Quản lý sinh viên ngoại trú: Cần sự phối hợp chặt chẽ

09/12/2014 09:24

(Baonghean) - Hiện nay, tình trạng sinh viên ngoại trú vi phạm pháp luật, vướng vào các tệ nạn xã hội đang trở nên nhức nhối. Để giảm thiểu tình trạng trên, công tác phối, kết hợp, nâng cao trách nhiệm của nhà trường, công an, chính quyền địa phương và các chủ nhà trọ trong quản lý sinh viên ngoại trú cần thực hiện chặt chẽ...

Vi phạm pháp luật gia tăng

Ngày 17/11, Công an Thành phố Vinh bắt quả tang hai đôi nam nữ đang mua bán dâm tại một khách sạn trên địa bàn phường Hà Huy Tập. Trong đó, 1 đối tượng là sinh viên đại học trên địa bàn Thành phố Vinh. Đây là đường dây gái gọi sinh viên do “tú bà” Nguyễn Thị Hoài (31 tuổi, trú huyện Anh Sơn) cầm đầu. Hoài từng theo học đại học hệ tại chức ở TP. Vinh. Từ năm 2013, Hoài đã thiết lập các chân rết cho hoạt động môi giới bán dâm trên địa bàn TP. Vinh. Thủ đoạn của “tú bà” này là lân la đến các xóm trọ, tìm cách làm quen với những sinh viên có chút nhan sắc và ham chơi, thiết lập đường dây sinh viên bán dâm được thị điều hành qua điện thoại, với hơn 20 cô gái, đa số là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu của khách.

Một khu nhà trọ sinh viên tại  khối 2, phường Bến Thủy (TP. Vinh). Ảnh: Phạm Bằng
Một khu nhà trọ sinh viên tại khối 2, phường Bến Thủy (TP. Vinh). Ảnh: Phạm Bằng

Từ tháng 6/2013 đến tháng 9/2014, Công an Thành phố Vinh đã khởi tố 15 vụ với 16 đối tượng là giáo viên, học sinh, sinh viên về tội cướp giật, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, đánh bạc; bắt 3 vụ với 3 đối tượng có hành vi tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy trong đó có 2 đối tượng là sinh viên của một trường đại học và một trường trung cấp trên địa bàn thành phố. Không chỉ liên quan đến các vụ án hình sự, ma túy, tình trạng HSSV tham gia các trò chơi trực tuyến, games, Internet, ảnh hưởng đến kết quả học tập; tham gia đánh lô đề, đánh bạc dưới các hình thức diễn ra khá phổ biến. Đáng chú ý, vừa qua một số sinh viên còn bị một số đối tượng nhóm “Pháp luân công” tìm cách lôi kéo, dụ dỗ tham truyền đạo trái phép… ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn.

Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Hoa, Đội trưởng Đội quản lý hành chính, Công an TP. Vinh cho biết: Nhiều sinh viên, chủ nhà trọ thiếu ý thức trong việc thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng. Một số sinh viên trong quá trình học chuyển nhiều nhà trọ, nhiều phường, xã khác nhau, nhưng không tiến hành đăng ký tạm trú, tạm vắng, gây khó khăn cho chính quyền địa phương và công an trong quản lý. Vừa qua, Công an Thành phố Vinh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác tạm trú, tạm vắng và chấp hành pháp luật của các khu nhà trọ sinh viên trên địa bàn thành phố. Bước đầu, các đoàn kiểm tra đã phát hiện gần 200 trường hợp sinh viên không chấp hành thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng.

Trên địa bàn thành phố hiện có 5 trường đại học, 17 trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên. Số lượng sinh viên khoảng 99.000 người, trong đó có đến hơn 23.000 sinh viên, học viên phải thuê trọ bên ngoài. Với số lượng sinh viên ngoại trú rất đông, đến từ nhiều địa phương khác nhau, phong tục, tập quán không đồng nhất. Có thể cùng một trường, nhưng các em học nhiều trình độ khác nhau, thời gian không cố định, nên gây không ít khó khăn cho các em ở ngoài khi phải học ca đêm. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự, các loại tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, các phần tử phản động luôn lén lút, tìm cơ hội để kích động sinh viên tuyên truyền chống phá thành quả cách mạng của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn có khoảng 267 điểm truy cập Internet, 370 cơ sở dịch vụ cầm đồ dưới các hình thức hợp pháp hoặc trá hình như games, cho thuê xe máy, phục vụ nhà hàng, hàng trăm điểm ghi lô đề... Tất cả như đang bủa vây, sẵn sàng “tấn công” sinh viên bất cứ lúc nào, đặc biệt đối với sinh viên ngoại trú.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Được đánh giá là trường thực hiện tốt công tác quản lý sinh viên ngoại trú với mô hình “sinh viên tự quản” nhưng với 94% trong tổng số 25.000 HSSV phải ở ngoại trú đang đặt ra nhiều thách thức cho Trường Đại học Vinh. Thầy Phạm Công Lý, Trưởng phòng Công tác HSSV chia sẻ: Nhà trường đang nghiên cứu cách quản lý phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Trong đó, sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa nhà trường với cơ quan công an, chính quyền địa phương và đặc biệt là các chủ nhà trọ. Mặt khác, để nắm bắt sát sao hơn tình hình của sinh viên, trường đã phân công cán bộ quản lý ở các địa bàn có HSSV tạm trú định kỳ hàng tháng báo cáo các vấn đề phát sinh và phối hợp tốt với công an, chính quyền địa phương xử lý các vụ việc ngay khi mới xảy ra.

Tại Hội nghị công tác HSSV do Trường Đại học Vinh tổ chức, Trung tá Đinh Viết Bảo, Trưởng Công an phường Trung Đô chia sẻ, tuy tình hình HSSV vi phạm các vụ án hình sự trên địa bàn phường đã giảm đáng kể, nhưng tình hình an ninh, nhất là việc mất cắp trong phòng trọ còn diễn biến phức tạp. Nhà trường cần tiếp tục trao đổi thông tin và gửi danh sách cán bộ được phân công quản lý các địa bàn có HSSV tạm trú để công tác phối kết hợp với cơ quan công an được tốt hơn. Cùng quan điểm, thầy Phan Xuân Thạch, Trưởng phòng Công tác HSSV, Trường ĐH SPKT Vinh cho rằng, lâu nay, sự phối hợp giữa nhà trường, các khối, xóm dân cư có lúc, có nơi chưa được đầy đủ và thường xuyên. Trách nhiệm của các chủ nhà trọ còn chưa rõ ràng. Nhiều chủ nhà trọ có tình trạng nể nang, bỏ qua các lỗi của sinh viên vì sợ không có người thuê phòng.

Vì thế, mỗi khi đánh giá nhận xét trong sổ quản lý HSSV ngoại trú, các chủ nhà trọ thường đánh giá chung chung, đại khái, nên nhà trường không có cơ sở đánh giá chính xác tình hình thực tế đối với HSSV ngoại trú. Do vậy, cần tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các chủ nhà trọ. Từ tháng 6/2014, Trường ĐH SPKT Vinh đã triển khai mô hình: Nhà trọ sinh viên tự quản về ANTT” tại khối Đông Lâm, phường Hưng Dũng (TP. Vinh). Theo đó, mỗi khu nhà trọ cử 4 thành viên tham gia tổ điều hành, quản lý do chủ nhà làm tổ trưởng. Qua đây, nêu cao vai trò, trách nhiệm của sinh viên, chủ trọ trong việc quản lý tài sản, đảm bảo an toàn tại các nhà trọ. “Tuy chưa có đánh giá cụ thể, nhưng bước đầu mô hình cho thấy hiệu quả tốt”, thầy Thạch cho biết thêm.

Có thể nói, quản lý sinh viên ngoại trú là một công tác hết sức khó khăn và phức tạp. Vì vậy, việc tăng cường sự phối hợp, xác định trách nhiệm giữa nhà trường, địa phương, ngành Công an và đặc biệt là chủ nhà trọ là rất quan trọng, nhằm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, đảm bảo môi trường cho sinh viên học tập và sinh sống.

Bài, ảnh: Nguyên Hưng

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Quản lý sinh viên ngoại trú: Cần sự phối hợp chặt chẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO