Quan tâm xử lý những vấn đề tồn đọng
(Baonghean) - Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", các tổ chức cơ sở đảng đến mỗi đảng viên đã tích cực phát huy những ưu điểm, đồng thời thẳng thắn đánh giá, khắc phục những hạn chế, yếu kém. Chính vì vậy, có nhiều yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ đã được khắc phục, khẳng định lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tích cực xử lý những vấn đề tồn đọng
Với tinh thần phê bình và tự phê bình một cách nghiêm khắc, thẳng thắn, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, các tổ chức cơ sở đảng từ cấp tỉnh đến cơ sở sau khi lựa chọn những “điểm nóng”, bức xúc, nổi cộm mà người dân phản ánh tập trung giải quyết, góp phần củng cố lòng tin trong nhân dân đối với Đảng. Đơn cử tại phường Nghi Thu (Thị xã Cửa Lò): Trước thực tế việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa phương tồn đọng nhiều năm do tranh chấp, lấm chiếm đất... phường đã tổ chức 3 cuộc đối thoại trực tiếp với dân, làm rõ vướng mắc cụ thể, từ đó hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu và làm đúng quy định pháp luật. Nhờ đó đã giải quyết cơ bản tồn đọng trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Công tác cải cách hành chính chuyển biến theo hướng giải quyết nhanh các hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân, tránh gây phiền hà, sách nhiễu. Phường quy định người trực “một cửa” phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch một cách kỹ lưỡng, cụ thể; đồng thời phân công 2 phó chủ tịch UBND phường thường xuyên túc trực để giải quyết kịp thời. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nâng cao hiệu quả nhiệm vụ chính trị, Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết phân công nhiệm vụ cho đảng viên. Theo đó, đảng ủy viên phụ trách giúp đỡ 1 hộ dân; đảng viên thường 3 người giúp đỡ 1 hộ dân... Ngoài các nhiệm vụ trọng tâm của phường, ở 8 chi bộ và các ban, ngành cấp phường cũng xác định 32 việc cần làm ngay ở cơ sở một cách kịp thời, góp phần giải quyết mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đường giao thông tại xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) khang trang nhờ nhân dân đồng thuận xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.H |
Quá trình kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Ban Thường vụ Thị ủy Cửa Lò đã xác định 5 việc tồn tại, khuyết điểm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và cấp cơ sơ có 337 việc. Ngoài những việc cần chấn chỉnh, sửa chữa thuộc 3 vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra, Thị ủy Cửa Lò cũng đã xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng công trình Đại lộ Vinh - Cửa Lò; mương và đường dọc số 3; đường ngang số 10 và số 14; khu tái định cư; giải quyết vấn đề bức xúc về đất ở cho 10 hộ dân phường Thu Thủy đổi đất xây dựng hạ tầng và cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất cho 9 hộ dân ở phường Nghi Thu trong việc thực hiện bồi thường do dời tái định cư đường Sào Nam trước đây. “Tỷ lệ giải quyết các vấn đề cần làm ngay sau kiểm điểm ở cấp cơ sở đạt trên 95%. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03 đã thực sự tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ của người đảng viên”, đồng chí Phan Công Lưu, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Cửa Lò cho biết.
Đối với cấp tỉnh, sau khi có Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các tổ chức đảng đã gấp rút chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung liên quan. Đơn cử như Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu sửa đổi, bổ sung 2 quy định và 2 quy chế, tham mưu ban hành mới 4 quy định, một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng... Đồng thời có các giải pháp về xử lý, khắc phục tiêu cực trong công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và giới thiệu nhân sự ứng cử; tham mưu đề bạt bổ nhiệm ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số... Về phân loại lĩnh vực, địa bàn phụ trách, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định về việc “phân công phụ trách lĩnh vực, địa phương, đơn vị của các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh và sau khi có sự thay đổi cán bộ chủ chốt của tỉnh, Ban Tổ chức đã kịp thời tham mưu phân công lại, đảm bảo sự sâu sát, phù hợp.
Mô hình trồng cam của chị chị Đặng Thị Hoài, xóm 2, xã Nghĩa Hòa |
Trong nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành “quy chế tiếp xúc đối thoại với nhân dân”. Từ cuối năm 2013 và trong năm 2014, cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức 126 cuộc; cấp cơ sở tổ chức được 719 cuộc tiếp xúc đối thoại với nhân dân; thông qua các cuộc tiếp xúc đối thoại, cấp ủy các cấp và các ban, ngành đã kịp thời nắm bắt được tâm tư nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của nhân dân để có hướng giải quyết.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU Ngày 3/12/2013 về “tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị”; ban hành Đề án số 07-ĐA/TU ngày 30/5/2014 về “nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên" nhằm khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bảo thủ, trì trệ, hẹp hòi, níu kéo, nóng vội, chậm thích ứng với cơ chế mới của cán bộ, đảng viên, nhất là cơ sở. Đây là những chỉ thị, đề án ngay từ khi ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và được sự ủng hộ, hưởng ứng, ghi nhận tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tổng hợp của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến nay, 9/9 việc được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định đã cơ bản thực hiện xong. Cấp huyện và Đảng ủy trực thuộc có 190/206 việc cần làm ngay và 50% tồn tại, khuyết điểm đã được khắc phục; số còn lại đang trong quá trình xử lý, môt số nội dung trở thành viêc làm thường xuyên. Cấp cơ sở thực hiện những việc cần làm ngay đạt tỷ lệ 86,2%, tăng 5,2% so với cuối năm 2013...
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tỉnh ta đã thu được những kết quả tích cực. Các tổ chức cơ sở đảng không chỉ đấu tranh có hiệu quả với những sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; răn đe, cảnh tỉnh với nhiều cá nhân mà còn xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đó cũng là nền tảng quan trọng để tỉnh Nghệ An thu được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; Cơ sở hạ tầng có nhiều đột phá tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội; Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế tìm đến đầu tư... Với những kết quả mang lại đó, mỗi đảng viên và nhân dân đều mong muốn Nghị quyết Trung ương 4 tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.
Qua trao đổi, đồng chí Đậu Văn Thanh, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Với một nghị quyết có nội dung tương đối phức tạp, khó khăn, đôi khi còn rất trừu tượng nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện, hiệu quả và sức lan tỏa của nó trong cán bộ, đảng viên, các tổ chức cơ sở đảng và dự luận nhân dân là rất lớn. Vì vậy, chúng ta có quyền kỳ vọng, Nghị quyết Trung ương 4 sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt là trong năm 2015 - năm tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiếp tục chỉnh đốn lại đội ngũ cán bộ, đảng viên... Thực hiện hiệu quả các giải pháp Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra, kết hợp với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị sẽ là “chìa khóa” để mỗi địa phương từ cơ sở đến tỉnh chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho chặng đường xây dựng và phát triển trong nhiệm kỳ tới.
Minh Chi - Nhật Lệ