Xã hội

Những “tọa độ lửa” Nghệ An – từ khói bom đến khát vọng hòa bình

Diệp Thanh 04/05/2025 15:25

Có những miền đất không chỉ hiện hữu trong bản đồ địa lý, mà còn in hằn trong ký ức dân tộc. Đó là những “tọa độ lửa” – nơi bom đạn cày xới, máu xương hòa quyện, và ý chí quật cường nở hoa. Hành trình về với những dấu tích chiến tranh ở Nghệ An, với tôi là một cuộc đối thoại lặng lẽ với những linh hồn đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để thấu hiểu hơn giá trị của cuộc sống hôm nay.

ema web (1)

Diệp Thanh - Ngày xuất bản: 4/5/2025

Có những miền đất không chỉ hiện hữu trong bản đồ địa lý, mà còn in hằn trong ký ức dân tộc. Đó là những “tọa độ lửa” – nơi bom đạn cày xới, máu xương hòa quyện, và ý chí quật cường nở hoa. Hành trình về với những dấu tích chiến tranh ở Nghệ An, với tôi là một cuộc đối thoại lặng lẽ với những linh hồn đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để thấu hiểu hơn giá trị của cuộc sống hôm nay.

Biểu tượng đấu tranh vì hòa bình

Vị trí địa lý đặc biệt khiến Nghệ An có vai trò “yết hầu” quan trọng và chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cũng vì thế, nơi đây có nhiều địa danh trên con đường huyết mạch Bắc - Nam đi vào lịch sử như những “tọa độ lửa” anh hùng… Theo thời gian, những địa danh đó nay đã trở thành biểu tượng của khát vọng hòa bình.

TNXP và nhân dân Nghệ An dũng cảm bám làng, giữ đường, đảm bảo giao thông thông suốt
Thanh niên xung phong và nhân dân Nghệ An dũng cảm bám làng, giữ đường, đảm bảo giao thông thông suốt. Ảnh tư liệu

Đó là Truông Bồn – nơi không còn dấu vết chiến tranh, nhưng mỗi bậc đá, mỗi hàng cây vẫn âm thầm kể lại câu chuyện bi hùng: Chuyện về 19.000 quả bom trút xuống trong giai đoạn 1964 – 1968, về hơn 1.240 anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để giữ vững mạch máu giao thông, và về 13 chiến sĩ thanh niên xung phong mãi mãi nằm lại ở tuổi đôi mươi, chỉ cách lệnh ngừng ném bom miền Bắc vài tiếng đồng hồ.

Nghệ An kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu00006
Thanh niên xung phong Nghệ An làm nhiệm vụ lấp hố bom, sửa đường giai đoạn kháng chiến chống Mỹ tại Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu

Lịch sử vẫn thế, câu chuyện bao năm không đổi, nhưng lần nào nghe cũng khiến lòng nghẹn lại. Đứng giữa Truông Bồn hôm nay, trong tiếng gió xào xạc qua những hàng cây, tôi tự hỏi: Sự thanh bình này, liệu có thể đo đếm hết bằng những hy sinh của họ?

Đó là mảnh đất Hoàng Mai – nơi Ga Hoàng Mai từng là điểm trung chuyển huyết mạch trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Tiếng còi tàu năm xưa không chỉ chuyên chở hàng hóa mà còn mang theo bao nỗi lo âu, niềm hy vọng của cả một dân tộc. Cách đó không xa, hang Hỏa Tiễn ghi dấu sự hy sinh của 33 thanh niên xung phong, như một khúc tráng ca bi hùng khắc sâu vào lòng đất.

Nghệ An kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu00000
Ngày 15/3/1965, tổ trực chiến của dân quân Hợp tác xã Trần Phú (xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu) làm nên kỳ tích chấn động thế giới khi bắn rơi 1 máy bay phản lực Mỹ chỉ với 4 khẩu súng trường K44, mở ra phong trào dùng súng bộ binh tiêu diệt máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu

Tôi đến ngã ba Diễn Châu – nơi giao cắt giữa 2 trục giao thông chiến lược Bắc – Nam và Đông – Tây. Trong những năm tháng chiến tranh, nơi đây từng là “điểm nóng” hứng chịu mưa bom, nhằm cắt đứt sự chi viện từ hậu phương. Nhưng chính trong gian khó ấy, tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân ta lại càng rực sáng. Họ bám trụ, sửa đường, thông tuyến, biến nơi đây thành biểu tượng của ý chí sắt đá, thành giao điểm của sự hy sinh và lòng quả cảm.

Cầu Cấm - cây cầu bắc qua dòng sông Cấm, từng bị quân thù trút xuống hàng ngàn tấn bom đạn, nhưng vẫn không khuất phục được những trái tim thép: Những công binh, người dân ngày đêm bám trụ, sửa chữa, giữ cho dòng máu giao thông không ngừng chảy.

Nghệ An kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu00002
Ngày 25/7/1968, "O dân quân làng Đỏ" Nguyễn Thị Dần cùng trung đội trực chiến phòng không xã Hưng Dũng (nay là phường Hưng Dũng, TP. Vinh) đã dùng súng K53 hạ gục máy bay F4H của Mỹ. Ảnh tư liệu

Và Bến Thủy - cửa ngõ vững chãi giữa mưa bom bão đạn. Nơi đây, những đoàn xe vẫn lặng lẽ vượt sông, những chuyến tàu vẫn kiên cường cập bến. Người dân Bến Thủy, công nhân, cán bộ, dân quân tự vệ – tất cả đều góp sức, đào hầm, dựng ụ, bất chấp hiểm nguy để bốc dỡ hàng hóa, sửa cầu phà. Máu và nước mắt đã hòa vào dòng Lam, nhưng ý chí người Nghệ vẫn sừng sững như đỉnh Hồng Lĩnh.

Mãi sáng soi ngọn lửa anh hùng

Cuộc sống đủ đầy hôm nay không tự nhiên mà có. Nghệ An, trong những năm tháng chiến đấu đã oằn mình gánh chịu bao nhiêu bom đạn, mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của bao người. Giờ đây, trong màu xanh hòa bình, những tọa độ xưa đang thắp lên một ngọn lửa khác…

Dịp này, nhiều nhóm khách, đoàn khách đến với Truông Bồn trong trang phục áo đỏ sao vàng, màu cờ Tổ quốc nổi bật trên không gian xanh của Khu Di tích. Ảnh: Huy Thư
Những ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều nhóm khách, đoàn khách đến với Truông Bồn trong trang phục áo đỏ sao vàng. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Toàn cảnh Khu di tích Truông Bồn. Ảnh: Nguyễn Quang Dũng
Toàn cảnh Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ảnh tư liệu: Nguyễn Quang Dũng

Hôm nay, huyện Đô Lương – nơi có địa chỉ đỏ Truông Bồn không còn là vùng quê thuần nông nghèo khó. Hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ, các khu công nghiệp mọc lên, đời sống người dân khấm khá. Truông Bồn đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình tri ân và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Và cứ mỗi dịp lễ lớn, hàng ngàn người lại đổ về đây để lắng nghe tiếng vọng của lịch sử.

Hoàng Mai, từ vùng quê ven biển bình dị mà anh dũng trong chiến tranh, đang vươn mình thành một cực tăng trưởng mới của Nghệ An. Những toa xe lặng lẽ năm nào giờ hóa nhịp chuyển sôi động của phát triển kinh tế. Diễn Châu cũng chuyển mình mạnh mẽ với Dự án đường cao tốc Bắc – Nam đi qua, nhiều khu đô thị, nghỉ dưỡng biển hình thành, nhiều khu du lịch, khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… mang đến cho vùng đất anh hùng này một sức sống mới.

Một góc trung tâm Thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Tư liệu
Một góc trung tâm thị xã Hoàng Mai. Ảnh tư liệu

Cầu Cấm - Nghi Lộc đã trở thành một địa điểm sầm uất, sôi động phát triển như khắc hoạ thêm tầm quan trọng của một cửa ngõ trọng điểm của hậu phương thời chống Mỹ. Một cửa ngõ phía Nam quan trọng khác - Bến Thủy, với 2 cây cầu hối hả những đoàn xe nối đuôi nhau thông thương xuyên Việt; thành phố Vinh nay đã trở thành trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa lớn của Bắc Trung Bộ. Những con đường rợp bóng cây, những khu đô thị mới, những khu công nghiệp hiện đại… vẽ nên niềm tin về tương lai ngày một tươi sáng.

Là người trẻ sinh ra khi đất nước đã yên bình, tôi không có ký ức về tiếng bom, nhưng tôi tin có một ký ức khác đang truyền trong huyết quản – ký ức của lòng biết ơn và tự hào. Mai này, dù xã hội có thay đổi thế nào, dù lịch sử thiên biến ra sao, những tọa độ đó vẫn mãi tồn tại trong dòng chảy phát triển.

quang-canh-cau-ben-thuy-anh-sach-nguyen..jpg
Cầu Bến Thuỷ nay. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Nghĩ về những “tọa độ lửa” cũng là cách chúng tôi thắp lên ngọn lửa của lòng biết ơn – một ngọn lửa không bao giờ được phép lụi tàn trong trái tim mỗi người Việt trẻ. Lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống, những người đã cống hiến sinh mạng cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Lòng biết ơn đối với quê hương Nghệ An kiên cường, đã ôm trọn những đau thương mất mát nhưng vẫn vươn lên mạnh mẽ.

Diệp Thanh