Xã hội

Ấm áp ngày Tết Nguyên tiêu ở Nghệ An

Công Khang - Huy Thư - Mai Giang 12/02/2025 11:08

Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) năm Ất Tỵ, nhiều vùng quê ở Nghệ An rộn ràng tiếng trống tế và niềm vui hội ngộ của con cháu các dòng họ. Đây là dịp để người dân hướng về gia đình, tổ tiên, thể hiện tấm lòng hiếu kính với những thế hệ đã khuất.

Hướng về nguồn cội

Trong tâm thức người Việt Nam nói chung và người dân Nghệ An nói riêng, Rằm tháng Giêng (còn gọi là Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng nguyên) là ngày lễ hết sức quan trọng, chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên đán.

Với người dân huyện Thanh Chương, tế tổ đầu Xuân là dịp lễ quan trọng, “nhà nhà đi họ”. Dòng họ Nguyễn Văn, khối Thủy Hồng, thị trấn Dùng có nguồn gốc từ huyện Tiền Hải (Thái Bình). Năm 1740, thủy tổ Nguyễn Công Trãi di cư đến mảnh đất Cồn Tiêu, làng Lĩnh Thuỷ, xã Thanh La (Thanh Lĩnh) đến nay đã trải qua 15 đời, có 5 chi họ. Đây là dòng họ có truyền thống lâu đời được triều đình phong kiến ban tặng nhiều đạo sắc phong.

4 Ho Tran TC
Mâm cỗ tế tổ của con cháu họ Trần, xã Kim Bảng (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Hằng năm, mỗi dịp tế tổ, trong lễ yết cáo con cháu sẽ dâng lễ vật trầu cau, rượu, hoa quả... Chính tế, mỗi hộ gia đình làm một cỗ xôi gà đưa đến nhà thờ cúng tổ. Nghi thức tế tổ thực hiện đầy đủ theo phong tục xưa. Trong dịp tế tổ đầu Xuân, họ tộc có chương trình trao quà khuyến học cho các cháu có thành tích cao trong học tập, mừng thọ cho các cụ lên tuổi chẵn 70-80-90-100..., đặc biệt có phần quà tặng cho các hộ có cỗ xôi gà đẹp nhất.

6 ho Tran TC
Lễ tế tổ của họ Trần, xã Kim Bảng (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Anh Nguyễn Văn An (32 tuổi), một hậu duệ của dòng họ chia sẻ: Mỗi dịp tế tổ đầu Xuân, mặc dù bận rộn công việc nhưng tôi vẫn sắp xếp thời gian để về tham dự với tâm niệm “Nhân sinh do tổ”, “Uống nước nhớ nguồn”, dù đi đâu, ở đâu vẫn hướng về tiên tổ.

Tùy vào điều kiện cụ thể mà mỗi dòng họ có cách thức, quy định riêng trong việc đóng góp kinh phí cũng như nội dung chương trình tế tổ. Anh Lê Văn Đạt (31 tuổi) xã Đồng Văn chia sẻ: Nhà thờ họ Lê đại tôn của anh ở xóm Xuân Lộc, thờ thủy tổ Lê Cảnh Dần, tính đến nay là đời thứ 22. Việc tế tổ đầu Xuân được hội đồng gia tộc chuẩn bị chu đáo.

Sáng ngày 14 tháng Giêng, toàn thể con cháu tập trung về từ đường để cùng đi tảo mộ. Câu đương - người đảm nhận nhiệm vụ thiết lễ chịu trách nhiệm nấu nước, chuẩn bị hương đèn. Sau khi tảo mộ xong, mọi người về nhà thờ họp họ, nghe báo cáo thu chi năm qua, triển khai kế hoạch tế tổ, phân công nhiệm vụ cho các chi họ.

Sáng ngày 15, nhà nhà làm cỗ xôi gà đội đến nhà thờ họ để cúng tổ. Nghi lễ tế tổ được tổ chức trang trọng. Đội tế, đội nhạc mặc trang phục truyền thống, áo dài khăn đóng chỉn chu. Khi tế xong, anh em nội ngoại chung vui mâm cỗ đầu Xuân tại từ đường.

Huyện Thanh Chương có nhiều dòng họ nổi tiếng như họ Nguyễn Sỹ, Nguyễn Cảnh, họ Chu, họ Bùi, họ Tôn, họ Trần, họ Phan Sỹ, Nguyễn Như, Nguyễn Hữu, họ Lê… Hướng về ngày Rằm tháng Giêng, ngày tế tổ đầu Xuân, các dòng họ đều có nhiều hoạt động về nguồn ấm cúng.

5 Ho Nguyen Van-TC
Mâm cỗ cúng tổ tiên của dòng họ Nguyễn Văn, thị trấn Dùng (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Dịp này, Hội đồng gia tộc các dòng họ sẽ tổ chức điều hành, chuẩn bị cúng Rằm khá công phu, chu đáo… Ngày Rằm, con cháu muôn phương đều hướng về nhà thờ họ, thể hiện lòng biết ơn, tôn kính đối với tổ tiên. Trong ngày tế tổ, các dòng họ thường báo công với tổ tiên, những thành tích mà con cháu trong họ đã đạt được.

Hội đồng gia tộc tổ chức mừng thọ những người cao tuổi. Ban khuyến học của một số họ tộc sẽ tổ chức tuyên dương, trao quà khuyến học, khuyến tài cho con em có thành tích học tập tốt…

8 HThu
Tế Tổ là dịp con cháu dòng họ Trần ở Kim Bảng (Thanh Chương) đoàn tụ, sum vầy. Ảnh: Huy Thư

Tế tổ đầu Xuân là một dịp để con cháu được bày tỏ tấm lòng thành kính với tổ tiên, cùng giao lưu, tìm hiểu vai vế họ hàng, huyết thống, hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn, thắt chặt tình cảm anh em, cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn. Truyền thống “đi họ cúng tổ” đang được người Thanh Chương gìn giữ, phát huy và lan tỏa.

Gắn kết cộng đồng

Sau Tết Nguyên đán, dịp Rằm tháng Giêng cũng được xem là cái Tết sum họp đầm ấm của các dòng họ, trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn kết với đời sống của người dân Diễn Châu.

7 Nguyen Xuan DC
Lễ tế tổ của dòng họ Nguyễn Xuân, xã Hùng Hải (Diễn Châu). Ảnh: Mai Giang

Nhà thờ họ Trương - Đặng Công (nhà thờ chung của hai dòng họ Trương và Đặng Công) ở xã Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu) được xây dựng từ năm 1549, thờ 2 Thành Hoàng làng là ông Trương Công Quang và Đặng Phúc Thiêm. Đến nay, hậu duệ của các cụ Trương Công Quang và Đặng Phúc Thiêm đã phát triển đến 23 đời với 31 chi lớn, nhỏ và gần 1.000 hộ.

Để ghi nhận công lao của các vị tiền nhân và sự cống hiến cho Cách mạng, năm 1997 dòng họ Trương - Đặng Công đã được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Kháng chiến hạng Nhì”. Cũng như nhiều dòng họ khác, ngày Rằm tháng Giêng, dòng họ lại tổ chức nghi thức cúng tế. Không chỉ người ở gần mà hầu hết con cháu trong dòng họ trên mọi miền đất nước đều ghi nhớ truyền thống này, trở về nhà thờ họ để thắp hương, bày cỗ dâng lên tổ tiên.

bna_2.jpg
Lễ tế Tổ của dòng họ Trần Đức, xã Yên Sơn (Đô Lương). Ảnh: Đức Tài

Ông Đặng Xuân Quang - thành viên hội đồng gia tộc họ Trương - Đặng Công chia sẻ: “Đến sáng ngày Rằm, đông đảo con cháu quy tụ tại nhà thờ tổ để thực hiện lễ chính tế. Mâm cúng gồm có thủ lợn, gà trống, xôi, rượu nếp và đĩa trầu cau, hoa quả. Đến đây, ai cũng thắp một nén hương lên ban thờ tổ tiên, cầu chúc cho anh linh những người đã khuất được siêu thoát, phù hộ độ trì cho quê hương, cho con cháu dòng tộc những điều tốt đẹp nhất”.

bna_1.jpg
Lễ yết cáo của dòng họ Trần Đức, thị trấn Đô Lương (huyện Đô Lương). Ảnh: Đức Tài

Tế tổ đầu năm là truyền thống tốt đẹp, ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người, thể hiện lòng nhớ ơn tổ tiên, dòng họ của mình. Ngoài ra, đây còn là dịp để cầu yên đầu năm, mong cho quốc thái dân an, gia đình, dòng họ đắc yên, đắc tài, đắc phúc lộc.

Toàn huyện Diễn Châu có trên 900 chi, nhánh, dòng họ, trong đó có trên 600 dòng họ đã xây dựng được nhà thờ họ khang trang và 350 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ Văn hóa. Vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm, tất cả các dòng họ ở Diễn Châu đều tổ chức lễ tế Tổ. Đó là cách để con cháu bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, nguồn cội của mình, để từ đó phấn đấu tốt hơn trong công việc, học hành.

bna_3.jpg
Con cháu dòng họ Trần Đức, thị trấn Đô Lương (Đô Lương) kính cẩn hướng về tổ tiên. Ảnh: Đức Tài

Huyện Đô Lương cũng có nhiều dòng họ tổ chức tế Tổ vào dịp Rằm tháng Giêng. Với dòng họ Trần Đức ở xã Yên Sơn (Đô Lương), việc tế lễ diễn ra từ chiều và đêm 14/1 Âm lịch. Con cháu lần lượt mang lễ vật dâng lên trước ban thờ bày tỏ niềm thành kính và cầu mong tổ tiên phù hộ những điều may mắn, tốt đẹp trong cuộc sống.

Anh Trần Tuấn Thi, một người con của dòng họ Trần Đức, hiện sinh sống ở thành phố Vinh đã sắp xếp công việc về quê vào dịp tế Tổ. Theo anh Thi, khi bước chân vào khuôn viên nhà thờ đại tôn, nghe tiếng trống tế, gặp những người hành lễ trong bộ lễ phục trang nghiêm, trong cảnh khói hương trầm mặc, có cảm giác như tổ tiên ở rất gần và đang dõi theo con cháu.

Ở huyện Yên Thành, hầu hết các dòng họ đều tế Tổ vào Rằm tháng Giêng nên ngày này khắp làng xóm đều rộn ràng, náo nức. Đặc biệt, dịp này vùng quê lúa còn tổ chức hội thi đánh trống tế giữa các dòng họ khiến không khí ngày Tết Nguyên tiêu càng thêm rộn ràng.

Các dòng họ cử đội trống tế của mình tham dự hội thi, đội nào đoạt giải thưởng sẽ là niềm vui chung của cả họ, cũng là niềm hy vọng về sự đủ đầy, sung túc trong năm. Vì thế, không khí ngày Tết Nguyên tiêu ở quê lúa Yên Thành không kém phần vui vẻ so với những ngày đón Tết Nguyên đán.

Cùng với Thanh Chương, Đô Lương, Diễn Châu và Yên Thành, các vùng quê Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn... cũng rộn ràng tiếng trống tế trong dịp Rằm tháng Giêng. Tiếng trống, làn khói hương như nhịp cầu nối linh thiêng kết nối tâm nguyện, lòng thành của con cháu với tổ tiên, là nét văn hóa truyền thống neo giữ tâm hồn con người với nguồn cội.

Công Khang - Huy Thư - Mai Giang