Quan hệ Nga – Nhật dậy sóng

25/08/2015 07:42

(Baonghean.vn) - Mới đây, Thủ tướng Nga Dimitry Mevedev tiến hành chuyến thăm tới quần đảo Nam Kuril đang có tranh chấp mà Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc. Ngay sau đó, Nhật Bản đã có một loạt các động thái phản đối mạnh mẽ khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.

Vấn đề lịch sử

Thỏa thuận Nga - Nhật đầu tiên có liên quan đến tình trạng của đảo Sakhalin và quần đảo Kuril là Hiệp ước Shimoda năm 1855, nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai bên. Biên giới Nga và Nhật được xác định là giữa các đảo Iturup (Etorofu), Urup (Uruppu) và hai phần của quần đảo Kuril.

Sau đó, Nhật Bản lập quyền kiểm soát trên những hòn đảo tranh cãi là Iturup, Kunashir (Kunashiri), Shikotan và Khabomai (Habomai), trong khi đảo Sakhalin vẫn dưới quyền kiểm soát chung của hai nước.

Năm 1875 theo Hiệp ước Sankt-Peterburg, Nga và Nhật Bản nhất trí rằng Nhật Bản sẽ từ bỏ tất cả các chủ quyền ở đảo Sakhalin để đổi lấy việc Nga từ bỏ tất cả các quyền đối với cả quần đảo Kuril.

Sau cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905) với thất bại quân sự của Nga, theo Hiệp ước Portsmouth, Nhật Bản lập quyền kiểm soát trên đảo Sakhalin về phía Nam.

Cuối chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Xô tuyên bố chiến tranh với Nhật Bản và chiếm lại phía Nam đảo Sakhalin và cả quần đảo Kuril. Đến năm 1949, tất cả 17.000 cư dân Nhật Bản sống trên quần đảo bị trục xuất.

Năm 1956, Liên Xô - Nhật Bản ra tuyên bố chung về chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước. Moscow đồng ý nhượng lại các đảo Shikotan và Habomai cho Nhật Bản sau ký kết Hiệp ước hoà bình song phương. Tuy nhiên, Hiệp ước không được ký bởi Chính quyền Nhật Bản yêu cầu Liên Xô nhượng lại cả bốn hòn đảo.

Theo tạp chí Diplomat, hiện có khoảng 30.000 người Nga đang sinh sống tại quần đảo Kuril. Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh đẩy nhanh xây dựng căn cứ quân sự tại các khu vực tranh chấp. Các nguồn lợi dầu khí cũng như đánh bắt hải sản tại đây cũng càng làm gia tăng thêm căng thẳng trong tranh chấp giữa hai nước. Đến nay, Nga và Nhật Bản vẫn chưa thể ký kết Hiệp ước hòa bình vĩnh viễn.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tham quan đảo Iturup thuộc quần đảo Kuril. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tham quan đảo Iturup thuộc quần đảo Kuril. Ảnh: Reuters

Mối quan hệ khó đi vào ổn định

Phản ứng lại chuyến thăm đến quần đảo Kuril của Thủ tướng Nga Dimitry Mevedev, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ông "rất lấy làm tiếc". Trước đó, ông Hajime Hayashi, người đứng đầu bộ phận châu Âu của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gọi điện cho Đại sứ Nga ở Tokyo để phản đối.

Theo một số nguồn tin Nhật Bản, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng sẽ hoãn chuyến thăm Nga vốn được lên kế hoạch vào cuối tháng 8 này. Trong khi đó, Thủ tướng Nga Medvedev nói rằng thái độ của Nhật Bản sẽ không khiến Nga phải dừng các cuộc đến thăm đảo.

Theo nhiều nhà phân tích, chuyến thăm lần này của ông Dmitry Medvedev là một lời khẳng định rõ ràng của Điện Kremlin về việc theo đuổi xây dựng, phát triển quần đảo Kuril, từ đó khẳng định chủ quyền của Nga. Trước đó, Chính phủ Nga đã phê chuẩn chương trình mục tiêu liên bang nhằm phát triển kinh tế-xã hội ở quần đảo Kuril với tổng kinh phí được duyệt lên tới 1,2 tỷ USD.

Ngoài ra, vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh đẩy nhanh xây dựng căn cứ quân sự tại các khu vực tranh chấp. Tất nhiên, người Nhật luôn coi hành động của Nga tại quần đảo tranh chấp là “vi phạm nghiêm trọng” chủ quyền của Nhật Bản.

Trong khi đó, theo xu hướng hợp tác toàn cầu hiện nay, mối quan hệ hợp tác Nga – Nhật đã không ngừng phát triển trong những năm qua, Tổng thống Putin từng coi Nhật Bản là đối tác chiến lược của Nga. Thủ tướng Nga Mevedev cũng từng khẳng định, Nga muốn làm bạn và có thái độ tốt đối với Nhật Bản.

Về phần Nhật Bản, mặc dù là đồng minh thân cận của Mỹ và là quốc gia phương Đông duy nhất thuộc nhóm các cường quốc phương Tây, song Nhật Bản thường có thái độ mềm dẻo đối với Nga. Khi quan hệ Nga – phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc do khủng hoảng Ukraina, Nhật Bản cũng chỉ đưa ra các biện pháp trừng phạt “vừa phải” đối với Nga.

Song vấn đề lãnh thổ vẫn là trở ngại lớn nhất để quan hệ giữa hai nước thực sự đi vào ổn định. Đó là vấn đề phức tạp liên quan đến lòng tự tôn dân tộc nên cả Moscow và Tokyo đều khó có thể chấp nhận yêu sách của đối phương. Do đó, nhiều thập kỷ qua, hai nước vẫn chưa thể ký kết Hiệp ước hòa bình vĩnh viễn và trên lý thuyết, Nga và Nhật Bản vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Cao Biền

Mới nhất

x
Quan hệ Nga – Nhật dậy sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO