Quản lý hóa đơn: Nhiều “kẽ hở”

(Baonghean) - Từ khi pháp luật cho phép doanh nghiệp tự khởi tạo hóa đơn, đặt in hóa đơn, cơ chế kiểm tra sau 6 tháng một lần, nên vẫn  có những kẽ hở để doanh nghiệp vi phạm hoặc làm liều như bán hóa đơn giả, tẩy xóa, bán hàng không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, hoặc lập khống hóa đơn, cho hoặc bán hóa đơn cho người khác để rút tiền ngân sách…

Không quá khó để xin được một số hóa đơn từ các nhà hàng ăn uống và các cửa hàng xăng dầu. Đến nhà hàng X.T ở TP Vinh, mua một món ăn, xin một hóa đơn về thanh toán cho cơ quan, được tạo điều kiện ngay. Đến nhà hàng L.T ở TP Vinh, dùng bữa tập thể xong, chủ nhà hàng nói nếu không lấy hóa đơn “bớt cho anh chị 200 ngàn đồng”, thế là khách không dại gì lấy hóa đơn.  Đi mua một bộ bàn ghế giá gần 20 triệu đồng của một Chi nhánh ở TP Vinh  thuộc  công ty có trụ sở ở Bắc Ninh, nhưng chị Nguyễn Trà Ly ở xóm 15, Nghi Phú không  thấy người bán xuất hóa đơn. Mua túi xách và quần áo của chi nhánh một công ty ở Hà Nội đóng trên địa bàn TP Vinh gần 2 triệu đồng, trả tiền mặt mà không thấy người bán đưa hóa đơn, chúng tôi hỏi thì người bán nói không có. Đi đổ xăng vào ô tô 500 ngàn đồng, nhiều người không lấy hóa đơn.  Hàng loạt quần áo, giày dép bán hạ giá trên đường, người bán nói hàng công ty có lỗi phải bán hạ giá, nhưng đâu có hóa đơn; mua sim, thẻ điện thoại cũng không thấy hóa đơn... Đó chỉ là những ví dụ cho thấy từ cả hai phía: người bán và người mua đều chưa tuân thủ quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho người kinh doanh trốn thuế của Nhà nước.

Cát sỏi là mặt hàng khi mua bán thường không xuất hóa đơn.

(Trong ảnh: Bến khai thác cát ở Nam Đàn)

Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Hóa đơn gồm: Hóa đơn GTGT (dùng cho các đơn vị , cá nhân kê khai theo phương pháp khấu trừ), hóa đơn bán hàng dành cho cá nhân, tổ chức kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp; hóa đơn dành cho  tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sử dụng hóa đơn (trên hóa đơn ghi rõ: Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan). Còn có hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ... Hóa đơn khác còn có: vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm, phiếu thu cước vận chuyển hàng không, các chứng từ  thu phí dịch vụ ngân hàng… Hóa đơn đa dạng như vậy nên vẫn còn nhiều cách lách để có được hóa đơn.

Hiện nay, tình trạng sử dụng bất hợp pháp hóa đơn vẫn còn xẩy ra. Đó là một số  cơ quan nhà nước sử dụng vốn ngân sách lập khống hóa đơn, dùng hóa đơn của hàng hóa dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác để hợp thức với Kho bạc Nhà nước. Ở doanh nghiệp  vận tải thì dùng hóa đơn quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông. Hay ở các doanh nghiệp lớn, mặc dù doanh thu lớn, nhưng đẻ ra các hoạt động đầu tư, mở rộng mạng lưới, mua sắm thiết bị, máy móc… trong đó có nhiều hoạt động đầu tư không thực chất, từ đó  hóa đơn “đầu vào” nhiều, làm cho lợi nhuận giảm xuống, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm xuống…  Một cán bộ ngành thuế cho biết, vẫn có tình trạng sử dụng hóa đơn giả, người xuất hóa đơn có những vi phạm như: Viết hóa đơn số liệu liên 2 không trùng số liệu liên 1 để trốn doanh thu, ngày tháng xuất hóa đơn liên 2 không trùng khớp với liên 1, hóa đơn thật nhưng tẩy xóa số hóa đơn, sêri tránh sự đối chiếu của cơ quan thuế, ví như: Không đi tàu nhưng vẫn có vé để thanh toán... Công tác quản lý hóa đơn theo Nghị định 51, Thông tư 153 của Bộ Tài chính vẫn còn những sơ hở nhất định. Nhất là tình trạng người mua không lấy hóa đơn và người bán không xuất hóa đơn.

Thông tư 153 hướng dẫn Nghị định 51 về Hóa đơn Bộ Tài chính qui định: “Trường  hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc  người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”. Thế nhưng qui định này chẳng có hiệu lực trên thực tế. Một lần, chúng tôi đi mua hàng công ty, muốn lấy hóa đơn người bán nói thẳng là không có.

Kinh doanh không xuất hóa đơn là cơ hội để trốn thuế. Người bán thà giảm giá cho người mua còn hơn là xuất hóa đơn. Còn người mua ai cũng thích được mua rẻ, nên đã tạo điều kiện cho người bán trốn thuế. Nhà nước chỉ biết nắm vào cái “hóa đơn” nhưng  trong thực tế “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.  Gần đây, lợi dụng suy thoái kinh tế, một số doanh nghiệp còn lợi dụng hàng tồn kho nên bán lẻ hàng hóa tỷ trọng lớn nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai tính thuế, trong khi vẫn báo số lượng hàng tồn kho lớn. Công tác kiểm tra hóa đơn 6 tháng một lần nên có doanh nghiệp lập ra, bán hóa đơn giả vội vàng trong vài ba tháng rồi “ mất tích”.

Nhu cầu về “hóa đơn” trong thực tế để hợp thức những chi phí không có hóa đơn trong một số ngành hàng như đá, cát, sỏi, nhân công… trong xây dựng, giấy lộn để sản xuất giấy, phế liệu… vẫn còn, nên không ít doanh nghiệp ở trong tỉnh phải chạy đôn, chạy đáo để tìm hóa đơn. Thế nên Công ty TNHH DVTM Anh Tuấn chỉ trong 3 tháng đã bán được hóa đơn cho 118 doanh nghiệp ở 4 tỉnh thành trên cả nước. Bởi vậy, câu chuyện về hóa đơn sẽ còn nếu như công tác kiểm tra giám sát của ngành Thuế còn chưa chặt chẽ, nhiều kẽ hở.  Ngành Thuế cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, phạt những đơn vị bán hàng không xuất hóa đơn;  và đặc biệt là thói quen của người tiêu dùng không lấy hóa đơn cần thay đổi.

Bài, ảnh: Trân Châu

tin mới

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Mực nháy

Du khách chen chân mua đặc sản mực nháy tại phố biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Mực nháy là đặc sản nức tiếng tại phố biển Cửa Lò mà bất cứ du khách nào khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Vào mỗi đêm, ánh đèn của tiểu thương hoà lẫn vào ánh đèn đô thị khiến khu chợ mực nháy sáng bừng, tiếng nói cười râm ran cả một vùng...

Xuân Hoàng

Du lịch Tân Kỳ cần cú hích từ giao thông

(Baonghean.vn) - Huyện Tân Kỳ có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xuống cấp, hoặc có điểm du lịch như cây sanh nghìn tuổi ở xã Giai Xuân chưa được đầu tư làm đường nên dần bị lãng quên.

Hạt sở ở Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn đạt chất lượng cao. Ảnh: Văn Trường

Người dân Nghĩa Đàn mở lối thoát nghèo từ cây sở

(Baonghean.vn) -Những năm gần đây, người dân một số xã ở huyện Nghĩa Đàn tích cực khôi phục, mở rộng diện tích, nâng cao giá trị cho cây sở. Hướng đi này mang lại hiệu quả cao, mở lối thoát nghèo cho người dân các xã miền núi đất đai cằn cỗi.