Quan tâm bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 2/2011, Nghệ An có 320 doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, có 226 doanh nghiệp khai thác, chế biến đá trắng, đá xây dựng; 61 doanh nghiệp khai thác, chế biến các loại quặng thiếc, sắt, chì, kẽm, mangan...; 12 doanh nghiệp khai thác vàng, đá quý; 18 doanh nghiệp khai thác cát sỏi, than, nước khoáng. Trong đó, không ít các đơn vị, cá nhân còn khai thác khoáng sản một cách ồ ạt, thiếu khoa học, đã vi phạm nghiêm trọng về pháp luật bảo vệ môi trường.
Trao đổi với chúng tôi, thiếu tá Trương Anh Tuấn- Đội trưởng Đội chống xâm phạm tài nguyên và hủy hoại môi trường cho biết: Quá trình khai thác, chế biến khoáng sản sẽ làm xuất hiện rất nhiều tác nhân gây tác động xấu tới môi sinh, môi trường như: ô nhiễm không khí, nguồn nước, tàn phá rừng, làm mất hoặc phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan du lịch, thậm chí cả các di tích lịch sử, văn hóa; cũng như các tác động nghiêm trọng tới môi trường do chất thải độc hại...
Thậm chí ở nhiều nơi, khai thác khoáng sản còn gây tác động xấu đến sự phát triển của những ngành kinh tế khác như: dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp.
Thực tế ở tỉnh ta cho thấy các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản chủ yếu xẩy ra ở các dạng: khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép; khai thác không đúng vị trí, khu vực được cấp phép; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, về an toàn lao động trong khai thác khoáng sản; mua bán, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp...
Từ thực tế đó, việc lập lại trật tự trong khai thác, chế biến khoáng sản đã được đông đảo các ngành, các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Với nhiệm vụ chính của một đơn vị chuyên môn nghiệp vụ trong đấu tranh và xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường (trong đó có việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản), trong thời gian qua (từ tháng 1/2010 đến nay), Phòng Cảnh sát Môi trường cùng với các ngành chức năng đã tích cực đấu tranh, xác lập và khám phá thành công 3 chuyên án buôn bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ, bắt 4 đối tượng, thu hồi 58 kg thuốc nổ.
Kiểm tra, lập hồ sơ xử lý 23 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt 1.435.000.000 đồng. Ra quyết định xử phạt 3 trường hợp có vi phạm về môi trường với số tiền 26 triệu đồng. Bắt 6 vụ vận chuyển, tàng trữ khoáng sản trái phép, tịch thu 160,78g vàng, 2100kg quặng thiếc, 550kg quặng đồng, 9,4kg quặng sắt. Tổ chức đẩy đuổi 16 tổ hợp với trên 200 người tham gia khai thác, vô hiệu hóa 25 máy móc phương tiện vi phạm.
Thiếu tá Trương Anh Tuấn còn cho biết thêm: Hiện nay, thực tế vi phạm pháp luật về môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản của các cá nhân, tổ chức là có thể thấy rõ, từ khai thác cát, sạn trên sông, cho đến khai thác vàng, đá trắng, than... trên các vùng mỏ.
Việc xử lý vi phạm là không khó, nhưng cái khó là làm sao để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Bởi nhiều đơn vị chỉ coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt mà không chú ý đến bảo vệ môi trường, mà nếu có thì cũng không đầy đủ, chỉ mang tính chất đối phó.
Hiện nay, cơ chế quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường cũng như kiểm tra xử lý các vi phạm chưa đủ sức giáo dục, răn đe, nên nhiều đối tượng, cơ sở vẫn còn khá coi thường đến công tác này. Hơn nữa, việc khai thác, chế biến khoáng sản thường diễn ra trên diện rộng, chủ yếu ở vùng sâu, xa, trong khi lực lượng Cảnh sát Môi trường cấp tỉnh còn mỏng, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh với loại tội phạm này.
Thiết nghĩ, để công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đạt được hiệu quả cao, cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng cũng như các chế tài xử lý đủ mạnh đối với các trường hợp vi phạm đồng thời cần phải có một quy hoạch chi tiết để khai thác khoáng sản một cách hợp lý. Có như vậy thì mới mong môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản sẽ ngày càng đảm bảo hơn.
Đặng Cường