Quan hệ Nga – Iran sẽ đi đến đâu?

19/08/2015 14:40

(Baonghean.vn)- Giới quan sát cho rằng, mối quan hệ Nga –Iran sẽ tiến tới một giai đoạn hợp tác chặt chẽ mới sau khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân hồi tháng trước. Điều này chắc chắn là có thể bởi cả Nga và Iran đều đang chứng tỏ họ sẵn sàng bắt tay nhau bước vào một giai đoạn hợp tác mới khi mà Iran được “cởi trói” khỏi các lệnh cấm vận và trừng phạt.

Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Iran

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, (phải) tiếp người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại Moscow, hôm 17/8/2015.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đang có chuyến thăm Nga nhằm bàn thảo với quan chức chủ nhà về thỏa thuận hạt nhân mới đạt được với nhóm P5+1 và cuộc xung đột tại Syria. Chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Iran diễn ra trong khuôn khổ cuộc đối thoại Nga-Iran tăng cường thời gian gần đây, theo đó phản ánh mức độ hiểu biết cao giữa hai nước. So với các chuyến thăm liên tiếp tới các nước Trung Đông và Nam Á mà ngoại trưởng Iran Javad Zarif vừa thực hiện, chuyến thăm Nga của ông Zarif được chú ý đặc biệt, bởi quan hệ Nga – Iran luôn có nhiều chuyện để bàn không chỉ ở tầm song phương mà còn liên quan tới nhiều vấn đề quốc tế quan trọng.

Câu hỏi “quan hệ Nga – Iran sẽ đi đến đâu” sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa đạt được hồi tháng trước là điều khiến giới truyền thông và giới học giả quan tâm. Bởi lâu nay, mối quan hệ Nga - Iran luôn được miêu tả là khăng khít và gắn bó. Vậy thì một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran tại Viên (Áo) sẽ mở đường cho mối quan hệ này phát triển đến đâu? Trả lời cho những thắc mắc này, Ngoại trưởng hai nước Iran và Nga đều khẳng định quan hệ song phương sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Điều này chắc chắn là có thể bởi cả Nga và Iran đều đang chứng tỏ họ sẵn sàng bắt tay nhau bước vào một giai đoạn hợp tác mới khi mà Iran được “cởi trói” khỏi các lệnh cấm vận và trừng phạt.

Đối với Iran, Nga không chỉ là một đối tác truyền thống mà còn là một nhân tố quan trọng tạo nên bước đột phá giúp đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran. Đó chính là những sáng kiến hết sức hiệu quả, mà phái đoàn Nga đưa ra, giúp tháo gỡ tình thế bế tắc của các vòng đàm phán đầy cam go, vốn kéo dài hàng thập kỷ qua. Theo nội dung thỏa thuận, 96% urani đã làm giàu của nước này sẽ được bán một phần, một phần sẽ được làm nghèo và chuyển hóa thành nhiên liệu hạt nhân để cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân của Nga. Đổi lại, phương Tây sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Iran.

Hợp tác đầu tiên giữa hai nước sẽ là trên lĩnh vực kinh tế. Đối với Iran, việc vực dậy nền kinh tế sa sút sau sau hàng thập kỷ bị bao vây cấm vận là nhiệm vụ hàng đầu trong lúc này. Để làm được điều đó, việc kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là điều hết sức quan trọng. Trong khi đó, Nga được coi là nhân tố hăng hái khởi đầu cuộc đua quốc tế tới thị trường giàu tiềm năng Iran một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Hiện mối quan tâm đặc biệt của Moscow tập trung vào ngành điện hạt nhân của Iran. Trong cuộc đối thoại vừa qua, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết một hợp đồng giữa Moscow và Tehran về việc xây dựng tám đơn vị hạt nhân sẽ tăng cường ngành công nghiệp năng lượng của Iran.

Hai bên cũng sẽ tiếp tục tăng cường các kết nối thương mại vốn đã khá đa dạng thời gian qua trong bối cảnh cả hai nước đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế của Phương Tây. Năm ngoái, hai nước đã tiến hành đàm phán về một thỏa thuận trị giá hàng tỷ đôla trong chương trình trao đổi dầu của Iran để lấy điện của Nga. Chương trình này chiếm phần lớn trong thỏa thuận song phương trị giá 12 tỷ đôla, theo đó Nga sẽ xuất khẩu 500 MWh điện sang Iran để đổi lấy 500.000 thùng dầu mỗi ngày. Bên cạnh đó, Iran sẽ mua các mặt hàng như thép, bột mỳ và máy móc từ Nga cũng như các nước thuộc Liên minh kinh tế Âu-Á như Kazakhstan và Belarus. Đổi lại, Nga sẽ mua các thực phẩm như sữa, thịt, cá từ Iran.

Ngoài kinh tế, cả hai bên cũng đang lên kế hoạch cho sự hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn trong tương lai. Việc Nga nối lại thỏa thuận bán hệ thống tên lửa đất đối không S-300 cho Iran là một ví dụ điển hình. Năm 2007, Nga và Iran ký kết thỏa thuận này với trị giá hợp đồng là 800 triệu USD. Nhưng, năm 2010, Nga đơn phương hủy bỏ hợp đồng do Liên hợp quốc tiến hành trừng phạt đối với Iran do chương trình hạt nhân của nước này. Iran đã khởi tố lên Tòa trọng tài quốc tế, yêu cần nhận được 4 tỷ USD tiền bồi thường. Từ đó quan hệ Nga – Iran trở nên căng thẳng nhưng tháng 4 vừa qua Tổng thống Nga Putin đã dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp cho Iran hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại này.

Theo thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được, các lệnh cấm vận vũ khí với Iran sẽ tiếp tục có hiệu lực trong vòng 5 năm và cấm vận công nghệ chế tạo tên lửa tầm xa có hiệu lực trong vòng 8 năm. Chính vì thế tên lửa S-300 của Nga là vũ khí mà Iran đang rất cần trong bối cảnh nước này đang dần tìm lại vị thế của mình ở khu vực. Còn với Nga, thương vụ bán S-300 cũng giúp họ kiếm được những khoản ngân sách không nhỏ.

Bên cạnh đó, cả Nga và Iran đều đang thấy rõ những lợi ích chiến lược khi gắn bó với nhau. Iran có thể dựa vào Nga để gia nhập các tổ chức quốc tế còn Nga cũng có thể nhờ vị thế của Iran để gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông. Điều này được chứng minh bằng việc Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa tham gia các Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Ufa, Nga. Một loạt các cuộc gặp giữa ông Rouhani với các quan chức Nga và Trung Quốc đã cho thấy những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Iran. Cho đến nay Iran chưa thể gia nhập SCO do lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, thế nhưng thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được có thể mở ra cánh cửa hợp tác mới cho Iran. Giới phân tích nhận định, trong tương lai không xa Iran sẽ trở thành thành viên của các tổ chức này.

Đó là chưa kể, tiếng nói chung giữa Nga và Iran, những đồng minh của chính phủ Syria hiện nay, có thể tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng vốn đang gặp nhiều bế tắc này. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Iran và Nga, trong đó hai bên tái khẳng định quan điểm phản đối việc đưa ra điều kiện tiên quyết đòi loại bỏ vai trò của Tổng thống Syria Basha Al Assad như một phần của thoả thuận hoà bình. Quan điểm không thay đổi của Nga và Iran trong vấn đề này là số phận của Tổng thống Al Assad phải do người Syria quyết định. Giới phân tích cho rằng, một khi Iran muốn chứng tỏ vai trò trung gian hòa giải của mình trong cuộc khủng hoảng Syria, họ cần sự ủng hộ từ phía Moscow.

Như vậy rõ ràng, cả Nga và Iran đều đang tìm thấy những cơ hội hợp tác mới phù hợp với lợi ích song phương và có thể tạo ra những cục diện quốc tế mới./.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Quan hệ Nga – Iran sẽ đi đến đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO