Quản lý chặt chất lượng vật tư nông nghiệp
Chủ trì Hội nghị tổng kết công tác Cải cách hành chính năm 2013 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 của Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong năm nay phải thực hiện xong các tiêu chuẩn, quy chuẩn về Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp…
Tiến bộ nhưng chưa đủ
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tiến bộ nổi bật nhất trong hoạt động cải cách hành chính của Bộ NN-PTNT năm 2013 là lĩnh vực xây dựng văn bản pháp quy. Có thể thấy, công tác xây dựng Luật rất khó, phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn, thể hiện được ý tưởng quản lý xã hội nên đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, trí tuệ của tập thể cán bộ ngành.
Trong năm qua Bộ NN-PTNT đã xây dựng được 2 Luật gồm: Luật Phòng chống Thiên tai và Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, cả hai Luật này đều đã được Quốc hội thông qua với số phiếu rất cao. Đặc biệt, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ban hành đã thể hiện rõ quan điểm xã hội hóa trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật thông qua việc quy định cụ thể các điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật, hành nghề xử lý vật thể kiểm dịch thực vật, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
Dự án Luật Thú y cũng đã hoàn thiện hồ sơ trình Dự án, Bộ đang đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng, ban hành Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2014. Dự án Luật Thủy lợi, Dự án Luật Thủy sản sửa đổi: đang xây dựng dự thảo, dự kiến đề nghị đưa vào Chương trình ban hành Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2015.
Ngoài ra, Bộ còn tiến hành soạn thảo 9 Nghị định, đã thông qua được 6 Nghị định, đồng thời xây dựng một số lượng khá lớn về các tiêu chuẩn, quy chuẩn pháp luật… Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, mặc dù có tiến bộ nổi bật nhưng nhìn về tổng thể thì việc xây dựng văn bản pháp quy vẫn còn chậm, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Góp ý tham luận tại Hội nghị về những khiếm khuyết cần rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, ông Nguyễn Văn Việt – Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT đặt vấn đề trong năm qua Bộ ban hành khoảng 150 văn bản quy phạm pháp luật và phối hợp với các Bộ, ngành khác ban hành thêm khoảng trên dưới 150 văn bản nữa nhưng trong số những văn bản ban hành ấy có bao nhiêu văn bản đi vào cuộc sống?
Dẫn chứng một thực trạng là báo cáo công tác của các đơn vị gửi về thì rất tốt nhưng thực tế thanh tra, kiểm tra từ cơ sở thì công tác quản lý nhà nước còn rất lỏng lẻo, nhiều khiếm khuyết. “Văn bản quy phạm pháp luật ra thật nhiều mà không đi vào cuộc sống, quản lý nhà nước không nghiêm thì nên chăng nên rút bớt số lượng văn bản để tăng cường giám sát”, ông Việt nói.
Liên quan đến ý kiến tham luận khác cho rằng hiện nay trình độ nghiên cứu chính sách pháp luật của cán bộ trong ngành còn yếu, thiếu kĩ năng nên dẫn tới hạn chế về năng lực tham mưu xây dựng văn bản pháp luật và đề nghị Vụ Pháp chế cần phải đào tạo về kĩ năng soạn thảo văn bản pháp luật, ông Việt tỏ ý tán thành nhưng đề xuất với lãnh đạo Bộ nên có riêng một Dự án nâng cao năng lực CCHC.
Siết chặt kỉ cương
Cải cách công chức công vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CCHC, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá thời gian qua việc chấp hành quy chế công vụ của cán bộ thuộc Bộ NN-PTNT còn có những dấu hiệu lỏng lẻo.
Có những cuộc họp Bộ trưởng kết luận cụ thể mà đơn vị cấp dưới không thực hiện theo kết luận hoặc chậm trễ triển khai. Lại có những cán bộ phải chịu kỉ luật vì đánh mất văn bản của địa phương gửi tới Bộ trưởng, đây là biểu hiện của hoạt động quản lý nhà nước thiếu chuyên nghiệp.
Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu phải chấn chỉnh bộ máy quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Gắn đổi mới công tác cán bộ với việc xiết chặt kỉ cương quản lý thực hiện nhiệm vụ của Bộ trưởng giao cho các Tổng cục, Cục, Vụ trong ngành.
Phát biểu về nội dung cải cách công chức công vụ, ông Nguyễn Minh Nhạn – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ nêu rõ ba nội dung trọng tâm cần phải thực hiện gồm: Thiết lập hệ thống quản lý, Phương thức vận hành và Đội ngũ để vận hành.
Đối với công tác tuyển dụng cán bộ, tức là việc xây dựng đội ngũ vận hành thì vừa qua Bộ trưởng đã đánh giá cao chuyển biến trong thi hoạt động tuyển, xét tuyển công chức khi số lượng ứng viên bị loại tăng lên tới 37%.
Nhưng để nâng cao chất lượng cán bộ, ông Nhạn đề nghị các đơn vị trong ngành phải xác định mục tiêu tuyển người vào là để làm việc và bắt buộc phải làm cho được việc.
“Nếu chúng ta tuyển dụng cán bộ không có năng lực và để cho người đó ngồi vào vị trí đó tới 25 năm thì công việc sẽ rất trì trệ, rất là tai hại…”, ông Nguyễn Minh Nhạn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ lo ngại.
Cả ba nội dung trên đều quan trọng có mối quan hệ tương hỗ và tựa như một vòng tròn khép kín, nội dung này là sự khởi đầu của nội dung khác. Nhiệm vụ Cải cách hành chính là phải khắc phục những tồn tại ở cả 3 nội dung này.
Hiện nay, trong hệ thống quản lý, một thực trạng phổ biến là xu hướng thành lập cấp Phòng trong Cục, Vụ hay cấp Vụ, Cục trong Tổng cục quá nhiều: “Ở một số Cục, cấp phòng chỉ có hai người, một phó, một trưởng thì triển khai công việc thế nào. Cần thu gọn đầu mối, tăng cường nhiệm vụ để tạo không khí làm việc thật căng lên thì mới phát huy được năng lực cán bộ chứ không khí làm việc ở các phòng nhỏ chùng quá”, ông Nhạn nói.
Về phương thức vận hành, ông cho rằng cần phải quan tâm hơn nữa đến mối liên kết giữa các cấp theo ngành dọc từ Tổng cục đến Cục và Chi cục… bởi nếu chỉ vận hành riêng 50-60 cán bộ công chức ở các Cục thì chưa đủ mà phải quan tâm đến phương thức vận hành theo chiều dọc mới phát huy được sức mạnh của hệ thống.
Trọng tâm quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp
Giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong ngành, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu trong năm 2014, các đơn vị phải đặc biệt chú trọng vào công tác Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chắc chắn phải xây dựng xong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Ngoài việc đảm bảo tiến độ, yêu cầu mà Bộ trưởng đưa ra cho hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn VN phải giải quyết được vấn đề của thực tiễn và phù hợp với luật pháp. Về nội dung này, ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đề xuất với lãnh đạo Bộ nên xây dựng hệ thống Quy chuẩn VN và Tiêu chuẩn Quốc gia theo hướng kế thừa, dựa trên hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ sở sẵn có từ các doanh nghiệp và các tổ chức Quốc tế để từ đó phát triển lên.
Theo ông Hồng, làm như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc bởi hoạt động xây dựng các quy chuẩn VN, tiêu chuẩn Quốc gia phải trải qua quá nhiều thủ tục hành chính. Thêm nữa, công tác này nên huy động thêm nhiều nguồn lực, nhiều tổ chức, đơn vị liên quan vào cuộc như: các Viện, các phòng thí nghiệm đều sẵn có những chuyên gia từng nghiên cứu, hiểu biết về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và có thể đóng góp sức lực, trí tuệ cho công tác này.
Theo NNVN