Xã hội

Y tế Nghệ An nỗ lực bước vào kỷ nguyên vươn mình

Thực hiện: Thành Chung - Kỹ thuật: Diệp Thanh 27/02/2025 11:31

Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành Y tế Nghệ An phấn đấu tạo chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, thực hiện tốt các định hướng và mục tiêu phát triển.... Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ Lê Thị Hoài Chung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An xung quanh vấn đề này.

Emagazine_Baonghean.vn (2)

Thực hiện: Thành Chung - Kỹ thuật: Diệp Thanh
Ngày xuất bản: 27/2/2024

Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành Y tế Nghệ An phấn đấu tạo chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, thực hiện tốt các định hướng và mục tiêu phát triển.... Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ Lê Thị Hoài Chung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này.

P.V: Ở thời điểm này, Việt Nam đã bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ngành Y tế cũng trong tiến trình đó. Đồng chí có thể cho biết những nền tảng cơ bản của ngành Y tế Nghệ An khi bước vào thời kỳ mới?

Tiến sĩ Lê Thị Hoài Chung: Tính đến hết năm 2024, Nghệ An đã có hệ thống y tế rộng khắp, đa dạng, với nhiều mô hình, hình thức tổ chức khác nhau. Hệ thống y tế Nghệ An gồm có 3 cơ quan quản lý Nhà nước, 46 đơn vị sự nghiệp y tế, 460 trạm y tế cấp xã; y tế ngoài công lập có 18 bệnh viện đa khoa chuyên khoa, 37 phòng khám đa khoa, 665 phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế và 3.160 cơ sở hành nghề dược. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 4 đơn vị y tế trực thuộc bộ, ngành, trường đại học.

Tiến sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An kiểm tra, chỉ đạo công tác xây dựng Bệnh viện hạng đặc biệt. Ảnh Thành Chung
Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An kiểm tra, chỉ đạo công tác xây dựng Bệnh viện Đa khoa Nghệ An thành bệnh viện
hạng đặc biệt Ảnh: Thành Chung

Toàn hệ thống y tế công lập và ngoài công lập của tỉnh có 20.386 cán bộ y tế. Cụ thể, y tế công lập có 13.842 người, y tế tư nhân có 6.544 người, đạt 57,47 cán bộ y tế/vạn dân và 12,9 bác sĩ/vạn dân. Trong số này có 279 người có trình độ tiến sĩ, chuyên khoa 2; 1.417 người có trình độ thạc sĩ, chuyên khoa 1; 6.716 người có trình độ đại học; 11.974 người có trình độ cao đẳng trở xuống.

Trong hệ thống y tế, ở tuyến huyện đã xuất hiện các mô hình bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế đa chức năng phát triển ổn định. Ở tuyến tỉnh, nhiều đơn vị được đầu tư trang thiết bị tiên tiến, đồng bộ và kỹ thuật khép kín. Riêng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã được Bộ Y tế công nhận và giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật khám, chữa bệnh khu vực Bắc Trung Bộ. Toàn tỉnh có 17 đơn vị khám, chữa bệnh đảm bảo chi thường xuyên và 1 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.

3.png
Áp dụng các trang thiết bị công nghệ cao để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao. Nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu được triển khai thực hiện hiệu quả như: Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bất thường phôi thai, bệnh di truyền, bệnh ung thư, mổ tim hở, ghép tạng, hỗ trợ sinh sản... Ở thời điểm này, Nghệ An đã hoàn thành một số mục tiêu xây dựng Trung tâm Kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ tại thành phố Vinh; tiến tới tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển thành phố Vinh thành Trung tâm Y tế chuyên sâu giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hệ thống y tế dự phòng của tỉnh được củng cố và nâng cao, đáp ứng yêu cầu kiểm soát dịch bệnh trong bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi phức tạp.

Công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả. Ngành Y tế Nghệ An đang xây dựng hệ thống y tế thông minh. Nghệ An hiện có 12 bệnh viện, trung tâm y tế triển khai bệnh án điện tử. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các bệnh viện trong toàn ngành đạt 48,38%. Triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, toàn tỉnh đã khởi tạo được 3.474.783 hồ sơ, đạt trên 93%, trong đó, có 3.124.908 hồ sơ đã có dữ liệu.

Ngành Y tế Nghệ An tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức công vụ cho cán bộ, nhân viên y tế. Ảnh Thành Chung 1
Ngành Y tế Nghệ An tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên y tế. Ảnh: Thành Chung

P.V: Như vậy, trong giai đoạn mới, ngành Y tế Nghệ An sẽ tập trung mạnh vào những định hướng phát triển nào, thưa đồng chí?

Tiến sĩ Lê Thị Hoài Chung: Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ 7 định hướng để thực hiện, đó là: Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số; chống lãng phí; công tác cán bộ; phát triển kinh tế.

Để cùng các lĩnh vực khác đóng góp và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành Y tế Nghệ An nói riêng phải thực hiện đồng thời 7 định hướng trên. Tuy nhiên, ngành sẽ đặt trọng tâm vào định hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Chúng tôi cho rằng, đây chính là yếu tố tiên quyết để thực hiện thành công những định hướng còn lại. Bởi khi đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ xây dựng được nền y tế thông minh, điều này làm thúc đẩy, thay đổi toàn bộ các trụ cột y tế gồm quản trị, phòng bệnh và khám, chữa bệnh.

Bệnh viện tăng cường đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số xây dựng bệnh viện thông minh tạo sự tiện ích cho người bệnh (2)
Bệnh viện tăng cường đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số xây dựng bệnh viện thông minh tạo sự tiện ích cho người bệnh. Ảnh: Thành Chung

Cụ thể, với quản trị, quản lý y tế thông minh sẽ làm minh bạch tài chính, giúp tiết kiệm, chống lãng phí.

Thông minh trong phòng bệnh sẽ đi sâu vào chi tiết hóa, từng cá nhân cụ thể. Ví dụ, sổ sức khỏe điện tử với phần mềm thông minh có chức năng nhắc người dân đến ngày tháng kiểm tra sức khỏe. Ngược lại, cơ quan quản lý, đơn vị khám, chữa bệnh sẽ có tên tuổi, địa chỉ, thông tin sức khỏe của người dân, kèm theo những lưu ý về mặt bệnh, chỉ số sức khỏe cần theo dõi, chú trọng. Qua đó, cơ quan quản lý, đơn vị khám, chữa bệnh có thể thống kê, theo dõi sức khỏe người dân một cách có hệ thống; sớm phát hiện, phòng, chống bệnh hiệu quả ở cộng đồng, cũng như chăm sóc điều trị thuận tiện, hiệu quả nhờ dữ liệu khám, chữa bệnh những lần trước đó đã được tích hợp vào sổ điện tử.

Còn đối với khám, chữa bệnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số giúp cho cơ sở có thể tăng cường việc hội chẩn với các chuyên gia; liên kết giữa các bệnh viện tuyến trên; sử dụng robot điều trị; hỗ trợ người dân ngay từ cổng bệnh viện, giảm tải thời gian chờ đợi không cần thiết. Đơn cử, với việc tăng cường camera ở bệnh viện, phòng bệnh sẽ hạn chế tình trạng người nhà bệnh nhân đến thăm hỏi. Người nhà bệnh nhân có thể thấy rõ hình ảnh, các chỉ số chức năng sống, mức độ bệnh tật của bệnh nhân tại màn hình các phòng chờ, qua các App.

2.png
Đẩy mạnh chuyển đổi số tạo sự tiện ích, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Ảnh: Thành Chung

Một định hướng trọng tâm khác mà ngành Y tế Nghệ An chú trọng thực hiện đó là tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, ngành và các đơn vị xây dựng vị trí việc làm, quyết liệt thực hiện nhằm phá bỏ tư tưởng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Ở các đơn vị khám, chữa bệnh, ngành chỉ đạo thành lập các khoa nhằm phát triển chuyên môn, song tinh gọn lại các phòng để chống lãng phí...

Bên cạnh đó, ngành Y tế Nghệ An cũng thúc đẩy mạnh hơn nữa về kinh tế y tế với việc trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các đơn vị khám, chữa bệnh. Qua đó, các đơn vị có thể chủ động về mặt nhân sự, chủ động xây dựng kế hoạch nhiệm vụ, chủ động xây dựng phương án tài chính, có những giải pháp khích lệ, động viên cán bộ, nhân viên hăng say làm việc, cống hiến tài năng, nâng cao thu nhập.

Tiến sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ định hướng để ngành y tế Nghệ An chuyển mình. Ảnh Thành Chung (2)

P.V: Đồng chí có thể cho biết, trong bối cảnh mới, yêu cầu đặt ra cho mỗi cán bộ, nhân viên y tế là gì? Ngành Y tế Nghệ An làm gì để thúc giục, động viên đội ngũ đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ?

Tiến sĩ Lê Thị Hoài Chung: Ở bất cứ thời kỳ nào, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, nhân viên y tế là phải có đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp. Cụ thể là, cán bộ, nhân viên y tế cần phải làm việc đúng theo yêu cầu của vị trí việc làm của mình, phải làm hết trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất, để được hưởng những quyền lợi của mình theo quy định.

Để nâng cao tính chuyên nghiệp cho cán bộ, nhân viên y tế, trong thời gian tới, ngành Y tế Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng giúp cán bộ, nhân viên y tế nhận thức đúng nghĩa vụ của mình, từ đó có hành động đúng; giúp cho cán bộ, nhân viên y tế nâng cao tính tự trọng trong thực hiện nhiệm vụ.

Ngành Y tế Nghệ An tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức công vụ cho cán bộ, nhân viên y tế. Ảnh Thành Chung
Ngành Y tế Nghệ An sẽ tiếp tục kiến nghị những giải pháp nhằm khuyến khích, thu hút cán bộ y tế. Ảnh: Thành Chung

Để động viên cán bộ, nhân viên y tế, ngành đã, đang và sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế đề xuất Chính phủ xem xét và sớm ban hành sửa đổi, áp dụng hệ thống thang, bảng lương và các chính sách đãi ngộ, thu hút đủ lớn để khuyến khích cán bộ y tế; kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành khung giá viện mới tính đúng, tính đủ; đề nghị UBND tỉnh cho phép ngành Y tế không thực hiện chính sách tinh giản biên chế công chức, viên chức để đảm bảo số người làm việc tối thiểu; đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị trong công tác tự chủ nhằm đảm bảo đủ điều kiện tốt nhất cho các đơn vị trong thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh phục vụ sức khỏe nhân dân.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Thực hiện: Thành Chung - Kỹ thuật: Diệp Thanh