Quan hệ Mỹ - Ấn thắt chặt với thỏa thuận hạt nhân

28/01/2015 08:07

(Baonghean) - “Chuyến thăm định hình cho quan hệ Mỹ - Ấn” đã một lần nữa được chứng minh, khi bên cạnh các Hiệp định được ký kết giữa Mỹ và Ấn Độ, một vấn đề được xem là rào cản trong quan hệ hai nước là hạt nhân dân sự đã được khai thông. Theo đó, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày, người đứng đầu hai nước tuyên bố đã đạt được bước đột phá lớn trong hiệp định hợp tác về hạt nhân dân sự bế tắc lâu nay.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

“Mỹ - Ấn phá vỡ thế bế tắc trong thỏa thuận hạt nhân dân sự”, hay “Thành tựu mang tính bước ngoặt” là những tít báo được rất nhiều tờ báo lớn trên thế giới sử dụng khi Mỹ - Ấn Độ tuyên bố đạt được bước đột phá trong thỏa thuận về hạt nhân dân sự. Nhiều tờ báo còn đưa ra nhận định rằng, việc khai thông thỏa thuận hạt nhân dân sự thậm chí còn đóng vai trò như bước khởi đầu thành công cho chuyến công du của Tổng thống Obama. Không chỉ dư luận mà ngay cả những người trong cuộc cũng không tiếc lời ca ngợi về “sự thành công” ngoài mong đợi này. Ngay sau cuộc họp kéo dài hơn 3 tiếng ở New Delhi với Tổng thống Obama, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bày tỏ sự vui mừng và khẳng định rằng, “6 năm sau khi ký kết thỏa thuận song phương, hai bên đang tiến tới việc hợp tác thương mại, phù hợp với luật của Ấn Độ cũng như của quốc tế”. Ông Modi cũng khẳng định hai nước Mỹ - Ấn đã bắt đầu” một hành trình” hợp tác mới, với các mối quan hệ quốc phòng, thương mại được đẩy mạnh. Đáp lại thái độ của nhà lãnh đạo Ấn Độ, ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định, việc hai bên đạt được nhất trí về vấn đề hạt nhân dân sự là “một bước quan trọng” cho thấy cách thức hai nước có thể phối hợp với nhau.

Không là quá lời khi dư luận quốc tế cũng như những người trong cuộc đều ca ngợi về thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Mỹ và Ấn Độ. Việc xem thỏa thuận hạt nhân dân sự này là dấu ấn quan trọng trong mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Theo Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard Verma, “việc hai nước tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hạt nhân dân sự” sẽ là tiền đề giúp giải quyết những bất đồng về trách nhiệm pháp lý trong vấn đề hạt nhân. Trước đó, Ấn Độ và Mỹ đã ký kết hiệp định hạt nhân dân sự từ năm 2008, nhưng có 2 vấn đề lớn đã làm ngăn cản sự hợp tác song phương giữa hai cường quốc. Trước đó, việc thực thi thỏa thuận giữa hai bên đã bị trì hoãn do Mỹ có những quan ngại sau khi Luật Hạt nhân của Ấn Độ ra đời và quy trách nhiệm tất cả các vụ tai nạn cho nhà cung cấp, trong khi đó, Mỹ và Pháp cho rằng, Ấn Độ phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế, nghĩa là trách nhiệm phải thuộc về cơ quan quản lý. Thứ 2, Ấn Độ cũng đã bị loại khỏi sự hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân thế giới trong nhiều thập kỷ do không tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, trên thực tế, trước đây còn một vấn đề nữa cũng được xem là gây trì hoãn thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn đó là, Mỹ luôn muốn biết các nhiên liệu hạt nhân mà họ cung cấp cho Ấn Độ được sử dụng như thế nào và ở đâu, nhưng Ấn Độ cho rằng yêu cầu này là không thể chấp nhận được, căn cứ vào các điều khoản đảm bảo an toàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Việc đạt được thỏa thuận đột phá trong chuyến công du tới Ấn Độ của Tổng thống Mỹ trên thực tế đã được thúc đẩy khá nhanh trong thời gian gần đây. Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama đã quyết định thành lập một nhóm công tác cấp cao về hợp tác hạt nhân dân sự. Nhóm này đã tổ chức 3 vòng đàm phán chi tiết về một loạt vấn đề thực thi thỏa thuận, gồm quản lý hành chính, trách nhiệm pháp lý, kỹ thuật và cấp phép, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân do Mỹ thiết kế tại Ấn Độ. Điều này cũng cho thấy cả hai bên đều ý thức được kết quả của thỏa thuận đàm phán về hạt nhân này. Về phía Ấn Độ, lợi ích trước mắt không khó để thấy được, đó là quốc gia đông dân thứ nhì thế giới sẽ được cường quốc số 1 hành tinh cung cấp công nghệ và vật liệu phục vụ chương trình hạt nhân dân sự. Đây là một kế hoạch rất quan trọng đối với sự phát triển của Ấn Độ, đất nước đang ở trong thời kỳ bùng nổ kinh tế nhưng luôn gặp khó khăn về điện năng. Còn về phía Mỹ, ngoài những lợi ích rõ ràng liên quan đến việc buôn bán nhiên liệu hạt nhân, được tiếp cận với một thị trường hết sức rộng lớn và phát triển nhanh của Ấn Độ, Mỹ sẽ được lợi hơn rất nhiều. Đó là hiện thực hóa chiến lược xoay trục sang châu Á của ông Obama - vốn đang bị nghi ngờ là nói nhiều hơn làm. Hay nói cách khác, “cái bắt tay” Mỹ - Ấn sẽ cho Mỹ một đồng minh hùng mạnh, có đủ khả năng làm đối trọng với Trung Quốc trong việc cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực châu Á.

Mặc dù được đánh giá là bước đột phá về hạt nhân, song chưa ai dám chắc, “bước đột phá” này liệu có đi vào vết xe đổ của thỏa thuận năm 2008 hay không. Giới phân tích cho rằng, còn rất nhiều rào cản trong việc thực thi thỏa thuận hạt nhân này. Trong đó, việc tách hạt nhân dân sự ra khỏi chương trình quân sự nhằm ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hạt nhân của Ấn Độ - vốn luôn bị Quốc hội Mỹ nghi ngờ - sẽ là chuyện không dễ gì giải quyết.

Thanh Hiền

TIN LIÊN QUAN

Quan hệ Mỹ - Ấn thắt chặt với thỏa thuận hạt nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO