Xã hội

Chuyên gia hiến kế phát triển bền vững du lịch Nghệ An

Công Kiên 09/12/2024 10:42

Dù đã có những bước tiến quan trọng, du lịch Nghệ An vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và cách xa nhiều tỉnh, thành trong nước. Với mong muốn giúp ngành Du lịch Nghệ An phát triển bền vững, một số chuyên gia đã đề xuất các giải pháp.

Ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

bna_5.jpg
Du khách về thăm quê Bác. Ảnh: Đình Tuyên

Tỉnh Nghệ An cần tiếp tục phát huy thế mạnh, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những trải nghiệm thực sự ấn tượng cho du khách. Xây dựng hình ảnh “Nghệ An - điểm đến của di sản, thiên nhiên và trải nghiệm cộng đồng” nhằm tạo dấu ấn riêng trong bản đồ du lịch Bắc Trung Bộ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trong khu vực nhằm tận dụng lợi thế vùng, tạo sức mạnh tổng thể để phát triển du lịch bền vững. Việc xây dựng và phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh kết nối với các địa phương sẽ giúp khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, thu hút du khách nhờ sự đa dạng sản phẩm và trải nghiệm. Liên kết vùng còn hỗ trợ quảng bá chung, tổ chức sự kiện văn hóa – du lịch quy mô lớn, qua đó, tăng khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch.

bna_1.jpg
Ông Nguyễn Trùng Khánh. Ảnh: Công Kiên

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, việc phát triển du lịch thông minh và khai thác các mô hình du lịch sáng tạo, kết hợp giữa di sản văn hóa và công nghệ số sẽ là chìa khóa quan trọng để tỉnh Nghệ An duy trì sự phát triển bền vững, đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Nghệ An trên bản đồ du lịch quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Tập đoàn Vietravel

Phát triển sản phẩm du lịch Nghệ An gắn với thương hiệu du lịch quốc gia không chỉ là mục tiêu riêng của địa phương mà là trách nhiệm chung của toàn ngành Du lịch Việt Nam. Ngành Du lịch cần cam kết đồng hành, sáng tạo và đổi mới để đưa du lịch Nghệ An trở thành động lực phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.

bna_2.jpg
Ông Nguyễn Quốc Kỳ. Ảnh: Công Kiên

Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sở hữu những "viên ngọc quý" như biển Cửa Lò, Vườn Quốc gia Pù Mát, Di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngành Du lịch Nghệ An cần xác định rõ và tập trung vào phát triển, quảng bá các điểm đặc trưng này. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trong khu vực và cải thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không nhằm tận dụng thế mạnh vùng và tạo sức mạnh tổng thể để phát triển du lịch bền vững.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ hiện đại để quảng bá và nâng cao trải nghiệm du lịch và đồng hành cùng chính quyền và cộng đồng địa phương trong việc phát triển bền vững du lịch Nghệ An.

Bà Phạm Thị Thanh Hà - Tổng Giám đốc CTCP Song Ngư Sơn Giang Đình

Nghệ An có nhiều tiềm năng và thế mạnh, là vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, có nền văn hóa đặc trưng, nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử còn giữ được môi trường tự nhiên, sinh thái, nhiều sông, biển, hồ và núi rừng hùng vĩ, thuận lợi cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh.

bna_3.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Hà. Ảnh: Công Kiên

Để phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, Nghệ An phải hình thành chuỗi giá trị gắn kết bền vững, chặt chẽ giữa doanh nghiệp - khách hàng - đối tác cung ứng dịch vụ - cộng đồng địa phương và tất cả các bên cùng hưởng lợi ích lâu dài.

Quá trình xây dựng mô hình du lịch xanh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.

Trong quá trình xây dựng cần sử dụng nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên, không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất các sản phẩm du lịch, xây dựng các điểm thu gom rác thải đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Tiết kiệm điện, nước, nguyên, vật liệu, nhiên liệu trong quá trình vận hành; hướng dẫn nhân viên và du khách có ý thức trong tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường…

Bà Vi Thị Thắm – Giám đốc Trung tâm Điều phối du lịch miền Tây Nghệ An

Trong bối cảnh liên kết vùng du lịch Bắc Trung Bộ, du lịch miền Tây Nghệ An sẽ góp phần không nhỏ cùng với du lịch Nghệ An tạo nên sản phẩm đặc trưng và khác biệt trong chuỗi liên kết này. Tuy nhiên, du lịch miền Tây Nghệ An còn nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là khoảng cách các điểm đến với nhau khá xa; các điểm đến đang nhỏ lẻ. Vì vậy, điều kiện cần đầu tiên là chủ các khu, điểm du lịch cần thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức về kết nối.

Với xu thế hiện nay, khách du lịch không chỉ tham quan 1 điểm mà muốn được trải nghiệm ở nhiều điểm với sản phẩm du lịch khác nhau. Các điểm đến kết nối có thể giúp nhau học hỏi, gắn kết, tăng cường mối đoàn kết cộng đồng. Từ đó, cùng tạo nên các tour tham quan hấp dẫn, đa dạng. Luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, có như vậy mới cùng nhau phát triển và thu hút được du khách.

bna_4.jpg
Bà Vi Thị Thắm. Ảnh: Công Kiên

Để kết nối các điểm đến du lịch trên cùng một cung đường, sản phẩm du lịch là điều mang tính quyết định trong thu hút du khách. Thông thường các điểm đến trong cùng 1 vùng đều có chung tài nguyên du lịch, có những nét tương đồng về thiên nhiên và văn hóa. Vì vậy, các điểm đến trên cùng 1 cung đường cần tìm ra thế mạnh, bản sắc riêng để liên kết với nhau, giúp nhau cùng lớn mạnh.

Có thể nói, các công ty lữ hành vừa là đơn vị trung gian kết nối các điểm đến trong tour với nhau, vừa là khách hàng để yêu cầu mỗi điểm đến cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc nhất và khác biệt giữa các điểm. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu của các công ty lữ hành, việc kết nối các điểm đến chính là một hướng đi bền vững./.

Công Kiên