Quan hệ Nhật-Hàn: Cùng hội, có cùng thuyền?

21/06/2015 17:13

(Baonghean.vn)- Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vốn gặp nhiều sóng gió trong thời gian qua đang chờ đợi một bước ngoặt mới trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Hàn Quốc tới Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước. Thế nhưng liệu mối quan hệ “cùng hội nhưng không cùng thuyền” giữa hai láng giềng này có thể dễ dàng“tan băng”?

.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (ảnh Internet).

Hy vọng “tan băng”…

Chuyến thăm hai ngày (21 và 22-6) của Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se tới Nhật Bản thu hút báo chí và giới quan sát không chỉ của hai nước mà cả khu vực bởi dù gì đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Hàn Quốc tới quốc gia láng giềng Nhật Bản trong vòng 4 năm qua. Chuyến thăm này diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật – Hàn càng có ý nghĩa biểu trưng cho sự “xích lại” giữa hai quốc gia Đông Á này sau một thời gian dài “lạnh nhạt”. Trong lịch trình tại Nhật Bản, đáng chú ý nhất là cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se và người đồng cấp nước chủ nhà Fumio Kishida. Hai bên sẽ trao đổi về một loạt vấn đề mà các bên cần quan tâm, bao gồm thúc đẩy mối quan hệ song phương, tình hình trên bán đảo Triều Tiên, các vấn đề khu vực và quốc tế. Giới chức cả hai nước đều cho rằng, sự kiện ngoại giao lần này sẽ là cơ hội tốt để cả hai bên cải thiện mối quan hệ song phương Nhật – Hàn.

Cho đến nay hai vấn đề nhức nhối nhất trong mối quan hệ Nhật – Hàn chính là nằm ở những tranh cãi về lịch sử và tranh chấp về chủ quyền. Về lịch sử, Hàn Quốc luôn “để bụng” câu chuyện Nhật Bản xâm chiếm nước này từ năm 1910 đến khi Thế chiến thứ 2 kết thúc. Khi đó Nhật Bản được cho đã muốn đồng hóa người Hàn Quốc vì thế hàng trăm phụ nữ xứ Hàn bị bắt làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật Bản trong thời chiến. Chính phủ hai nước đã có nhiều cố gắng nhằm cải thiện mối quan hệ và gác bỏ quá khứ. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa mang lại kết quả như mong muốn. Hàng năm đến ngày kỷ niệm Thế chiến thứ 2 kết thúc, những vấn đề này thường được đưa ra. Hàn Quốc chỉ trích và buộc Nhật Bản xin lỗi, trong khi phía Nhật Bản yêu cầu Hàn Quốc thôi chỉ trích họ. Không chỉ thế hai nước còn vướng vào tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo Dokdo mà Nhật Bản gọi là Takeshima.

Theo giới phân tích, năm 2015 là một thời điểm “thiên thời địa lợi” để cải thiện mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa hai quốc gia láng giềng này. Năm nay không chỉ kỉ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 mà còn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là cơ hội tốt để Tokyo và Seul xây dựng một tầm nhìn chung về mối quan hệ lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù vẫn còn bất đồng về vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ nhưng giới chức hai nước đều hi vọng sẽ có sự cải thiện đáng kể trong năm quan trọng này.

Trả lời phỏng vấn trên báo chí gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho biết, có nhiều tiến bộ trong các cuộc đàm phán về “vấn đề phụ nữ mua vui” trong chiến tranh thế giới thứ 2 – bất đồng luôn làm mối quan hệ hai bên căng thẳng trong thời gian qua, và các cuộc đàm phán đang trong giai đoạn cuối cùng. Tổng thống Park Geun-hye cũng cho rằng, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể hi vọng về một năm ý nghĩa kỉ niệm 50 bình thường hóa quan hệ ngoại giao và chuyến thăm Nhật Bản lần này của Ngoại trưởng Hàn Quốc là một bước tiến lớn theo hướng đó.

Bên cạnh đó, Tokyo và Seul được biết đến là hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á, từ lâu Washinhton đã thúc giục hai đối tác của mình “làm hòa” và sẵn sàng làm chiếc “cầu nối”. Dễ hiểu bởi Washington có lợi ích chiến lược to lớn trong việc khiến hai đồng minh này thân thiện và hợp tác với nhau nên chắc chắn sẽ không để cho Seoul và Tokyo lạnh nhạt đến mức “trở mặt”.

Nhưng thực tế không dễ…

Thế nhưng mọi chuyện có lẽ sẽ không dễ dàng bởi dù “cùng hội” với Mỹ nhưng Nhật – Hàn ngày càng tỏ ra “không cùng thuyền” khi xuất hiện những quan điểm khác biệt về chính sách an ninh bắt nguồn từ những thay đổi trong cơ cấu chính trị quốc tế và cán cân quyền lực ở khu vực Đông Á. Cụ thể, những quan điểm khác nhau về sự nổi lên của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới mối quan hệ hai nước. Nhật Bản coi Trung Quốc như một mối đe dọa nghiêm trọng nhất, đặc biệt về mặt quân sự, do có tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngược lại, Hàn Quốc dường như bắt đầu coi quan điểm an ninh của Nhật Bản với Trung Quốc như một mối đe dọa tiềm tàng.

Cuộc thăm dò của báo Asahi (Nhật Bản) năm ngoái với câu hỏi “bạn cảm thấy nước nào là mối đe dọa quân sự lớn nhất” cho thấy ở Nhật Bản có 55% người được hỏi trả lời là Trung Quốc và 29% coi đó là Triều Tiên. Trong khi đó, chỉ 10% người Hàn Quốc nghĩ tới Trung Quốc, đặc biệt 20% đánh giá Nhật Bản là mối đe dọa lớn nhất. Một cuộc thăm dò khác được công bố hồi đầu tháng 6 vừa qua cho thấy, hơn một nửa số người được hỏi ở cả hai nước cho biết hình ảnh về nước láng giềng trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm qua. Thậm chí, cứ 10 người dân Hàn Quốc thì có 4 người tin rằng giữa hai nước sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh trong một vài năm tới. Tất cả những bất đồng này đang gây ra một sự khác biệt trong chính sách an ninh và sự mất lòng tin lẫn nhau giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Giới quan sát cho rằng, mối quan hệ của hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á đang ở mức quá thấp để có thể mang lại sự đột phá. Nhà phân tích chính trị Junya Nishino tại trường đại học Keio của Nhật Bản nhận định, lòng tin giữa hai quốc gia láng giềng này đã không còn và khó có thể khôi phục ngay trở lại.

Đó cũng là lý do vì sao, quan hệ hai nước này đã không được “cài đặt lại” khi ông Shinzo Abe và bà Park Geun-hye lên nắm quyền ở mỗi nước. Thậm chí trong những năm gần đây, quan hệ giữa Tokyo và Seul đã trở nên xấu hơn. Kể từ khi lên nắm quyền ông Shinzo Abe và bà Park Geun-hye chưa một lần hội đàm chính thức đẩy đủ. Cuộc gặp thượng đỉnh Nhật – Hàn đã gián đoạn 3 năm kể từ cuộc gặp hồi tháng 5/2012 giữa cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung –bak ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng trong giai đoạn hiện nay, cả Tokyo và Seul khó có thể tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Park Geun-hye. Thế nên có thể nói, dù được đặt nhiều kỳ vọng nhưng mối quan hệ “cùng hội, không cùng thuyền” giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xem ra chỉ có thể là láng giềng chứ chưa phải bạn hữu./.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Quan hệ Nhật-Hàn: Cùng hội, có cùng thuyền?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO