Quan tâm các giải pháp, đưa nghị quyết ứng dụng và phát triển công nghệ cao sớm đi vào cuộc sống
Sáng nay 30/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An tiến hành hội nghị lần thứ 10 để bàn và cho ý kiến về Dự thảo nghị quyết về Ứng dụng và phát triển công nghệ cao tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 – 2015, có tính đến 2020.
(Baonghean) - Sáng nay 30/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An tiến hành hội nghị lần thứ 10 để bàn và cho ý kiến về Dự thảo nghị quyết về Ứng dụng và phát triển công nghệ cao tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 – 2015, có tính đến 2020.
Hội nghị tập trung đánh giá về tình hình ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực, ngành trong những năm qua. Đó là, việc đưa công nghệ sinh học vào ứng dụng vào sản xuất nông, lâm, thủy sản và xử lý môi trường, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong lĩnh vực công nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến thực phẩm, khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, thi công xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp…, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì và phát triển thị phần, tăng doanh nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động.
Tỉnh cũng đã quy hoạch một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Phủ Quỳ, khu công nghệ cao trong Khu Kinh tế Đông Nam; đồng thời thu hút được một số dự án công nghệ cao có quy mô đầu tư lớn, như dự án chăn nuôi và chế biến bò sữa TH; chế biến sữa Vinamilk. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì việc ứng dụng và phát triển công nghệ cao chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Nguyên nhân cơ bản là chưa có sự quyết tâm cao trong cấp ủy, chính quyền nên chỉ đạo chưa kiên trì, quyết liệt; chưa có cơ chế, chính sách đầu tư công nghệ cao mang tính đồng bộ, rõ nét.
Về quan điểm, định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, theo nhiều đại biểu cần phải nhận thức việc ứng dụng công nghệ cao không phải chỉ đáp ứng đòi hỏi về nâng cao năng suất, hiệu quả cao sản xuất mà còn đáp ứng về yêu cầu thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời cần phải xác định trọng tâm, trọng điểm mang tính đột phá ngành, lĩnh vực, sản phẩm cần tập trung. Trước mắt, trong giai đoạn 2011-2015 nên ưu tiên tập trung ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và sang giai đoạn 2015 – 2020 thì tập trung cho lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
Để đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghệ cao thì phải có giống rau, hoa, cây ăn quả và kể cả cây lâm nghiệp, tạo ra nguồn giống sạch bệnh, tiến tới xuất khẩu khi nhu cầu rau, hoa, củ, quả tăng. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, gồm nhà kính, hệ thống tưới; chú trọng công tác bảo vệ thực vật; xử lý chất thải; có chương trình maketting cho sản phẩm công nghệ cao để người tiêu dùng nhận biết đâu là rau, củ, quả sạch và đâu là rau, củ, quả không sạch, từ đó có thái độ ủng hộ các sản phẩm sạch. Chú trọng đội ngũ cán bộ, nhất là kỹ sư công nghệ cao phục vụ chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ cao. Xây dựng cơ chế, chính sách, thành lập quỹ phát triển công nghệ cao, tạo nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư “mạo hiểm” ở lĩnh vực mới này.
Kết luận, đồng chí Phan Đình Trạc giao Sở Khoa học và Công nghệ - đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết tiếp thu những ý kiến đóng góp hợp lý, xác đáng của các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để hoàn chỉnh văn bản, xây dựng nghị quyết sát đúng với tình hình thực tiễn và sớm đi vào cuộc sống. Quan tâm đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo hiệu quả cao, trong đó chú trọng phân định nguồn lực đầu tư cho chương trình công nghệ cao, chỗ nào là do nhà nước, chỗ nào là doanh nghiệp và người dân. Tính toán thành lập quỹ đầu tư cho công nghệ cao; công tác chuẩn bị nguồn nhân lực; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ vào công nghệ cao; hỗ xây dựng doanh nghiệp nòng cốt.
Mai Hoa