Putin và những biện pháp phục hưng đất nước
1. Bối cảnh nước Nga trước thềm năm 2000
Vào đêm trước thềm năm 2000, Tổng thống Yeltsin gây sửng sốt khi tuyên bố từ chức trước thời hạn. “Di sản” mà ông để lại cho người kế nhiệm mình là một nước Nga đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội.
Tổng thống Nga V.Putin |
Về kinh tế. Bức tranh tổng quát nền kinh tế nước Nga trong những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX là tình trạng khủng hoảng trầm trọng kéo dài, lạm phát luôn ở mức cao, nợ nần trong và ngoài nước ngày càng gia tăng. Đặc biệt, cơn khủng hoảng tài chính năm 1998 thực sự đã quật ngã nền kinh tế vốn đang lao đao, ốm yếu. Nền kinh tế của Nga đã tỏ ra ngày càng lạc hậu hơn nhiều so với các nước phương Tây.
Quảng trường Đỏ - trái tim của nước Nga. |
Tư liệu thống kê chính thức của nước Nga cho biết, chỉ sau thập kỷ cuối của thiên niên kỷ thứ nhất, tổng sản phầm quốc dân của Nga đã giảm 56%, chỉ còn bằng 1/10 GDP của Mỹ và bằng 1/5 GDP của Trung Quốc. Giá trị sản lượng của các xí nghiệp loại lớn và loại vừa đã giảm 60%. Giá trị sản lượng nông nghiệp giảm ngót 50%, đầu tư giảm 70%, thu nhập thực tế của người dân giảm 50% (chỉ bằng 1/6 của Bồ Đào Nha, 1/8 của Tây Ban Nha và 1/15 của Mỹ), đồng Rúp mất giá 70%. Bên cạnh đó, nền kinh tế Nga vốn đã yếu ớt lại bị xâu xé bởi các nhà tài phiệt và sự phá hoại, lũng đoạn của các tổ chức mafia kinh tế. Thời điểm Putin làm tổng thống, Bộ Nội vụ Nga ghi nhận có tới 78 băng nhóm mafia lớn, kiểm soát 60% số xí nghiệp quốc doanh, 50% ngân hàng thương mại và 40% xí nghiệp thương nghiệp .
Về xã hội. Những khó khăn về kinh tế, những đấu tranh chính trị - quyền lực liên miên làm cho xã hội căng thẳng, bất ổn. Đời sống nhân dân sa sút nghiêm trọng. Tâm lý xã hội đầy hoang mang, dao động, quần chúng nhân dân “khinh miệt” chính quyền và không trông chờ điều gì tốt đẹp ở tương lai. Trong một bộ phận người Nga xuất hiện tư tưởng “hoài cổ”, nhớ thời hoàng kim của Liên Xô. Mâu thuẫn giữa các dân tộc ngày càng thêm trầm trọng. Nhiều nơi nổi lên đòi quyền độc lập. Bên cạnh đó, các hoạt động tội phạm ngang nhiên hoành hành, các loại tà giáo lan tràn khắp nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an.
Về chính trị. Kết quả những “cải cách” của Gorbachov là một Liên Xô tan rã, kết quả những “cải cách” của Yeltsin là một chính quyền yếu ớt, quản lý lỏng lẻo, bị tư nhân hóa bởi các tài phiệt và bị cướp đoạt bởi các tỉnh, một giới tinh hoa mà phần lớn có tâm lý xà xẻo ngân sách, tước đoạt những gì còn lại của tài sản nhà nước để chia chác lẫn nhau. Bên cạnh đó, các thế lực ly khai dân tộc bành trướng, đặc biệt là ở Chesnia, đe dọa nghiêm trọng tính toàn vẹn và thống nhất của Liên bang Nga.
Về quân sự. Sau khi Liên Xô tan rã, một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới cũng không còn. Quân đội Nga buộc phải rút khỏi nhiều nơi trên thế giới. Chiến lược hạn chế về hạt nhân của Nga thực chất là bị động, không mấy tác dụng. Tình cảnh bộ đội thông thường ngày càng tệ hại, trang bị kỹ thuật tác chiến nhanh chóng bị lão hóa, tố chất quân đội liên tục giảm sút, lúng túng trong chỉ đạo tác chiến, công nghiệp quốc phòng rối loạn.
Về ngoại giao. Trên thế giới, tác dụng của Liên Hợp quốc bị suy giảm, vai trò, cũng như uy tín của Nga bị suy yếu; trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, vai trò của Nga bị phớt lờ. Các nước phương Tây không coi Nga là một cường quốc trên thế giới. Các nước thuộc Liên Xô cũ có khuynh hướng ngả theo phương Tây. Khối NATO triển khai hành động ở những khu vực ngoài biên giới của họ, căn cứ quân sự của nước ngoài ngày càng ở gần nước Nga…
Có thể nói, từ địa vị một siêu cường trước đây, như Putin nói, nước Nga đã rớt xuống vai trò “một quốc gia hạng hai trên thế giới, thậm chí có nguy cơ tụt xuống hạng ba”. Những thách thức to lớn mang tính lịch sử ấy - một cách bất ngờ - đã đặt lên đôi vai vị tổng thống 47 tuổi, người mà đa số người dân Nga lúc bấy giờ không mấy tin tưởng vào khả năng của ông. Nhiệm vụ của Putin là đánh thức “con Gấu Bắc cực đang ngủ đông” – Nga trỗi dậy và phục hưng lại địa vị xứng đáng cho một cường quốc.
2. Những biện pháp của Putin trong cương vị người đứng đầu nước Nga
Trong cương vị người đứng đầu nước Nga, hơn ai hết, Putin là người hiểu rõ tình hình nước Nga cũng như những khó khăn mà nước ông phải đối mặt. Năm 2000, trong bài diễn văn “Nước Nga trong thời buổi chuyển giao thiên niên kỷ”, Putin chỉ rõ: nước Nga hiện nay “không nằm trong số các nước đại diện cho trình độ phát triển kinh tế và xã hội cao nhất của thế giới đương đại”, mà trái lại, “hiện đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế và xã hội vô cùng phức tạp” và “đang sa vào thời kỳ lịch sử khó khăn nhất trong mấy trăm năm nay”.
Sự thực là, những sai lầm trong đường lối, chính sách phát triển kinh tế, xã hội trong một thời gian dài đã đẩy nước Nga từ địa vị một siêu cường rớt xuống vai trò “một quốc gia hạng hai, thậm chí có nguy cơ tụt xuống hạng ba” trên thế giới. Cả Gorbachov lẫn Yeltsin đều đã thất bại trong việc tìm kiếm con đường cải cách. Vì vậy, yêu cầu trước tiên đặt ra cho nhà lãnh đạo mới là phải có một đường lối phát triển phù hợp cho đất nước.
Qua một thời gian cầm quyền, có thể nhận ra con đường phát triển mà Putin đã lựa chọn cho nước Nga thể hiện qua 2 điểm sau đây:
Thứ nhất, không sao chép y nguyên mô hình phát triển của nước ngoài, mà mô hình phát triển của nước Nga đó phải là sự kết hợp hữu cơ giữa nền kinh tế thị trường và các nguyên tắc phổ biến của nền dân chủ với hiện thực nước Nga.
Thứ hai, không nóng vội, chủ quan, cấp tiến mà chủ trương tiến dần từng bước. Tận dụng tối đa những nguồn lực bên ngoài nhưng chú trọng phát huy khả năng sẵn có.
Con đường phát triển mà Putin vạch ra được ông thực hiện nhất quán trên các lĩnh vực và đã mang đến những hiệu quả rõ rệt.
Về kinh tế. Putin đã lựa chọn và thực hiện mô hình kinh tế kết hợp sự can thiệp của nhà nước với nền kinh tế thị trường, một mô hình thích hợp với thực trạng nước Nga và mang tính đặc thù của nước Nga, thể hiện qua các điểm sau đây:
Thứ nhất, tăng cường sự can thiệp của nhà nước với đời sống kinh tế, đặc biệt là tăng cường sự điều chỉnh và khống chế vĩ mô đối với lĩnh vực tài chính và tiền tệ.
Thứ hai, điều chỉnh phương hướng chính sách vĩ mô, từ chính sách ưu tiên ổn định tài chính chuyển sang ưu tiên phát triển sản xuất, thông qua việc tăng cường vốn đầu tư, kích thích kinh tế tăng trưởng ở tốc độ cao; chú trọng phát triển các ngành Công nghiệp công nghệ cao; đi sâu cải cách nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thứ ba, khắc phục tính phiến diện trong chính sách kinh tế đối ngoại, thông qua các biện pháp nhằm bảo hộ nhà sản xuất trong nước và thị trường hàng tiêu dùng, tạo điều kiện nâng đỡ các nhà sản xuất trong nước, đồng thời kích thích xuất khẩu, chú trọng nâng cao hiệu quả các xí nghiệp tư nhân hóa.
Thứ tư, kiên quyết tấn công hoạt động tội phạm kinh tế có tổ chức, thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác của các cơ quan bảo vệ pháp luật, tăng cường giám sát việc thu thuế, ngoại tệ và xuất khẩu. Putin đã bỏ tù một trong số các tài phiệt Nga là ông Mikhail Khodorkovsky.
Thứ năm, đi sâu điều chỉnh cơ cấu kinh tế trên cơ sở đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các hình thức kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định.
Bỏ qua những khó khăn hiện nay do Nga đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, có thể thấy, dưới thời ông Putin, nước Nga đã thu được những thành tựu kinh tế rõ ràng. Tốc độ tăng trưởng GDP mỗi năm 6,5%, nợ nước ngoài giảm đáng kể, dự trữ ngoại hối gia tăng, tình trạng thất thoát vốn tài chính chấm dứt, mức sống người dân được cải thiện. Putin đã khéo léo chèo lái con tàu Nga êm ái vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008. Năm 2011, Nga chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau quá trình đàm phán gay cấn kéo dài hơn 10 năm. Sự kiện này đã đánh dấu việc Nga chính thức nối thông với nền kinh tế năng động toàn cầu.
Hiện nay, Nga là nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới, là thị trường xuất khẩu lớn của Mỹ, Trung Quốc, EU; là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Châu Âu, trong bất kỳ thời điểm nào, “con bài khí đốt” của Nga cũng làm cho Châu Âu “lạnh gáy”. Đặc biệt, Nga là nước xuất khẩu quân sự lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Năm 2013, nước này thu về 13,2 tỷ USD từ việc xuất khẩu loại hàng này.
Về xã hội. Trên cơ sở nhìn nhận một xã hội Nga đang chia rẽ nghiêm trọng, Putin chủ trương việc đoàn kết xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phục hưng nước. Mỗi dân tộc phải có hồn dân tộc, mỗi đất nước phải có sự tập hợp, đoàn kết tất cả các dân tộc trong nước thành một khối. Putin cho rằng, cái hồn có thể đoàn kết hết thảy các dân tộc chính là “Tư tưởng Nga”.
Tổng thốn V.Putin tại Olympic Sochi |
Putin cho rằng “Tư tưởng Nga” là một thể hợp thành trên cơ sở kết hợp hữu cơ các giá trị phổ biến của nhân loại với các giá trị truyền thống đã trải qua thử thách lâu dài của nước Nga. Tư tưởng ấy bao gồm: Chủ nghĩa yêu nước; Ý thức cường quốc; Vai trò của nhà nước; Đoàn kết xã hội.
Hệ thống đường ống cung cấp khí đốt của Nga |
Bằng cách khiến những cộng đồng thiểu số cứng đầu đồng lòng với một cơ chế an ninh mới, Nga đã giúp biến đổi một cuộc xung đột sắc tộc thành một tiến trình xây dựng quốc gia mang tính xây dựng.
Ai cũng biết Liên Xô là thời kỳ huy hoàng của nước Nga, là niềm tự hào của dân tộc Nga về một cường quốc được tôn trọng trên thế giới. Putin đã không xóa bỏ quá khứ Liên bang Xô-viết ra khỏi lịch sử nước Nga mà còn trân trọng và phát triển nó, coi đó là một phần quan trọng trong lịch sử Nga và có ảnh hưởng lớn trên việc hình thành xã hội Nga hiện đại. Vì thế, một số biểu tượng thời Xô-viết được phép quay trở lại nước Nga, như thương hiệu lá cờ đỏ của Hồng quân, tiêu ngữ “Ngôi sao Xô-viết”, và Quốc ca Liên Xô, tất cả những thứ đó đã tạo được ấn tượng tốt với đa số dân chúng Nga.
Ngoài ra, chính từ những điều ông đã làm và những thành quả của nó, Putin đã xây dựng mình như một biểu tượng của sự đoàn kết toàn dân, là niềm tự hào của nước Nga đang trỗi dậy. Đoàn kết quanh lãnh tụ là một “thói quen” rất có tác dụng trong việc đoàn kết quốc gia, Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình.
Vượt qua các cuộc khủng hoảng của nước Nga trong 14 năm cầm quyền, người dân Nga coi Putin – “hơn bất cứ ai từ cuối thể kỷ 20 cho đến nay, đang giúp nước Nga trở nên hùng cường hơn và đoạt lại được ví trí như từng có, một đất nước tôn trọng mình và được tất cả các nước khác tôn trọng”. Cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng, tỷ lệ người dân ủng hộ Putin lại tăng lên. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng Ukraine chưa có hồi kết và nước Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ lệnh cấm vận của phương Tây, tỷ lệ người Nga ủng hộ vị tổng thống của mình vẫn lên tới 72%. Trên thế giới, Putin cũng được Tạp chí Times của Mỹ bầu chọn là “Nhân vật của năm” (2007), được Forbers bình chọn là “Nhân vật quyền lực nhất thế giới” (2013).
Về chính trị. Ngay khi trúng cử, Putin đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tái lập quyền lực tuyệt đối của điện Kremlin đối với đời sống chính trị Nga. Một trong những đạo luật đầu tiên của Putin, nhằm tái lập lại cái mà ông gọi là “quyền lực theo chiều dọc” quay trở lại với hệ thống liên bang từ trên xuống theo truyền thống để dễ dàng quản lý thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, ông nhanh chóng thi hành những biện pháp nhằm ổn định tình hình chính trị Nga như: Củng cố các định chế nhà nước trước hết là hai Viện Quốc hội theo hướng hạn chế bớt quyền của các tỉnh trưởng, lập Hội đồng nhà nước – cơ quan tham vấn cho Tổng thống; chia nước Nga thành 7 khu hành chính lớn đặt dưới sự điều hành trực tiếp của các đại diện toàn quyền của Tổng thống nhằm thống nhất áp dụng luật pháp trên toàn đất nước; đánh vào giới tài phiệt để hạn chế sự lũng đoạn nền kinh tế, chính trị Nga.
Lãnh đạo quốc gia rộng lớn nhất thế giới với hơn 100 dân tộc, các thế lực ly khai không ngừng bành trướng, Putin quyết tâm xây dựng “một nhà nước đầy quyền lực”, có năng lực hành động trên cơ sở điều chỉnh và cải tổ các ngành sức mạnh của Nhà nước như cảnh sát, an ninh, tòa án. Bên cạnh đó tăng cường xây dựng nền pháp trị của nước Nga, chấn hưng tác phong làm việc.
Tóm lại, đường lối chính trị của Putin là dựa vào các pháp lệnh, pháp quy, thông qua các ngành sức mạnh, làm cho cơ chế nhà nước trở nên mạnh mẽ, kiểm soát hữu hiệu các chủ thể của liên bang, dưới sự kiểm soát ở tầm vĩ mô mà thực thi kinh tế thị trường, thực thi dân chủ.
Về quân sự. Chủ trương khôi phục hình ảnh và địa vị một cường quốc quân sự, Putin luôn nhấn mạnh việc xây dựng lại quân đội là yếu tố chủ chốt cho tương lai của nước Nga. Theo chỉ đạo của ông, lần đầu tiên nước Nga mới đây đã đưa ra một chiến lược quân sự toàn diện, đa tầng, mục tiêu tham vọng với việc nâng cấp các hệ thống vũ khí, đưa toàn bộ các đơn vị quân sự luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, năm 2000, Putin thông qua Học thuyết quân sự mới trong đó nới rộng khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, coi đó như một biện pháp cơ bản ngăn chặn chiến tranh.
Việc phát triển Quân đội Nga đi theo hai hướng lớn, trước hết là tăng cường lực lượng hạt nhân chiến lược, để đảm bảo là không nước nào dám tấn công nước Nga. Thứ hai, xây dựng những lực lượng có khả năng triển khai nhanh. Nhờ những cải cách này, Nga có sức mạnh vượt trội hơn bất cứ nước nào trong các nước Liên Xô cũ.
Việc quân đội Nga giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ Chechnya, cũng như giành thắng lợi nhanh chóng trong “cuộc chiến 5 ngày” tại Gruzia năm 2008, đặc biệt là chiến dịch ở Crimea mới đây cho thấy quân đội Nga đã phục hồi trở lại, ngày càng thiện chiến và hành động quả quyết.
Như vậy, không còn nghi ngờ gì về sức mạnh quân sự Nga. Theo đánh giá về sức mạnh quân sự toàn cầu, Nga được xếp nằm trong số những nước có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới, chỉ sau Mỹ.
Về ngoại giao. Chính sách ngoại giao của Putin cũng như của nước Nga hiện nay là phản đối thế giới đơn cực, xây dựng một thế giới đa cực, đồng thời chú trọng phát huy vai trò cường quốc của nước Nga trên vũ đài quốc tế. Bên cạnh đó, Nga tiếp tục bảo vệ và ủng hộ địa vị và tác dụng của Liên Hợp quốc trong việc giải quyết các tình thế khủng hoảng hoặc các xung đột cục bộ và khu vực.
Nga có ảnh hưởng lớn đến các quốc gia trong không gian hậu Xô-viết. Dựa trên ý tưởng của Nga, năm 2011, Liên minh Hải quan (năm 2012 là Không gian kinh tế thống nhất – EEP) gồm Nga, Belarus và Kazakhstan đã bắt đầu đi vào hoạt động. Trong tương lai, Liên minh Hải quan và EEP sẽ là cơ sở để thành lập Liên minh Kinh tế Âu - Á vào năm 2015. Việt Nam cũng đang xem xét tham gia Liên minh này.
Là một cường quốc thế giới, là Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Nga tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế hệ trọng. Cách giải quyết khôn khéo của Putin trong vấn đề Syria không chỉ tránh cho người dân quốc gia này một cuộc chiến tranh đẫm máu, mà còn giúp Nga bảo vệ đồng minh của mình ở Trung Đông, đồng thời củng cố vai trò của Nga ở khu vực này. Ngoài ra, ông Putin cũng khuyến khích phương Tây nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân của Iran, và giành thỏa thuận vũ khí trị giá nhiều tỷ USD với chính quyền quân sự mới của Ai Cập sau khi Mỹ ngừng viện trợ cho nước này. Các vấn đề quốc tế khác như: cắt giảm vũ khí chiến lược và không phổ biến vũ khí hạt nhân, vấn đề Afghanistan, Libya, CHDCND Triều Tiên, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay khó có thể giải quyết ổn thỏa nếu không có vai trò của Nga. Đó là chưa kể đến sự khéo léo của Putin trong việc xử lý vấn đề của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, biến anh ta trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi của Mỹ.
Ngoài ra, việc tổ chức thành công Thế vận hội Sochi, cũng như giành được quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới năm 2018 giúp nâng cao vị thế nước Nga trên thế giới.
*
* *
Từ một đất nước khủng hoảng, rệu rã và yếu đuối toàn diện, “có nguy cơ tụt xuống hạng ba” trên thế giới, dưới thời Putin, nước Nga đã lấy lại được phong độ của một cường quốc “tôn trọng mình và được tất cả các nước khác tôn trọng”.
Lý giải cho quyết định bầu chọn Tổng thống Putin đứng đầu danh sách các nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới năm 2013, tạp chí danh tiếng Forbes khẳng định: Tổng thống Putin củng cố được quyền lực ở nước Nga và cả trên sân khấu chính trị thế giới. Danh xưng “người quyền lực nhất thế giới” dành tôn vinh những nỗ lực vượt bậc, chính sách quyết đoán mang lại thành công vang dội của nhà lãnh đạo Nga trong năm qua, nổi bật trong đối ngoại.
Vũ Văn Đạt
(Viện Văn hóa – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội )