Quan khách với khách quan!
“Tình hình kinh tế suy thoái toàn cầu, tác động dịch bệnh Ebola từ… Châu Phi, cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, cộng với cú rơi tự do của giá dầu thô thế giới, đặc biệt là sự nổi lên đầy hung hãn của tổ chức khủng bố mang danh Nhà nước hồi giáo tự xưng IS, lại còn liên tiếp các vụ tai nạn máy bay rơi… đã và đang là nguyên nhân khách quan, có tác động sâu sắc đến phong trào văn hóa, văn nghệ của xóm Đông chúng ta trong 3 tháng vừa qua…”.
Xin thưa, không phải chuyện bịa, đấy là trích dẫn “tưởng chừng như có thật” từ một phát biểu của lãnh đạo xã X trong hội nghị “sơ kết hành chính” xóm Đông đấy nhé. Khiếp chưa! Nghe “diễn giả” thao thao bất tuyệt xong, một người dân khen nức khen nở “Thời đại “a còng” có khác, quan xã nhà mình bây giờ cũng rành “vĩ mô”!”.
Vâng, xin được xếp lời phát biểu “kinh điển” của quan xã nọ vào một trong vô số điển hình của bệnh “sáo” ở cơ sở. Thói “xài sang” chữ nghĩa, phô trương kiến thức rất vu vơ, xa rời thực tiễn, nhưng lại nghe quen quen. Quen đến mức… lạ tai, chối tai! Hình như đâu đó, không là xóm Đông thì làng Nam, không là khối M thì cũng là xã Y, ai đó đã từng nói như thế, hoặc chí ít cũng na ná như thế. Đấy là bằng chứng cho một bộ phận cán bộ thường sính dùng chữ “khách quan”, coi đó như một thứ bảo bối chối bỏ trách nhiệm. Ho rất “nghiện” chữ “khách quan”, thành thử cái gì cũng đổ cho khách quan, đôi lúc khuyết điểm sờ sờ đến từ nguyên nhân chủ quan, ấy vậy mà họ cũng cố “nặn” cho được ra vài ba cái khách quan “trên trời” mà nhét vào. Thậm chí có người hễ cứ mở miệng là “Xét về khách quan mà nói”! Chả thế mà, cuối cuộc họp nọ, bà con xóm Đông ra về còn nán lại tám chuyện, “Nguyên nhân khách quan là của… quan khách, ta thì cứ truy cái nguyên nhân chủ quan mà học, mà sửa”. Chí lý!
Chúng ta biết rằng, nguyên nhân khách quan là sự tác động đến từ bên ngoài, nó có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm tốt lên hay xấu đi một trạng thái hoạt động nào đó. Trong cuộc sống, dù mức độ và cách thức có thể khác nhau, nhưng không ai trong chúng ta có thể tránh được những tổn thất đến từ khách quan. Sứ mệnh của con người là dự báo, là phát hiện, là thiết kế và thực thi đối sách vận dụng hoặc hạn chế tối đa những tác động tiêu cực mà khách quan đưa đến. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, lon ton theo người lớn đi chăn trâu, khi cả cánh đồng lúa vàng ươm đang chuẩn bị vào kỳ thu hoạch, bỗng đâu một trận lụt ập đến nên không ai kịp trở tay. Những người nông dân khốn khổ, chân lấm tay bùn bấm lòng gạt nước mắt nhìn miếng ăn tuột khỏi bữa. Bác chủ nhiệm hợp tác xã phân trần “Nguyên nhân khách quan thì ai mà chống đỡ được. Trời không cho ăn thì chịu!” Còn xã viên thì phản đối “Khách quan chi mà khách quan, tại ông chủ quan thì có. Sao không cho gặt 2 ngày trước đi? Tiết tiểu mãn rồi vẫn chả chịu triển khai chủ trương “xanh nhà hơn già đồng” thì chỉ có chấp nhận chết đói thôi”. Lại chí lý!
Tìm ra nguyên nhân khách quan hay chủ quan đôi khi không đơn thuần chỉ là giá trị từ trí tuệ, mà có thể cũng tùy thuộc vào thái độ và trách nhiệm của từng người nữa. Tuy nhiên, dẫu sao chúng ta cũng không thể hưởng ứng, không thích, không cần, thậm chí bài xích những ai đang cố dùng cái gọi là “nguyên nhân khách quan” để “lòe” dư luận. Thỉnh thoảng người viết bài này có tiếp xúc với những bản báo cáo. Bên cạnh nhiều văn bản thẳng thắn và trách nhiệm, thì cũng không ít những bản báo cáo mà phía sau phần “tồn tại, khuyết điểm” đều dày sùng sục, thậm chí ngút ngát những nguyên nhân khách quan, cái nào cũng “khèo” vào được. Còn phần nguyên nhân chủ quan thì leo lét vài dòng chiếu lệ. Đôi khi đọc kỹ thì cái phần nguyên nhân chủ quan chỉ là những câu phân bua, giải trình vòng vo theo một thứ văn phong vô thưởng vô phạt. Chuyện “một con gà ba anh báo cáo” hay “Hộ giàu công sức xã ta/ Hộ nghèo tại bởi thằng cha ấy lười” nào đâu có hiếm hoi ở cơ sở. Tìm ra nguyên nhân khách quan cũng tốt thôi, không sao, nhưng nó phải đúng, đặc biệt là phải sát, phải gần với thực tiễn của cuộc sống cũng như câu chuyện đang bàn. Không phải lúc nào cũng mang “dịch ebola bên châu Phi” ra dọa cái “lở mồm long móng” nhà mình được.
Cán bộ cơ sở là những người thường ngày trực tiếp với dân, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc làm cầu nối giữa Đảng với nhân dân, giữa công dân với Nhà nước. Cán bộ cơ sở là những người trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, vận động và tổ chức nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn dân cư. Ở một góc độ nào đó thì họ đang thay mặt Đảng và Nhà nước giải quyết mọi nhu cầu của người dân, bảo đảm sự phát triển kinh tế của địa phương, duy trì trật tự, an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.
Ngày nay, sự ưu đãi của chế độ chính sách đã có những thay đổi căn bản đối với cán bộ cơ sở cấp xã. Xét về các khoản lương, phụ cấp, thì công chức hay cán bộ cấp xã không có sự khác biệt đáng kể nào so với cấp huyện. Bởi vậy “chuẩn đầu vào” của cán bộ cấp xã cũng đã và đang từng bước phải đổi thay theo yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ. Tuy nhiên, có một sự ngộ nhận đáng kể ở không ít cán bộ cấp xã sau khi chủ trương “biên chế” được thực thi. Có vẻ như một vài người đã bắt đầu ngỡ rằng, đã hưởng lương rồi, có ngạch, có bậc rồi thì đã là người của Nhà nước, mà đã là “cán bộ biên chế” thì cứ… “khách quan mà nói” thôi! Tình trạng gây khó dễ, sách nhiễu phiền hà hay hống hách theo kiểu “Cô là dân sao dám hỏi tôi câu ấy” lâu nay đã hạn chế ít nhiều. Nhưng đây đó vẫn còn tồn tại những người có thái độ xa rời quần chúng, thiếu thực tiễn, thiếu trách nhiệm. Mỗi khi người dân đang gọi những vị cán bộ thân thuộc của xã, do họ trực tiếp bầu ra là “quan khách” thì lúc ấy khoảng cách khó để lấp đầy. Mỗi khi cán bộ vẫn thao thao bất tuyệt về “nguyên nhân khách quan” trên trời thì làm sao mà gần dân cho được?
Nguyễn Khắc An