Quan trọng hơn cả là xử lý trách nhiệm

01/08/2014 10:44

(Baonghean) - Sáng 30/7 vừa rồi, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, khi đề cập đến nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư công, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải gắn với trách nhiệm cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Tái cơ cấu đầu tư công chúng ta đi được một bước quan trọng, một bước dài, cố gắng kiểm soát để làm sao tái đầu tư công hiệu quả, khắc phục cho được tình trạng năm nào cũng kiểm điểm đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, lãng phí. Vừa rồi, chúng ta đưa ra một giải pháp then chốt là đầu tư trung hạn, lên danh sách, lên hạng mục, quy trách nhiệm rõ ràng, tuy rằng còn phải làm tiếp về trách nhiệm. Tôi nói không có gì bằng trách nhiệm hết, làm sao cột chặt trách nhiệm, anh nào quyết định phải chịu trách nhiệm rõ ràng, đừng có tập thể chung chung…”.

Để ý kỹ thì thấy chỉ trong một câu nói mà người đứng đầu Chính phủ đã 3 lần nhắc đến từ “trách nhiệm”. Vì sao vậy? Câu trả lời nằm ngay trong câu nói của chính Thủ tướng là “năm nào cũng kiểm điểm đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, lãng phí”. Nghĩa là đã khuyến cáo, nhắc nhở nhiều là, khi quyết định đầu tư công, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần phải cân nhắc hết sức thận trọng để bảo đảm thật sự có hiệu quả và hiệu quả cao. Nhưng rồi nói chỉ để mà nói thôi, hình như không mấy ai để ý nghe theo, làm theo. Thành ra, năm nào cũng phải ngồi lại với nhau để kiểm điểm một vấn đề hết sức cũ là “dàn trải, kém hiệu quả, lãng phí”.

Còn vì sao lại thế thì chắc là ai cũng hiểu đầu tư công là “chùm khế ngọt” để cho ai đó “trèo hái mỗi ngày”. Vì thế mà những người có trách nhiệm quản lý trong vấn đề đầu tư công cứ lờ đi mọi lời khuyến nghị, nhắc nhở. Lờ đi vì lợi ích nhóm hoặc vì lợi ích cá nhân. Lờ đi vì biết chắc không phải chịu trách nhiệm và vì tiền lệ chưa có ai phải chịu trách nhiệm về những thất thoát, lãng phí, dàn trải, kém hiệu quả trong đầu tư công. Cho nên, mới đây, Quốc hội, Chính phủ mới đề cập đến vấn đề trách nhiệm cá nhân của người ký quyết định đầu tư công. Đây được coi là một giải pháp mới, một bước tiến mới trong việc thắt chặt quản lý đầu tư công.

Tuy nhiên, cột chặt trách nhiệm thì dễ, nhưng xử lý trách nhiệm đó như thế nào không hề đơn giản. Vì không chỉ trong đầu tư công mà ở một số lĩnh vực khác, việc phân định trách nhiệm cá nhân đã khá rõ ràng, nhưng rồi vẫn không xử lý được. Chúng ta đã từng có các quy định về người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm trong ngành, lĩnh vực, địa phương được giao quản lý. Nhưng rồi sai phạm vẫn cứ xảy ra mà chưa thấy người có trách nhiệm bị xử lý. Đơn cử như mỗi ngày có hàng chục người chết và bị thương vì tai nạn giao thông. Tình trạng này kéo dài bao nhiêu năm nay rồi mà có thấy “ông tư lệnh ngành lục lộ” nào bị giáng chức đâu. Vấn đề xử lý xe quá khổ, quá tải cũng được quy định rất rõ nhưng đến nay, xe quá khổ, quá tải vẫn chạy trên đường với số lượng không nhỏ ở hầu khắp các địa phương. Dư luận gần đây còn râm ran về chuyện hầu như địa phương nào cũng có một đoàn “xe vua” được cán bộ sở tại “bảo kê” nên không thể xử lý được. Hơn nữa, lắm khi do sự tréo ngoe của thể chế là có quá nhiều cơ quan chịu trách nhiệm về một việc nên rất khó xử lý trách nhiệm. Mới đây, người ta đã thống kê một cái xúc xích nhưng có đến 7 bộ quản lý. Đầu tiên là Bộ Y tế, vì đó là thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là vì thực phẩm đó làm từ sản phẩm của ngành chăn nuôi. Rồi Bộ Công Thương - quản lý vấn đề mua bán ngoài thị trường. Rồi thì Bộ Tài nguyên và Môi trường. Rồi thì Bộ Tài chính. Trong bộ này thì lại có hai ngành thuế và hải quan. Rồi thì Bộ Khoa học - Công nghệ và cả Bộ Công an nữa. Khi phát hiện xúc xích kém chất lượng thật khó chọn bộ nào ra mà xử lý trách nhiệm.

Nói ra như vậy, để thấy nói thì dễ, nhưng làm thì thật là khó. Khó vì có quá nhiều lý do liên quan cả về khách quan lẫn chủ quan nên các cấp có thẩm quyền cần có cách khắc phục để vừa cột được trách nhiệm vừa xử lý được người chịu trách nhiệm. Buộc được trách nhiệm mà không xử lý được cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm thì cũng bằng không. Cho nên, vấn đề quan trọng nhất là phải xử lý được người chịu trách nhiệm theo quy định.

Duy Hương

Quan trọng hơn cả là xử lý trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO