Quản lý giống vật nuôi: Chú trọng công tác phòng dịch

18/11/2014 10:59

(Baonghean) - Với tổng đàn chăn nuôi lớn nhất nước, tỉnh Nghệ An luôn quan tâm đến công tác quản lý giống vật nuôi. Tuy nhiên, sự vào cuộc chưa kịp thời của một số ngành, chính quyền địa phương cùng với ý thức của người dân còn hạn chế, dẫn đến dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng chăn nuôi.

Trôi nổi nguồn giống

Nhờ phát triển gần 1.000 con trâu bò lai sind, hàng năm, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tại xã Hưng Long (Hưng Nguyên) đạt khoảng 50 tấn/năm, doanh thu gần 10 tỷ đồng. Để phát triển đàn bò lai sind, xã hiện có 5 con bò đực lai sind phối giống. Theo ông Phạm Minh Tùng - Chủ nhiệm HTX Hưng Long, các hộ nuôi bò đực của xã Hưng Long đều theo hình thức tự phát, tự bỏ vốn kinh doanh, không có thủ tục mua bán, kiểm dịch, kinh doanh giống nên vấn đề kiểm soát dịch bệnh khó khăn. Sau 1-2 năm, hiệu quả phối giống giảm dần, các hộ nuôi chủ động xuất bán bò thịt và thay thế nuôi các con giống bò lai sind khác.

Trại chăn nuôi  lợn ngoại của anh Lê Anh Tuấn ở xóm 14, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn).
Trại chăn nuôi lợn ngoại của anh Lê Anh Tuấn ở xóm 14, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn).

Với tổng đàn chăn nuôi lớn nhất nước gần 700 nghìn con trâu bò, hơn 1 triệu con lợn và trên 17 triệu con gia cầm, tỉnh ta được đánh giá có bộ giống chăn nuôi khá phong phú, đa dạng. Hiện nay, cả tỉnh có trên 30 cơ sở giống lợn ngoại với gần 5 nghìn con nái, 7 nghìn con thương phẩm và đã hình thành 15 điểm cung cấp giống lợn Móng Cái, hàng năm nhân giống gần 3 nghìn con lợn hậu bị. Đối với công tác tạo giống bằng thụ tinh nhân tạo (TTNT), toàn tỉnh đã phát triển được 58 cơ sở nuôi lợn đực giống khai thác nguồn tinh, thế nhưng vẫn chưa có trung tâm, cơ sở nhân giống gia súc, gia cầm đạt quy mô và chất lượng. Ngoại trừ một số trang trại chăn nuôi công nghiệp lớn, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể đảm bảo chất lượng và an toàn dịch bệnh về nguồn giống. Còn lại, do đặc thù chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ trọng lớn (80%), hầu hết nguồn giống lợn, bò, gia cầm chủ yếu do người dân tự nuôi, tự khai thác giống và tiêu thụ tại địa phương.

Thực tế đó đã làm cho công tác quản lý chất lượng con giống trên địa bàn tỉnh hiện nay còn bị bỏ lửng, chỉ mang tính hình thức, chưa phát huy hiệu quả. Ông Lưu Công Hòa- Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN & PTNT trao đổi: Công tác TTNT lợn, bò hiện đang phải cạnh tranh với đàn đực nhảy trực tiếp. Hiện còn gần 80 nghìn con bò giống (chiếm 63%) còn lại trong dân đang thực hiện phối giống qua nhảy trực tiếp. Về chăn nuôi gia cầm, hàng năm tỉnh ta sử dụng gần 16 triệu con gia cầm các loại, nguồn giống được nhập về từ các tỉnh phía Bắc và một số cơ sở sản xuất, thu gom trứng nhỏ lẻ trong tỉnh. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát chất lượng giống gia cầm hiện đang là một “khoảng trống” trong quản lý giống. Cùng với đó, do chủ quan, sợ tốn kém nên người chăn nuôi cố tình mua giống gốc rẻ, kém chất lượng, không kiểm dịch để phối giống, làm tăng nguy cơ phát tán, lây lan dịch bệnh.

Ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 ổ dịch cúm gia cầm tại 8 huyện vùng đồng bằng, tiêu hủy trên 6 nghìn con gia cầm mắc bệnh, một số ổ dịch nhỏ lẻ trên trâu, bò, lợn diễn biến bất thường tại nhiều huyện. Trong khi đó, công tác kiểm dịch và phúc kiểm vận chuyển động vật nội tỉnh mới chỉ được thực hiện tại một số huyện, thành trong tỉnh, nhưng cũng chưa chặt chẽ. Đầu tháng 10, qua kiểm tra, đoàn thanh tra chuyên ngành đã phát hiện và xử lý 60 trường hợp vi phạm vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, thu nộp 185 triệu đồng vào ngân sách; trong đó, 48 trường hợp vi phạm tại các huyện, thành như Diễn Châu, TP.Vinh, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn... 12 trường hợp vận chuyển gia súc nội tỉnh qua vùng dịch không đúng quy định. Trạm kiểm dịch Bắc Nghệ An (Quỳnh Lưu) đã xử lý 11 trường hợp vận chuyển 1.900 con gà con và trên 500 con lợn, trâu bò vượt trạm không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Điều này cho thấy công tác quản lý giống vật nuôi còn buông lỏng tại nhiều địa phương.

Tạo vành đai an toàn

Giống vật nuôi luôn là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho người chăn nuôi,
Giống vật nuôi luôn là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho người chăn nuôi,

Giống vật nuôi luôn là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho người chăn nuôi, như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận: “Không thể nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm thịt, trứng, sữa nếu như vẫn để tình trạng nhân giống vật nuôi thủ công như hiện nay. Thêm vào đó, việc quản lý giống vật nuôi còn rất lỏng lẻo”. Hiện cả nước mới chỉ có 17/63 tỉnh thành hoàn thành đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi (trong đó có Nghệ An). Nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình tái cơ cấu, chưa biết được nên đi theo hướng nào, cần làm khâu nào trước. Do đó, Bộ NN và PTNT đang có hướng dẫn, chỉ đạo địa phương quan tâm chăm lo công việc đầu tiên là khâu tạo, quản lý giống, từ đó tác động đến các công đoạn khác.

Về phía tỉnh, Quyết định 09/QĐ-UBND (năm 2012) của UBND tỉnh đã kịp thời ban hành cơ chế hỗ trợ chăn nuôi lợn ngoại 30 con trở lên, 100% giá trị tinh trâu, bò, 60% giá trị trâu đực giống ngoại, trợ giá giống gốc, hỗ trợ 100% kinh phí tiêm phòng gia súc cho các huyện miền núi, đảm bảo hỗ trợ nếu rủi ro sau tiêm. Mới đây nhất, Quyết định số 50/2014/QĐ-UBND về “Một số chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ” đã tạo động lực để người chăn nuôi tiếp cận với điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tuy nhiên, qua trao đổi với ông Ngô Vĩnh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Giống chăn nuôi tỉnh, thì các chính sách mới chỉ hỗ trợ được phần “ngọn” về nhu cầu nguồn giống (hỗ trợ bò đực giống chỉ áp dụng cho các huyện miền núi không có điều kiện TTNT, chính sách hỗ trợ lợn đực giống chưa có). Vì thế, tỉnh cần có chính sách đầu tư, nâng cấp chất lượng đàn lợn đực giống để khai thác tinh phục vụ TTNT, có chính sách trợ giá liều tinh lợn để khuyến khích các hộ chăn nuôi thực hiện TTNT, đồng thời hỗ trợ các xã vùng sâu, vùng xa mua bò lai đầu tư cho mục tiêu cải tạo đàn. Hiện Trung tâm đang có kế hoạch đề xuất xây dựng cơ sở ấp nở gia cầm, quy mô 5 nghìn con gà mái đẻ sinh sản, góp phần cung cấp nguồn giống tại chỗ để hạn chế tình trạng nhập giống ngoại, đảm bảo an toàn về dịch bệnh.

Để quản lý giống vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi, các cấp ngành cần tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất giống vật nuôi cho người dân; yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi phải làm các thủ tục để được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch; tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, phân loại để việc quản lý được thuận lợi. Các huyện cần cụ thể hóa bằng văn bản hướng dẫn người chăn nuôi chấp hành tốt việc thực hiện Pháp lệnh giống vật nuôi theo Thông tư số 22 (năm 2009) của Bộ NN&PTNT về kiểm dịch con giống gia cầm. Cùng đó, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất giống kém chất lượng, vận chuyển con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, vi phạm các quy định của Pháp lệnh Giống vật nuôi, tạo vành đai an toàn cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Lương Mai

Mới nhất
x
x
Quản lý giống vật nuôi: Chú trọng công tác phòng dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO