Xã hội

Khởi sắc trên vùng quê cách mạng Nghệ An

Công Kiên 19/08/2024 21:29

Là vùng quê giàu truyền thống yêu nước, Nghệ An luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Những vùng quê cách mạng đã và đang chứng kiến nỗ lực của người dân trên hành trình nâng cao đời sống và dựng xây quê hương trong sự nghiệp đổi mới.

khoisacvungquencm-cover(1).png

Công Kiên • 20/08/2024 07:30

khoisacvungquencm-tit1.png

Trong nắng Thu vàng rực, chúng tôi về thăm đền Chính Vị ở xã Nghi Xuân (Nghi Lộc), là di tích lịch sử quốc gia, gắn liền với phong trào đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám (1945). Lịch sử xã Nghi Xuân ghi lại sự kiện tại đền Chính Vị: "Ngày 15/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Nghệ Tĩnh phát lệnh khởi nghĩa; ngày 25/8, Việt Minh huyện và Việt Minh các tổng vận động nhân dân mít tinh tại chợ Quán (Nghi Hoa) để nghe diễn thuyết. Nhân dân Song Lộc, Tân Hợp (tức xã Nghi Xuân) cùng nhân dân các xã mít tinh hưởng ứng… Sáng 26/8, nhân dân Song Lộc, Tân Hợp cùng kéo đến huyện đường giành chính quyền. Cũng trong ngày 26/8, tại đền Chính Vị, nhân dân các làng đã tập trung mít tinh giành chính quyền, Ủy ban cách mạng lâm thời được thành lập do ông Trần Văn Nhĩ làm Chủ tịch, ông Nguyễn Đình Trị làm Phó Chủ tịch. Đây là đơn vị giành được chính quyền đầu tiên ở huyện Nghi Lộc".

Di tích đền Chính Vị, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên
Di tích Đền Chính Vị, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên

Khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Song Lộc, Tân Hợp là kết quả của quá trình đấu tranh gian khổ, hy sinh của nhân dân, của khối đoàn kết toàn dân, kinh nghiệm qua các phong trào đấu tranh cách mạng do Đảng lãnh đạo, bắt đúng tình thế, thời cơ, mau lẹ để giành chính quyền về tay nhân dân.

Trải qua 79 năm, đời sống mọi mặt của xã Nghi Xuân đã có nhiều thay đổi, thu nhập bình quân hiện ở mức 63 triệu đồng/người/năm, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến Nghi Xuân, ấn tượng nhất là những con đường nhộn nhịp, những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, mang đến cho làng quê một diện mạo mới. Xã có 3 tuyến đường lớn đi qua, gồm: Đại lộ Vinh - Cửa Lò, tuyến đường Vinh - Cửa Hội, đường ven sông Lam và nhiều tuyến đường nhánh đã được nâng cấp, mở rộng. Hệ thống đường giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong giao thương kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập.

Một góc xã Nghi Xuân (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên
Một góc xã Nghi Xuân (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên

Trước đây, người dân xã Nghi Xuân chỉ có hai nghề chính là sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản, nguồn thu nhập khá bấp bênh. Công cuộc đổi mới và hội nhập đã giúp bà con đa dạng hóa ngành nghề, bên cạnh ngành nghề truyền thống xuất hiện thêm các nghề mới thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Qua đó, xuất hiện những mô hình kinh tế cho thu nhập cao, giải quyết việc làm cho người lao động.

Theo chân ông Phạm Đình Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân, chúng tôi đến Công ty May mặc Xuân Tình của anh Đào Văn Hiền ở xóm Thiên Đống. Nhà xưởng có diện tích hàng nghìn mét vuông, với 120 công nhân cùng hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại hoạt động suốt ngày, đêm, chuyên sản xuất, gia công mặt hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Đóng góp lớn nhất của công ty là giải quyết việc làm cho số lượng khá lớn người lao động ở địa phương với mức lương 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. Cùng với Công ty May mặc Xuân Tình, Công ty Chế biến và Kinh doanh lâm sản Hoàng Nguyên ở xóm Lộc Mỹ cũng giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Không khí sản xuất tại Công ty May mặc Xuân Tình, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên
Không khí sản xuất tại Công ty May mặc Xuân Tình, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc). Ảnh: Công Kiên

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng và những kết quả đạt được trong những năm qua, cán bộ, nhân dân xã Nghi Xuân đang hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần thúc đẩy tiến độ và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn toàn tỉnh. Diện mạo nông thôn mới đang ngày càng khang trang, thực sự sáng - xanh - sạch - đẹp, chất lượng đời sống của người dân đang từng ngày khởi sắc”

Ông Phạm Đình Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân

khoisacvungquencm-tit2.png

Từ xã Nghi Xuân, chúng tôi tiếp tục ngược lên huyện Hưng Nguyên và dừng chân ở xã Long Xá, là địa phương có phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi. Theo lịch sử địa phương, trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, người dân Phù Long đã vùng lên mạnh mẽ, ngày 12/9/1930 hàng nghìn người tham gia cuộc biểu tình ở Thái Lão.

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu tháng Tám, ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, người dân các thôn, xóm rầm rập kéo đến điểm tập trung, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Đoàn biểu tình của xã Phù Long hòa vào dòng người đến từ các tổng thuộc phủ Hưng Nguyên, kéo đến chiếm phủ đường, buộc Tri phủ Nguyễn Tiên Đơn đầu hàng vô điều kiện.

Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng.
Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng.

Trải qua bao thăng trầm, làng quê Long Xá hôm nay đã trở nên trù phú với những con đường ô bàn cờ được rải nhựa và bê tông hóa, nhà cửa mọc lên khang trang. Cánh đồng lúa hè - thu đã nhuộm sắc vàng, hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Trên bãi bồi ven sông, đàn trâu, bò nhẩn nha gặm cỏ điểm tô thêm nét thanh bình của một vùng quê trù phú.

Xã Long Xá hiện được chia thành 8 xóm với gần 9.600 nhân khẩu, nguồn thu nhập chính của bà con vẫn từ trồng trọt và chăn nuôi, bình quân thu nhập. Cùng đó là một số nghề truyền thống như nghề làm bún, bánh (đã được công nhận làng nghề), nghề mộc, mây - tre - đan và gần đây nhiều hộ làm nghề cơ khí, chế biến lâm sản, kinh doanh các loại hình dịch vụ… Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất của xã Long Xá đạt 221,039 tỷ đồng (đạt 59,5% kế hoạch năm), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, ngành nghề, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp xây dựng tăng nhanh.

Cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ của anh Hoàng Minh Khánh, xã Long Xá (Hưng Nguyên). Ảnh: Công Kiên
Cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ của anh Hoàng Minh Khánh, xã Long Xá (Hưng Nguyên). Ảnh: Công Kiên

Là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, xã Long Xá luôn quan tâm đến việc khuyến học, khuyến tài. Toàn xã có tổng số gần 2.200 học sinh các cấp học, trong đó, trên 100 em học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cơ bản đầy đủ, các trường đều giữ vững danh hiệu chuẩn Quốc gia.

Nhờ phát huy được lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng và giao thông thuận lợi, những năm gần đây đời sống mọi mặt ở xã Long Xá đã có nhiều khởi sắc. Hiện tại, cán bộ và nhân dân toàn xã đang cùng phấn đấu đạt thêm nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt là nỗ lực đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 để xứng đáng với truyền thống quê hương”.

Ông Lê Xuân Quế - Bí thư Đảng ủy xã Long Xá

7. Mở rộng đường giao thông nông thôn ở xã Long Xá (Hưng Nguyên); Nhà văn hóa xóm Sơn Thành, xã Long Xá; Một góc xã Long Xá hôm nay. Ảnh: Công Kiên
Mở rộng đường giao thông nông thôn ở xã Long Xá (Hưng Nguyên); Nhà văn hóa xóm Sơn Thành, xã Long Xá; Một góc xã Long Xá hôm nay. Ảnh: Công Kiên

Bên cạnh 2 xã Nghi Xuân và Long Xá còn nhiều vùng quê “đi đầu, dậy trước” trong phong trào cách mạng và đạt được những thành tựu nổi bật trong công cuộc đổi mới như xã Nam Thanh (Nam Đàn), xã Võ Liệt (Thanh Chương), xã Phúc Sơn (Anh Sơn) và xã Môn Sơn (Con Cuông)…, góp phần tạo nên những “điểm sáng” về xây dựng và phát triển quê hương.

Mới nhất
x
x
Khởi sắc trên vùng quê cách mạng Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO