Quay cuồng giá thép
Bước vào đầu năm 2011, thị trường thép xây dựng đã liên tục gây “choáng” khi chỉ chưa đầy 3 tháng, giá thép leo thang tới 4 - 5 lần với tổng mức tăng khoảng 2 triệu đồng/tấn. Nhiều lo ngại cho rằng giá thép sẽ được đẩy lên tới mức 22 - 23 triệu đồng/tấn.
Bắt đầu từ cuối tháng 12/2010, các doanh nghiệp thép chỉ mới “rón rén” tăng giá khoảng 300 nghìn đồng/tấn, nhưng bước sang tháng 2 và đầu tháng 3/2011, giá thép bắt đầu “phi mã” với mức tăng mỗi đợt khoảng 400-600 nghìn đồng/tấn (có doanh nghiệp tăng tới 800 nghìn đồng/tấn). Tại thời điểm này, giá thép đang đứng ở mức 18 triệu đồng/tấn, chưa có thuế giá trị gia tăng (VAT).
Trước những biến động không ngừng của giá thép trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lý giải, do lo ngại giá thép tiếp tục tăng cao vì biến động của giá nguyên nhiên liệu đầu vào cũng như các tác động của chính sách tiền tệ, tỷ giá nên các công ty thương mại và công ty xây dựng đã “hối hả” mua tích trữ, khiến cho lượng thép sản xuất và tiêu thụ tăng khá mạnh.
Giá thép liên tục biến động.
Giải thích cặn kẽ hơn, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Phạm Chí Cường cho biết, từ cuối năm 2010, giá bán quặng sắt và than cốc trên thị trường thế giới đã tăng cao. Các nước Australia, Brazil chiếm đến 70% thị phần thế giới. Họ gần như độc quyền và mỗi năm đều tăng giá từ 30 - 40%.
Than cốc cũng được cung cấp từ Trung Quốc và các nước này, vừa rồi đã tăng đến 70%. Mỗi lần tăng giá đều gây ảnh hưởng rất lớn đến thế giới vì ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng khác, đặc biệt là phôi thép.
Không những vậy, trong khi, nguồn USD đang khan hiếm, ngành thép lại không thuộc diện ưu tiên được mua USD do chính sách thắt chặt tiền tệ, nên để nhập khẩu nguyên liệu, buộc phải mua USD ngoài thị trường với mức chênh lệch 1.000 VND/USD so với tỷ giá niêm yết. Vì vậy, mỗi tấn phôi nhập khẩu doanh nghiệp phải trả thêm hơn 1 triệu đồng, cộng với phần lãi vay tiền VND từ 17- 18%/năm đã khiến ngành thép phải thêm gánh nặng.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến việc tăng giá xăng lên hơn 2.000 đồng/lít cũng khiến cho một tấn thép phải “cõng” thêm hơn 100 nghìn đồng (mỗi tấn thép tiêu hao khoảng 50 lít xăng). Theo tính toán của VSA, mặc dù, giá điện vừa được điều chỉnh tăng từ 1/3 không tác động lớn, nhưng cũng chiếm từ 6 - 8% trong cơ cấu giá thành của thép.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, liệu giá thép năm 2011 có lặp lại “bài học” của năm 2008, khi mà trong những tháng đầu năm, giá nguyên liệu (phôi thép) liên tục tăng cao và lập kỷ lục ở mức 1.150 USD/tấn đã kéo giá thép lên tới 22 - 23 triệu đồng/tấn và rồi đến những tháng cuối năm giá phôi đột ngột giảm mạnh xuống còn 330 USD/tấn đã làm cho giá thép trong nước rớt thê thảm.
Khi đó khiến nhiều doanh nghiệp, đại lý trót "ôm” một lượng thép lớn từ vài chục đến vài trăm nghìn tấn lỗ hàng chục tỷ đồng (trong số này phần lớn đều là vốn vay ngân hàng) và thậm chí một số doanh nghiệp thương mại “tán gia bại sản”.
Trả lời câu hỏi này, VSA cho biết, trong thời gian qua, để tránh gây thêm sức ép cho nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, ngành thép đã cố gắng kìm hãm để không tăng giá quá cao. Nếu có tăng thì cũng chỉ để bù đắp các chi phí thâm hụt. Nhưng thị trường chung đang biến động từng ngày nếu không tăng giá thì doanh nghiệp ngành thép không thể chịu đựng được.
Trong thời gian tới, nếu giá thép phế, phôi nhập khẩu tiếp tục tăng, cộng với tỷ giá USD biến động thì khả năng từ nay đến cuối năm giá thép trong nước tăng theo là có thể xảy ra. Song, không thể tăng đột biến vì như vậy sẽ khó tiêu thụ, tăng đến đâu thì vẫn phải phụ thuộc diễn biến thị trường có chấp nhận hay không.
Hiện nay, trong cả nước có 32 doanh nghiệp thép. Bản thân họ đã phải cạnh tranh khốc liệt với nhau. Nếu tăng giá cao quá sẽ rất khó bán và lợi dụng điều này thép Trung Quốc và các nước khác sẽ tràn vào. Đây là một thực trạng khiến cho ngành thép luôn lo lắng trong nhiều năm qua. Dần dần, ngành thép Việt Nam sẽ phải chấp nhận đi theo thị trường chung, chấp nhận những biến động về giá mới.
Ông Phạm Chí Cường khẳng định, tính đến thời điểm này, lượng thép tồn kho trong VSA là 217.021 tấn, đủ số lượng gối đầu cho tháng 3/2011. Thêm vào đó, với lượng phôi tồn kho và lượng phôi sản xuất trong tháng 3 của các công ty có lò điện hồ quang khoảng 500 nghìn tấn đủ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy cán thép trong nước, thị trường trong nước ngay cả mùa cao điểm sắp tới cũng không lo thiếu thép.
Với nguồn cung đảm bảo, mặc dù giá nguyên nhiên liệu đầu vào và các tác động chính sách ảnh hưởng khá nhiều đến giá thành thép sản xuất trong nước, nhưng các doanh nghiệp sản xuất thép sẽ khó tăng giá bán thép tương ứng bởi áp lực cạnh tranh với thép nhập khẩu (giá đang rẻ hơn 600 - 700 nghìn đ/tấn).
Đặc biệt, nhu cầu thép xây dựng sẽ bị giảm sút khi nhiều công trình đầu tư bằng vốn ngân sách bị giãn, tạm dừng tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ cũng sẽ là lý do khiến giá thép khó tăng đột biến.
Theo VnEconomy