Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp
(Baonghean) - Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 268/2009/NQ-HĐND ngày 23/7/2009 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, công tác quy hoạch và triển khai đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) bước đầu đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ chế, chính sách đó đã bộc lộ một số bất cập, do đó cần ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy quá trình CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn...
Diễn Châu là một trong những địa phương phát triển mạnh cụm công nghiệp (CCN) là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Huyện đã hoàn thành quy hoạch mở rộng và xây dựng CCN Tháp - Hồng - Kỷ lên 25 ha, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 20 dự án, trong đó có 13 dự án đi vào hoạt động. Nhiều sản phẩm công nghiệp mới có giá trị cao, sản lượng lớn, như: may mặc, chế biến bột cá, sản xuất thép xây dựng, tôn lợp, xà gồ thép, phân bón NPK... đã làm tăng năng lực sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách, góp phần giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Có được kết quả đó là nhờ có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách theo Nghị quyết HĐND tỉnh như thuê đất, thuế, hỗ trợ đào tạo nghề… của tỉnh thì huyện còn trích ngân sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật với nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật CCN Tháp - Hồng - Kỷ là 31,8 tỷ đồng.
Sản xuất tại Nhà máy Hanosimex (cụm công nghiệp Nam Giang, huyện Nam Đàn). |
Còn tại Nam Đàn, từ định hướng rõ nét và các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện nên đang hình thành và phát triển cụm công nghiệp dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, tổ hợp sản xuất bia, tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Tại đây, UBND tỉnh đã duyệt quy hoạch chi tiết 3 CCN của huyện với diện tích 70 ha ở các xã Nam Thái, Nam Giang và Cầu Đòn (Vân Diên). Trong đó, cụm công nghiệp Nam Giang là điểm nhấn trong thu hút đầu tư của tỉnh và huyện với diện tích 29 ha. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, xã Nam Giang vận động nhân dân cam kết thực hiện đúng theo quy định đẩy nhanh GPMB, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn. Nhờ có các doanh nghiệp trong CCN hoạt động ổn định đã tạo bước chuyển khá rõ nét về cơ cấu lao động tại chỗ, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, còn thúc đẩy phát triển các dịch vụ phòng trọ, hàng hóa, lương thực, thực phẩm...
Có thể nói rằng, nhờ áp dụng các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó thực hiện có hiệu quả cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu công nghệp nhỏ, đến nay toàn tỉnh đã có 32 CCN thực hiện các bước đầu tư xây dựng, trong đó có 9 CCN đã lấp đầy diện tích; 5 CCN đang thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và có doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh; tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo dự án đầu tư được duyệt 791.136 triệu đồng; vốn đầu tư hạ tầng thực hiện 329.901 triệu đồng (trong đó từ ngân sách huyện 46.752 triệu đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp: 138.378 triệu đồng).
Các CCN đã thu hút 180 dự án đầu tư, trong đó có 4 dự án đầu tư nước ngoài. Số lao động làm việc trong các CCN đạt 8.304 người. Lĩnh vực chủ yếu gồm chế biến khoảng sản, lâm sản, may, gia công cơ khí, sản xuất bao bì... Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp cụm công nghiệp đạt xấp xỉ 1.298 tỷ đồng, chiếm 12% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Thu ngân sách từ các doanh nghiệp ở CCN đạt gần 120 tỷ đồng. CCN giữ vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp nông thôn; đảm bảo cho các địa phương thu hút đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, giải quyết việc làm cho lao động, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Như vậy, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 268/2009/NQ-HĐND ngày 23/7/2009 của HĐND tỉnh Nghệ An (khóa XV) về việc thông qua chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh và vấn đề này, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 83/2009/QĐUBND.CN ngày 4/9/2009. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau 6 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN bộc lộ một số hạn chế bất cập. Đó là mức hỗ trợ vốn cho các CCN còn thấp, chỉ đạt xấp xỉ 10% tổng mức đầu tư, do vậy hạ tầng CCN đầu tư thiếu đồng bộ, chắp vá; một số dự án đầu tư hạ tầng CCN kéo dài; các chủ đầu tư hạ tầng CCN chưa quan tâm đầu tư hạng mục xử lý môi trường dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trong một số CCN ngày càng cao.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên giá đầu tư xây dựng cơ bản biến động tăng làm cho tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN tăng cao, trong khi năng lực tài chính của các chủ đầu tư (là UBND các huyện, thành phố, thị xã) hạn chế, nguồn vốn đầu tư chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách hạn hẹp. Kế hoạch đầu tư hạ tầng và bố trí vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho một số CCN chưa gắn với nhu cầu và kế hoạch thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp CCN. Đơn cử CCN Đồng Văn ở huyện Tân Kỳ được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch từ năm 2007 với quy mô 20 ha, lĩnh vực khai thác đá grannit, sản xuất chế biến gỗ dăm. Dự án có tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn, tỉnh cho phép đầu tư là 17 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay dự án đang dở dang mới san lấp mặt bằng và đầu tư đường nội vùng. Điều đáng nói là đến nay CCN này chưa thu hút được nhà đầu tư nào. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhu cầu đầu tư hạ tầng cho CCN Đồng Văn rất lớn, trong khi nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 83 của UBND tỉnh rất ít, không đáp ứng được yêu cầu. Trong điều kiện ngân sách huyện hạn hẹp thì việc đầu tư hạ tầng CCN Đồng Văn không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, CCN nằm quá xa trung tâm, giao thông cách trở; việc cấp giấy phép khai thác mỏ gặp nhiều khó khăn nên khó thu hút các nhà đầu tư.
Thanh Lê
Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, ngoài được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành của pháp luật, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh dự thảo, nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 268/2009/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trình HĐND tỉnh tại kỳ họp lần này xem xét, thông qua”. Theo đó, mức hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết là 50% kinh phí theo dự toán được phê duyệt; Hỗ trợ kinh phí bồi thường đất, GPMB CCN theo dự toán được phê duyệt. Mức hỗ trợ tối đa là 200 triệu đồng/ha. Hỗ trợ xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong cụm công nghiệp theo thiết kế, dự toán được phê duyệt, gồm: đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước nội bộ. Mức hỗ trợ tối đa không quá 6 tỷ đồng/CCN vùng miền núi và không quá 5 tỷ đồng/CCN các vùng còn lại. Mức hỗ trợ hệ thống xử lý nước thải tập trung là 70% theo dự toán được phê duyệt nhưng không quá 6 tỷ đồng/CCN... |