Náo nức một mùa thu nay trên miền trung du Thanh Chương

Thời sự
Anh Đặng 08/08/2024 16:42

Tối ngày 10/8 tới đây, tại thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương) sẽ diễn ra Lễ công bố 555 năm danh xưng Thanh Chương. Nhưng từ nhiều tháng qua, các hoạt động đã có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng; nhân dân rất phấn khởi, đồng tình, ủng hộ. Đó chính là nhờ cách làm nhân văn, thiết thực.

Quê hương cách mạng

Thanh Chương là vùng đất cổ, đã có từ lâu đời; từng có tên là Hàm Hoan, tiếp đó là Cửu Đức, rồi Thổ Du. Đến Vương triều Lê sơ, khi đất nước Đại Việt thái bình, thịnh trị; năm 1469, Vua Lê Thánh Tông đã cho định lại bản đồ cả nước, đặt tên huyện là Thanh Chương. Danh xưng Thanh Chương có từ thời đó.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, Đất và Người Thanh Chương đã có những đóng góp xứng đáng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, chấn hưng đất nước.

1(4).jpg
Thị trấn huyện lỵ Thanh Chương hôm nay. Ảnh: Diện Nguyễn

Từ buổi bình minh có Đảng, ngày 1/5/1930 công nhân các Nhà máy Cưa, nhà máy Diêm Trường Thi, Bến Thủy cùng nông dân các làng ở Vinh, Hưng Nguyên đã tổ chức cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, mở màn cho cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh cũng như trong cả nước.

Cũng vào buổi sáng 1/5 lịch sử đó, 3.000 nông dân Thanh Chương tập trung tại đình Hạnh Lâm, tổng Cát Ngạn tổ chức mít-tinh rồi tuần hành kéo đến đồn điền Ký Viễn, đòi lại ruộng đất và con đường độc đạo đi làm ăn của bà con mà nó đã chiếm. Ký Viễn bỏ trốn, nhân dân đã đốt cháy dinh cơ của nó. Sau đó, con đường được mở rộng và Ký Viễn buộc phải thực hiện thêm một số yêu sách của Nhân dân.

Cùng thời điểm trên, tại Trường tiểu học Pháp - Việt chợ Rộ (Thanh Chương), 100 học sinh đã tổ chức bãi khóa, chống lại ách áp bức của đế quốc, phong kiến.

Ðến ngày 3-5, thực dân Pháp và phong kiến tay sai đưa giám binh Petite cùng 60 tên lính kéo lên Hạnh Lâm đàn áp. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Nông hội đỏ, Nhân dân đã mặt đối mặt, bao vây chúng trong đình làng Hạnh Lâm, đấu tranh với chúng trong hai ngày đêm ròng rã. Cuối cùng để tháo chạy, giám binh Petite đã ra lệnh cho binh lính bắn xả vào quần chúng, làm 18 người chết và 20 người bị thương! Nhưng cũng từ đó, ngọn lửa đấu tranh ở Thanh Chương ngày càng bốc cao.

7.jpg
Một góc thị trấn Thanh Chương về đêm. Ảnh: Diện Nguyễn

Đỉnh điểm là ngày 1/9/1930, ở Thanh Chương đã diễn ra cuộc biểu tình dữ dội, chưa từng có ở An Nam bao giờ”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, có lực lượng “Tự vệ đỏ” bảo vệ, 2 vạn nông dân nhất tề nổi dậy, phá tan huyện đường phong kiến, sau đó lập chính quyền Xô viết đầu tiên trong cả nước. Tuy Huyện ủy không có chủ trương giành chính quyền nhưng chính quyền phong kiến tan rã, ở 65 làng, xã, Xã bộ nông (mà nòng cốt là Chi bộ Đảng và Ban Chấp hành Nông hội đỏ) đã công khai đứng ra giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng. Họ lãnh đạo quần chúng thực hiện chủ trương của Đảng đề ra và tổ chức xã hội mới theo kiểu chính quyền Xô viết ở Nga mà họ tiếp thu được qua truyền đơn, sách báo tuyên truyền của Đảng. Dù tổ chức và hoạt động còn có nhiều ấu trĩ nhưng Nhân dân vô cùng hào hứng, phấn khởi, vì đó là khát vọng cháy bỏng của Nhân dân được làm chủ xã hội.

Lịch sử từng ghi: “So với phong trào toàn tỉnh, các Xô viết ở Thanh Chương đi đầu về cả 3 mặt: Nội dung hoạt động, hình thức đấu tranh và thời gian tồn tại”. Dù thất bại nhưng ý nghĩa của Xô viết đã ăn sâu vào quần chúng lao khổ về “Chính quyền của Dân, do Dân, vì Dân”.

Để các hoạt động kỷ niệm đi vào chiều sâu, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện đã có chủ trương từ hơn một năm trước. Điều được Nhân dân đồng tình rất cao là cấp ủy, chính quyền huyện có chủ trương làm tốt công tác tuyên truyền để Nhân dân nắm được bản chất, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử; bồi đắp niềm tự hào với truyền thống của quê hương, đất nước; tổ chức những hoạt động thiết thực; quan tâm xây dựng được những công trình hạ tầng kỹ thuật có tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tránh phô trương, hình thức, lãng phí,…

Những việc làm thiết thực, nhân văn

Trong những ngày này, ở Thanh Chương đang tập trung chuẩn bị kỷ niệm hai sự kiện quan trọng của huyện: Công bố 555 năm danh xưng Thanh Chương (1469-2024) và kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà (1/9/1930-1/9/2024).

Trong thời gian qua, toàn huyện đã xây dựng được 300 công trình vừa và nhỏ, chủ yếu là đường giao thông, tu sửa nghĩa trang Liệt sĩ, các công trình phúc lợi công cộng,… với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng từ đóng góp của người dân, con em xa quê, ngân sách địa phương.

9.jpg
Trải nghiệm thắng cảnh Thác Liếp (Thanh Chương). Ảnh: Diện Nguyễn

Trong tháng 5/2024, Huyện đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu 555 danh xưng Thanh Chương và ngày truyền thống của huyện bằng hình thức trực tuyến online, với 4 kỳ, mỗi kỳ trong một tuần. Số lượng tham gia rất “bất ngờ”, hơn 1,7 triệu lượt người – trong đó có rất nhiều bà con xa quê tham gia, cao nhất từ trước tới nay.

Trong quá trình chuẩn bị lễ kỷ niệm, khi biết tin đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, lãnh đạo huyện đã quyết định không tổ chức bắn pháo hoa như đã dự kiến và dùng số kinh phí này để xây dựng nhà tình nghĩa cho một số hộ chính sách, hộ nghèo và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Được biết, để tổ chức các hoạt động kỷ niệm, với phương châm xã hội hóa, lãnh đạo huyện đã kêu gọi anh chị em doanh nghiệp con em quê hương ủng hộ ngân sách và các điều kiện khác. Ngoài số kinh phí phục vụ cho hoạt động kỷ niệm, các doanh nghiệp đã ủng hộ 6 tỷ đồng cho quỹ an sinh xã hội của huyện để hỗ trợ nhà ở và giúp cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Tự hào và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực để kỷ niệm, phù hợp với thực tế của địa phương là cách làm của cấp ủy, chính quyền ở Thanh Chương, được dư luận của Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ./.

Náo nức một mùa thu nay trên miền trung du Thanh Chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO