa dập, gió vùi.
Thiên nhiên không hào phóng ban tặng tài nguyên sẵn có; nhưng đã để lại những dáng sông, thế núi, vừa dung dưỡng, vừa thử thách, đủ cho con người nuôi nghĩa nặng, chí bền. “Đất giáp ba sông hiểm/ Núi hình muôn ngựa phi”,… sông Giăng, sông Trai, sông Rộ, sông Gang chan hòa, quấn quýt với Lam Giang; những Thiên Nhẫn, Đại Can, Tháp Bút, Giăng Màn, Kim Nghê, Phượng Hoàng, núi Ngọc,… đã đi vào lịch sử cùng thơ, ca, nhạc, họa.
Sự “tứ tắc” của địa hình, sự khắc nghiệt của khí hậu, lại giặc dã triền miên,… đã hun đúc, kết tinh một cộng đồng người với những phẩm chất đặc biệt, đậm đặc “tính cách - thương hiệu Nghệ”: “Lý tưởng trong tâm hồn - Trung kiên trong bản chất - Khắc khổ trong sinh hoạt - Cứng cỏi trong giao lưu”,…
Hơn nửa thiên niên kỷ, với bao biến cố thăng trầm, đất và người Thanh Chương vẫn tư thế vững vàng, khí phách hiên ngang, thời nào cũng có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chấn hưng đất nước.
Chúng ta tự hào: Từ thế kỷ XV, “Kỳ đồng, thần Bạch Mã” Phan Đà với hàng nghìn dân binh đã giúp nghĩa quân Lê Lợi đánh thắng nhiều trận giòn dã, làm cho quân Minh kinh hồn, bạt vía. Khi mất đi, người linh ứng, cứu giúp dân lành khỏi thiên tai, dịch bệnh, phù trợ các triều vua chiến thắng kẻ thù. Đền Bạch Mã trở thành tứ linh của xứ Nghệ.
Chúng ta tự hào: Tiến sĩ Đinh Bô Cương, từ một Tri huyện thanh liêm, nghiêm cẩn, được chính Vua Lê Thánh Tông thịnh tuyển làm đến Hình bộ Thượng. Khi về hưu, ông đã khai khẩn các xã hữu ngạn tổng Cát Ngạn, dạy dân “dẫn thủy nhập điền” chống hạn. Đặc biệt, ông có tầm nhìn xuyên thế kỷ: cách đây 500 năm, với phương thức “dĩ nông tàng Nho” - lấy nghề nông để nuôi sự học, đã ảnh hưởng lâu bền đến “đạo học” của đất và người Thanh Chương.
Chúng ta tự hào giữa thế kỷ 15, thời Lê - Trịnh, Đỗ Bá Công Đạo quê ở Thanh Mai - là người đi nhiều, biết rộng, ông từ quan, theo thuyền buôn ra biển, vẽ bản đồ. Ông là tác giả của bộ Tứ lộ chi đồ quý giá, trong đó có bản đồ Trường Sa, Hoàng Sa quý giá lưu truyền đến ngày nay.
Chúng ta tự hào: Năm 1874, khi Triều đình Huế ký Hiệp ước Giáp Tuất với Pháp, ở Thanh Chương đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của thầy trò Tú tài Trần Tấn - Đặng Như Mai. Dù bị thất bại nhưng đây là sự kiện điển hình về tinh thần dân tộc cao cả, vì chủ quyền quốc gia và để lại những bài học quý giá cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc sau này.
Chúng ta tự hào: Đầu thế kỷ 19, ở Võ Liệt có Tiến sĩ Phan Sĩ Thục, vừa tài năng đức độ, vừa liêm khiết, đến tuổi nghỉ hưu vẫn được lưu lại. Đi làm quan luôn nhớ lời cha dặn: “Con phải làm cho dân tin, dân thương, đừng làm cho dân sợ, dân oán” - “làm quan hơn 40 năm vẫn sống thanh liêm trong căn nhà tranh vách đất, hũ gạo luôn bị rỗng không mà vẫn thản nhiên”.
Chúng ta tự hào: Từ buổi bình minh có Đảng, ngày 1/9/1930, ở Thanh Chương đã diễn ra “cuộc biểu tình dữ dội chưa từng có ở An Nam bao giờ”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng 2 vạn nông dân nhất tề nổi dậy, phá tan huyện đường phong kiến, lập chính quyền Xô viết đầu tiên trong cả nước. Lịch sử từng ghi: “So với phong trào toàn tỉnh, các Xô viết ở Thanh Chương đi đầu về cả 3 mặt: Nội dung hoạt động, hình thức đấu tranh và thời gian tồn tại”.
Chúng ta tự hào: Qua các cuộc kháng chiến giữ nước, Thanh Chương là mảnh đất kiên cường trong chiến đấu, là hậu cứ thủy chung, son sắt với cách mạng. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Dù phải lấp Rào Gang, san Rú Nguộc vẫn đảm bảo cho xe ta ra tiền tuyến”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, là biểu tượng hào hùng của một thời đánh Mỹ. Huyện và 12 xã đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vuv trang nhân dân.
Chúng ta tự hào: Đất “địa linh” sinh nhiều “nhân kiệt”. Mảnh đất này đã sinh thành, dưỡng dục những danh nhân ưu tú như Phan Nhân Tường, Nguyễn Tiến Tài, Nguyễn Lâm Thái, Nguyễn Thế Bình, Nguyễn Đình Cổn, Phạm Kinh Vĩ, Đinh Nhật Thận, Nguyễn Sĩ Sách, Đặng Thai Mai, Đặng Thúc Hứa, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Côn, Võ Quý Huân, Võ Thúc Đồng, Nguyễn Duy Quý, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Tài Tuệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Đệ, Đặng Đình Hồ,… và rất, rất nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước, nhà chính trị, nhà khoa học, các tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, doanh nhân nổi tiếng,... Mỗi nhân vật là một trang vàng trong cuốn biên niên sử trường tồn muôn thuở với quê hương, đất nước….
Chúng ta tự hào với những địa danh Bãi Trận, Hòa Quân, thành Bình Ngô, bến Ba Nghè,… tự hào những tên Đất, tên làng Đạo Ngạn, Cao Môn, Thổ Sơn, Hạnh Lâm, Lai Nhã, Chi Nê, Võ Liệt, Quảng Xá, Bích Thị, Lương Điền, Tú Viên, Nguyệt Bổng, Đại Định, Tiên Hội, Cẩm Thái,… mỗi địa danh đều neo đậu với những sự kiện lịch sử vượt qua không gian, sống mãi với thời gian mãi là niềm tự hào của đất và người Thanh Chương.
Cùng với sự phát triển chung, Thanh Chương hôm nay đã có những đổi thay to lớn. Kinh tế tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn 3,2%; từ huyện "tứ tắc", nay đã có 6 quốc lộ đi qua trên địa bàn, 36 bến đò ngang đã được thay thế bằng những chiếc cầu nối những bờ vui; 29 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã NTM nâng cao, xã Thanh Lĩnh đạt NTM kiểu mẫu; Thị trấn Thanh Chương đạt chuẩn đô thị văn minh; văn hóa xã hội phát triển lành mạnh, giáo dục vẫn là điểm tựa vững chắc để người Thanh Chương đi lên; quốc phòng an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện tốt, thực sự “Trên dưới đồng lòng - Dọc ngang thông suốt - Tiền hô hậu ủng - Nhất hô bá ứng” như mong muốn của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng cùng với sự khiêm tốn, cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận chúng ta còn nhiều khuyết điểm, hạn chế, khó khăn, thách thức. Để xứng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc, của quê hương, với các bậc tiền nhân, không cho phép chúng ta thỏa mãn, cầm chừng, phải đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đứng giữa quê hương trong ngày Đại lễ, chúng ta thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các bậc tiền nhân đã có công khai mở, giữ gìn, phát triển cả vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta thành kính tưởng nhớ và biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các vị tiền bối cách mạng, các anh hùng liệt sỹ, các mẹ VNAH, các thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với nước, cùng các thế hệ người con đất Việt đã vì sự trường tồn, phồn vinh của Tổ quốc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Xưa đã từng là nay. Nay sẽ trở thành xưa. Đó là sự vận động của thời gian, của lịch sử. Hiểu như vậy chúng ta sẽ có trách nhiệm với thời gian, cũng là trách nhiệm với lịch sử”. Không biết bao trí tuệ, mồ hôi, xương máu của ông cha ta đã đổ vào mỗi thửa ruộng, mỗi con đê, mỗi đoạn đường, mỗi hóc chọ để Thanh Chương có được như ngày nay. Suốt hàng trăm năm, “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa”, hết đời này qua đời khác, Nhân dân ta có bao ngày được ngơi nghỉ? Thế hệ nối tiếp thế hệ kiên cường, chiến đấu, hiến dâng cho quê hương cả cuộc đời mình để bảo vệ từng tấc đất của Tổ tiên nguồn cội.
Trong những năm tới, chúng ta có những thời cơ và thuận lợi mới. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với những cơ chế chính sách cụ thể đã được Quốc hội thông qua. Đường cao tốc Viêng chăn - Hà Nội đoạn từ Cửa khẩu Thanh Thủy về thành phố Vinh kết nối với cao tốc Bắc - Nam sẽ được ưu tiên đầu tư trước. Cơ sở hạ tầng sau nhiều nhiệm kỳ được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ.
Huyện có nguồn nhân lực dồi dào, có diện tích rừng lớn, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn chặt với hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; khơi dậy trầm tích văn hóa, mật độ di tích lịch sử đậm đặc để đi lên. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Chương sẽ tiếp tục kề vai sát cánh, bằng các giải pháp căn cơ, cụ thể xây dựng quê hương ngày càng phát triển bền vững.
Công bố 555 danh xưng Thanh Chương, kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống Đảng bộ và nhân dân huyện nhà là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp của người và đất Thanh Chương. Đó là di sản vô giá của các bậc tiền nhân để lại. Chúng ta trân trọng tri ân, có trách nhiệm giữ gìn, truyền lại cho muôn đời sau và phát huy lên một tầm cao mới trong giai đoạn hội nhập và phát triển.