Quá trình đàm phán phân định biển và hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc bộ

05/09/2011 10:35

(Baonghean) - Vịnh Bắc bộ là một trong những vịnh lớn ở Đông Nam Á và thế giới, diện tích khoảng 12,25 ngàn km2, chiều ngang nơi rộng nhất là 310 km. Vịnh do bờ biển của 2 nước bao bọc gồm bờ biển Đông Bắc Việt Nam và bờ biển phía Nam tỉnh Quảng Tây, bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Vịnh có 2 cửa là eo biển Quỳnh Châu bề rộng 12 hải lý và cửa chính của Vịnh từ đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) tới mũi Oanh Ca (đảo Hải Nam). Chiều dài bờ biển phía Việt Nam khoảng 763 km, phía Trung Quốc khoảng 695 km, phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo, đá ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam khoảng 130 km.

Với đặc điểm cấu tạo như trên, vịnh là một vùng biển tranh chấp khi Công ước 1982 cho phép quốc gia ven bờ vịnh mở rộng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Vịnh cũng đồng thời là biển nửa kín, tại đó Việt Nam và Trung Quốc, các quốc gia là thành viên Công ước có nghĩa vụ hợp tác với nhau. Với tiềm năng lớn về tài nguyên, nhất là hải sản và dầu khí, Vịnh Bắc bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế và quốc phòng.

Năm 1974, các cuộc đàm phán phân định Vịnh Bắc bộ bắt đầu và năm 1977-1978 nhưng không đi đến kết quả vì lập trường 2 bên cách xa nhau. Việt Nam đề nghị kéo dài đường kinh tuyến 108o03'13''E đã được quy định trong Công ước hoạch định biên giới Pháp - Thanh năm 1887 làm đường biên giới biển trong vịnh, chế độ pháp lý theo chế độ nội thuỷ. Phía Trung Quốc yêu cầu coi Vịnh Bắc bộ là vịnh chung của 2 nước và 2 bên cần đàm phán giải quyết hoạch định biên giới biển giữa 2 nước trong Vịnh.

Sau khi bình thường hoá quan hệ vào năm 1991, ngày 19/10/1993 hai nước ký "Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc" trong đó quy định: 2 bên sẽ áp dụng luật quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế theo nguyên tắc công bằng và tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trong vịnh để đi đến một giải pháp công bằng. Việt Nam đề nghị lấy Công ước 1982 làm cơ sở pháp lý phân định nhưng phải tới năm 1996 khi 2 nước là thành viên chính thức Công ước 1982 thì Công ước mới trở thành cơ sở pháp lý chung để giải quyết các vấn đề liên quan đến vịnh Bắc bộ.

Trong 10 năm (1991-2000), 2 bên đã tiến hành đàm phán 3 vòng cấp Chính phủ, 3 cuộc gặp không chính thức cấp Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, 18 vòng cấp chuyên viên, 9 vòng họp không chính thức, 10 vòng họp tổ chuyên gia... cuối cùng đã xác định phạm vi phân định Vịnh Bắc bộ mới chính thức được 2 bên ký kết, theo đó Việt Nam có phần diện tích lớn hơn Trung Quốc khoảng 8.205 km2 (tỷ lệ Việt Nam 53,23/Trung Quốc 46,77). Cùng với Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ, 2 bên đã ký kết Hiệp định hợp tác Nghề cá Việt - Trung vào ngày 25/12/2000, sau khi hoàn tất thủ tục trao đổi công hàm phê chuẩn chính thức có hiệu lực từ ngày 30/6/2004.
(còn nữa)


Phòng Bạn đọc - gt

Mới nhất
x
Quá trình đàm phán phân định biển và hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO