Quê hương hai lần anh hùng
(Baonghean) - Về Nghi Hương (TX.Cửa Lò) những ngày tháng TÁM lịch sử, không khí rộn ràng, phấn khởi hiện rõ trên từng khuôn mặt người dân phố biển...
Bà Trần Thị Thựu (khối 3, phường Nghi Hương) năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ vẫn vẹn nguyên. Khi đó, cô du kích Trần Thị Thựu được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội Dân quân tự vệ trực phòng không, Trưởng Ban giải tỏa, tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa xã Nghi Hương.
Tháng 4/1972, đế quốc Mỹ huy động lực lượng lớn không quân và hải quân đánh phá miền Bắc với quy mô lớn, ác liệt. Chúng phong tỏa các cảng và vùng biển, đánh phá các cơ sở kinh tế, quốc phòng của ta. Khi đó, Cảng Cửa Lò là nơi tiếp nhận, trung chuyển hàng viện trợ gạo, nhu yếu phẩm của Liên Xô, Trung Quốc cho chiến trường miền Nam. Trong đó, Nghi Hương là địa bàn và mục tiêu đặc biệt quan trọng về chiến lược quân sự, là nơi tập trung tiếp nhận hàng hoá lớn để chi viện cho các chiến trường, là nơi được bố trí trận địa phòng không, hệ thống ra đa, pháo cao xạ và nhiều mục tiêu quân sự khác. Vì vậy đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt, tàn khốc nhất của địch... Trước tình hình đó, cấp trên đã chỉ đạo phải dùng tời kéo hàng từ tàu Hồng Kỳ cập bến ở đảo Ngư vào đất liền. Nhiệm vụ của Đội Dân quân tự vệ trực phòng không là đưa hàng từ mặt nước lên bờ cho đội quân xe thồ, cơ giới vận chuyển về tuyến sau. Nhưng thực tế cho thấy, cách dùng tời đưa hàng hóa vào hiệu quả không cao, Đội dân quân tự vệ Nghi Hương cùng anh em công nhân Cảng Bến Thủy đã nghĩ ra cách cho hàng vào túi nilon lớn thả xuống mặt biển, theo chiều gió đẩy hàng sẽ tự trôi vào đất liền. “Thực hiện sáng kiến đó, để hàng dạt được vào đất liền và tránh thương vong, chúng tôi phải nghiên cứu, đúc rút quy luật thời tiết cũng như giờ giấc máy bay địch thường đi càn quét. Nhờ vậy, những kiện hàng cứ nối tiếp nhau vào bờ, chi viện cho chiến trường miền Nam "...
Một góc phường Nghi Hương - Thị xã Cửa Lò. |
Từ tháng 7/1964 đến tháng 12/1972, đế quốc Mỹ đã tiến hành 1.023 trận oanh tạc, chúng đã trút xuống địa bàn Nghi Hương 6.316 tấn bom đạn và gần 200 quả thuỷ lôi để phong toả đường biển. Với lòng gan dạ, ý chí quật cường, nhân dân Nghi Hương từ thanh niên đến các cụ, các mẹ vẫn bình tĩnh cõng từng kiện hàng, luồn theo giao thông hào vận chuyển hàng vạn tấn hàng hóa từ bờ biển vào tuyến trong cất giấu. Khi đó, toàn xã có 1.429 người tình nguyện đi bộ đội; 250 thanh niên xung phong; 513 tham gia đội giao thông vận tải... Trung bình một ngày mỗi người dân vận chuyển 40 bao hàng. Ngày 1/10/1972, trong một đợt càn quét ném bom bằng máy bay của địch, Đội pháo 75 ly và 12 ly của quân du kích Nghi Hương đã anh dũng bắn rơi 1 máy bay R-F5C của không quân Mỹ. Trong cuộc chiến không cân sức và không khoan nhượng với kẻ thù, đã có 135 con em Nghi Hương hy sinh, 114 người bị thương, phải bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường... Với những chiến công liên tục trên các mặt trận, năm 1973, lực lượng dân quân tự vệ xã Nghi Hương vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đến tháng 12/2014, nhân dân và lực lượng vũ trang phường Nghi Hương tiếp tục vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát huy truyền thống quê hương hai lần anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Nghi Hương đoàn kết quyết tâm từng bước kiến thiết lại quê nhà. Lợi thế của một phường trung tâm của thị xã biển, Nghi Hương chú trọng bứt phá, đổi mới bằng con đường phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững. Ông Trần Minh Lương, Bí thư Đảng ủy phường khẳng định, trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, Nghi Hương đã đi đầu dậy trước. Ngày nay, Nghi Hương cũng đang trở thành phường tốp đầu của thị xã biển Cửa Lò trên lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,84% năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư được chú trọng...
Ngọc Anh