Quản lý đồng bộ trồng, chế biến chè

14/04/2015 17:25

(Baonghean) - Báo Nghệ An số ra ngày 5/4 vừa qua trong mục “Ý kiến bạn đọc” có đăng bài “Sớm khẳng định thương hiệu chè Nghệ An”, phản ánh tình trạng sản xuất chế biến chè chưa đảm bảo chất lượng, dẫn đến sản phẩm chè Nghệ An chưa tạo được thương hiệu. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng chè thì vấn đề cơ bản là phải chấn chỉnh từ khâu quản lý để nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, tạo được thương hiệu.

Nghệ An hiện có vùng nguyên liệu chè trên 8.500 ha, trong đó có 6.000 ha chè kinh doanh, hàng năm thu hái được 55 - 60 nghìn tấn chè búp tươi, chế biến được 12 - 13 nghìn tấn chè các loại, trong đó chè xuất khẩu đạt từ 6,5 - 7 nghìn tấn, tạo nguồn thu cho tỉnh trên 7 triệu USD. Chè là 1 trong 3 loại cây công nghiệp có thế mạnh để phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An. Nhưng do một số bất cập trong cơ chế quản lý nên giá trị kinh tế của cây chè Nghệ An chưa cao.

Thu hoạch chè ở xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh: Cao Đông
Thu hoạch chè ở xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh: Cao Đông

Trong nhiều năm qua, Công ty Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để khai hoang trồng mới và thay thế những giống chè cũ, phát triển được vùng nguyên liệu chè ổn định. Tuy nhiên, tình trạng tranh mua, tranh bán trong khai thác, chế biến chè đang trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trên vùng nguyên liệu chè từ Thanh Chương đến Con Cuông hiện có 74 cơ sở chế biến chè tư nhân (riêng Thanh Chương có 50 cơ sở). Sản phẩm chè sơ chế của các cơ sở tư nhân này bán lại cho các nhà máy chè khác trong nước, hoặc các tư thương mua lại để bán sang Trung Quốc.

Ngoài ra còn có 3 công ty TNHH thu mua và chế biến chè tại địa bàn Thanh Chương. Công ty Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An thiếu nguyên liệu chế biến trong khi các công ty TNHH và cơ sở tư nhân khai thác vùng nguyên liệu của công ty để bán sản phẩm ra ngoài. Năm 2008, Công ty Đầu tư - Phát triển chè Nghệ An được Bộ Công Thương xếp vào danh sách 127 doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín của Việt Nam (là doanh nghiệp duy nhất của Nghệ An lọt vào danh sách này). Nhưng hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu này chưa phát huy hết tiềm năng do cơ chế quản lý vùng nguyên liệu chè chưa hợp lý.

Trên 90% diện tích trồng chè của Nghệ An hiện nay là giống chè LDP1 và LDP2, là hai giống chè cho năng suất, chất lượng cao. Vùng đất đỏ từ Thanh Chương đến Kỳ Sơn đều thuộc loại đất feralit giàu chất alumin, rất phù hợp với cây chè chất lượng cao. Công nghệ chế biến chè cũng được các xí nghiệp đầu tư đổi mới. Riêng khâu thu hái chè hiện nay chưa bảo đảm kỹ thuật, đang trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trước đây, thu hái chè thủ công (hái bằng tay) nên mỗi đọt chè ngắt 2 lá (gọi là một tôm hai lá), hiện nay thu hái chè bằng máy, năng suất gấp 20 lần so với trước đây. Nhưng do sự cạnh tranh của nhiều cơ sở chế biến chè tư nhân nên các hộ trồng chè chạy theo sản lượng, cho máy cắt từ 3 - 5 lá làm cho chất lượng chè giảm. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho sản phẩm chè của Nghệ An thấp hơn các tỉnh khác như Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lai Châu.

Để nâng cao giá trị kinh tế của cây chè Nghệ An, phải chấn chỉnh từ công tác quản lý. Không nên để cho các cơ sở chế biến, hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh. Cần có cơ chế phối hợp giữa các công ty TNHH với Công ty Đầu tư Phát triển chè Nghệ An và các hộ dân trồng chè. Công nghiệp chế biến chè dù được đầu tư hiện đại nhưng tình trạng tranh giành nguyên liệu sẽ làm cho sản lượng và chất lượng sản phẩm giảm (do thu hoạch, khai thác chưa đúng quy trình). Các doanh nghiệp chế biến chè phải gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu mới bảo đảm sản xuất ổn định, phát triển lâu dài. Để giá trị kinh tế của cây chè tương xứng với tiềm năng cần có nhiều giải pháp, trong đó thực hiện cơ chế quản lý đồng bộ được xem là mấu chốt.

Trần Hồng Cơ

Mới nhất

x
Quản lý đồng bộ trồng, chế biến chè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO