Quá khứ hào hùng nâng bước ta đi

29/04/2014 13:48

(Baonghean) - 60 năm qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào vô cùng to lớn của cả dân tộc Việt Nam nói chung và trong mỗi người từng tham gia chiến dịch, các thế hệ nối tiếp nói riêng. Nhìn lại Chiến thắng Điện Biên Phủ để thấy rõ đây là một “bảo tàng” chứa đựng nhiều bài học quý giá cho hôm nay và mai sau...

Bảo tàng ký ức

Trong suy nghĩ của người lính già Nguyễn Xuân Tính (84 tuổi, trú tại phường Trung Đô, Thành phố Vinh), được tham dự và góp công sức làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đã là một vinh dự, niềm tự hào vô cùng to lớn. Với ông, bảo tàng ký ức cần phải được gìn giữ và không ngừng được mở ra cùng san sẻ. Trong muôn vàn câu chuyện “riêng” của ông, gây xúc động nhất vẫn là “cuộc hỏi cung tướng Đờ-cát” và “người lính lê dương mang họ Bác Hồ”.

Cán bộ, chiến sỹ Bảo tàng Quân khu 4 chuẩn bị cho Triển lãm “Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng”.
Cán bộ, chiến sỹ Bảo tàng Quân khu 4 chuẩn bị cho Triển lãm “Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng”.

5h30 phút chiều 7/5/1954, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng một số chiến sỹ xông vào hầm Chỉ huy, bắt sống tướng Đờ-cát và giải về Sở chỉ huy Đại đoàn 312. Với khả năng tiếng Pháp của mình, Nguyễn Xuân Tính được điều lên tham gia phiên dịch cuộc hỏi cung viên tướng này. Ông Tính kể: Đờ-cát đội mũ ca lô, mặc bộ quân phục mùa hè phẳng nếp, khuôn mặt tái mét nhưng nói năng rất kiểu cách. Lúc đầu ông Lê Trọng Tấn - Chỉ huy trưởng Đại đoàn 312 ngồi trực tiếp nói với đám tù binh bằng tiếng Pháp nhưng đến khi hỏi cung Đờ-cát, cán bộ trong Bộ Tư lệnh đại đoàn hỏi bằng tiếng Việt, ông Tính và một số đồng chí khác nhận trách nhiệm phiên dịch lại.

Nội dung cuộc hỏi cung là:

- Ông và Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố “Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm” và chính ông đã cho máy bay rải truyền đơn mời chúng tôi vào chơi trong cái bẫy đã giăng sẵn của ông ở Điện Biên Phủ. Nay ông nghĩ thế nào về nơi đó?

Đờ-cát chua chát:

- Vâng, hôm nay chúng tôi đã được gặp các ngài. - Các ông đánh giá thế nào về lực lượng pháo binh của mình ở Điện Biên Phủ và Pi-rớt - chỉ huy pháo binh của các ông đã tuyên bố: Chỉ cần phản pháo 10 phút thì pháo của Việt Minh phải câm họng và sau 2 ngày pháo các ông sẽ nghiền nát chúng tôi? Đờ-cát trả lời: Chúng tôi không ngờ các ngài đem pháo hạng nặng lên Điện Biên Phủ và sử dụng có hiệu quả nên đã áp chế được pháo của chúng tôi.

- Ông đã nhận được điện của Đại tướng Na-va cho phép các ông thực hiện kế hoạch An-ba-tơ-rốt, phá vây chạy sang Lào, sao các ông không thực hiện?

Đờ-cát: Các ngài đã thắt chặt vòng vây và bố trí lực lượng đón lõng nên chúng tôi không thể mạo hiểm.

- Không phá vòng vây, nghĩa là các ông phải chịu thất thủ và phải đầu hàng, các ông biết điều đó từ khi nào?

Đờ-cát: Khi các ngài cho nổ khối bộc phá lớn ở đồi A1 và khi cho dạo dàn nhạc Staline thì chúng tôi biết giờ phút thất thủ đã đến.

Ông Nguyễn Xuân Tính mãi không bao giờ quên những người đồng đội, đồng chí đã kề vai, sát cánh chiến đấu “ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Có một bạn chiến đấu mà ông Tính nhớ mãi là người lính lê dương Stefan Kubiak – Hồ Chí Toán. Stefan Kubiak - một người dân Ba Lan, bị cưỡng bức vào đội quân lê dương của thực dân Pháp rồi đưa tới Việt Nam. Nhận thức được cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, Stefan Kubiak đã rời bỏ hàng ngũ lính lê dương để gia nhập Việt Minh, chiến đấu như một người cộng sản.

“Ở Điện Biên Phủ, Stefan Kubiak được phân công phụ trách một đơn vị pháo. Với những tính toán chính xác, ông đã cùng đơn vị lập được nhiều chiến công. Với ngoại hình của một lính Tây, Stefan Kubiak khoác lên mình bộ quân phục sỹ quan Pháp đột nhập vào lô cốt khó đánh nhất của địch, mở đường máu cho những chiến sỹ khác xông lên đánh chiếm lô cốt” - cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tính nhớ lại.

“Cuộc gặp ở trận địa mở đầu cho một tình bạn giữa tôi và Stefan. Tôi hứa sẽ dạy ông ấy tiếng Việt. Ngược lại, Stefan sẽ dạy tôi Toán học và tiếng Pháp. Cuộc chiến ngày càng ác liệt nên chúng tôi không có nhiều điều kiện để gặp nhau. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, chúng tôi giữ liên lạc với nhau thêm một thời gian nữa. Nhưng rồi do công việc cũng như cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt nên thư từ thăm hỏi gián đoạn và mất liên lạc”. Chiến thắng Điện Biên Phủ có sự đóng góp không nhỏ của Stefan Kubiak. Sau chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận Stefan Kubiak làm con nuôi và cho phép ông được mang họ của Người. Cái tên rất Việt Nam - Hồ Chí Toán gắn với ông từ đó. Còn với ông Tính: Stefan Kubiak - Hồ Chí Toán đã trở thành biểu tượng cho hòa bình, chính nghĩa, vì độc lập của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.

Âm vang Điện Biên

Những câu chuyện của các nhân chứng sống như ông Nguyễn Xuân Tính luôn gây xúc động mạnh mẽ, nó là phần của lịch sử, làm nên lịch sử. Những câu chuyện ấy vốn dĩ nó sẽ mãi nằm trong ký ức nhưng lại được khơi dậy, kể lại để hậu thế biết về quá khứ hào hùng của ông cha….

Chiều 28/4, nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lại có thêm rất nhiều câu chuyện đời, chuyện chiến dịch giàu xúc cảm được mở ra. Đó là cuộc Triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng” do Cục Chính trị, Quân Khu 4 tổ chức tại Bảo tàng Quân khu 4.

Đại tá Nguyễn Công Thành - Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 cho biết: Triển lãm bắt đầu từ ngày 28/4 kéo dài đến ngày 9/5/2014. Triển lãm trưng bày 3 đề mục chính, gồm chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ (40%); Liên khu 4 với Chiến thắng Điện Biên Phủ (40%) và Âm vang Điện Biên (20%). Triển lãm hướng tới việc thông qua các hình ảnh, tư liệu, hiện vật để tập trung nêu bật lên những chiến công vẻ vang, giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Làm nổi bật vai trò, đóng góp to lớn của quân và dân Quân khu 4 trong chiến thắng 60 năm trước. Từ đó góp phần tuyên truyền, giới thiệu, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và mọi người dân thêm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh mà cố gắng phấn đấu, cống hiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

280 hình ảnh, hiện vật được trưng bày ở triển lãm lần này là 280 câu chuyện về những giai đoạn lịch sử, về những anh hùng có tên tuổi và cả những người nông dân lặng thầm cống hiến, hy sinh vì tương lai của dân tộc. Đó là: Bảng trích Nghị quyết Bộ Chính trị quyết định chủ trương quân sự Đông – Xuân 1953- 1954; Là một loạt các hình ảnh như: Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954; Du kích Khánh Thiện - Ninh Bình bắn rơi máy bay Pháp trong Chiến dịch Tây Nam Ninh Bình, tháng 10/1953; Liên quân Việt – Lào mở chiến dịch Hạ Lào, tấn công Atôpơ, tháng 1/1954; Tướng Na-va, tướng Cô nhi và Đờ-cát họp bàn kế hoạch xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; Những chiến công của quân và dân của Liên khu 4 trong chiến dịch lịch sử này: Là những hiện vật của người con anh hùng của xứ Nghệ, như: Mũ nan của Liệt sỹ Trần Can, súng tiểu liên của Liệt sỹ Phan Đình Giót…

Triển lãm lần này thêm một lần khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả trực tiếp cao nhất của chiến cục Đông - Xuân 1953 - 1954 và là đỉnh cao của 9 năm kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Chiến thắng lịch sử này đã tạo điều kiện căn bản cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi.

Từ khí thế Điện Biên huyền thoại đã có thêm nhiều chiến công nối tiếp chiến công mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất. Bản hùng ca Điện Biên và Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới gần 40 năm qua...

Bài, ảnh: Thanh Sơn

Mới nhất

x
Quá khứ hào hùng nâng bước ta đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO