Quê hương nghiêng mình tiễn biệt Người…

13/10/2013 17:35

(Baonghean) - Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) những ngày này bạc buồn trong màn mưa trắng xóa. Tạm gác lại những công việc hối hả thường ngày, người dân Thành phố Đồng Hới nói riêng và người xứ Quảng nói chung lặng lẽ dành một góc riêng sâu lắng để tưởng niệm vị Đại tướng muôn vàn kính yêu của quê hương, đất nước. “Mệnh lệnh” của trái tim thôi thúc muôn ngàn người cùng nhìn về một hướng…

(Baonghean) - Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) những ngày này bạc buồn trong màn mưa trắng xóa. Tạm gác lại những công việc hối hả thường ngày, người dân Thành phố Đồng Hới nói riêng và người xứ Quảng nói chung lặng lẽ dành một góc riêng sâu lắng để tưởng niệm vị Đại tướng muôn vàn kính yêu của quê hương, đất nước. “Mệnh lệnh” của trái tim thôi thúc muôn ngàn người cùng nhìn về một hướng…

Sáng 12/10, cùng với Thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường lớn tòa nhà UBND tỉnh Quảng Bình. Theo thông báo chính thức được phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đúng 7h30 phút lễ viếng mới bắt đầu. Thế nhưng từ sáng tinh mơ, dẫu trời mưa nặng hạt, từng dòng người đã lặng lẽ tiến về đường Hùng Vương- địa điểm sẽ diễn ra những hoạt động chính của lễ viếng.

Trong dòng người nối dài không ngớt, có màu xanh tình nguyện của tuổi trẻ, có sắc phục nghiêm trang của các cựu chiến binh, xen lẫn màu sẫm buồn lặng của những bậc cao niên. Dễ có đến hàng ngàn người trong dòng chảy tưởng như bất tận ấy, nhưng trái với không khí ồn ã thường thấy ở những đám đông, sáng nay, một bầu không gian lặng im bao phủ. Nghiêm trang và thành kính, hàng trăm học sinh, sinh viên đến từ các trường THPT, CĐ và ĐH trên địa bàn thành phố đã xếp thành hai hàng dài dọc theo các tuyến phố chính, trên tay là bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nụ cười hiền hậu. Đây là một trong những hoạt động được Tỉnh đoàn Quảng Bình phát động nhân Tuần lễ tri ân. Số lượng đoàn viên thanh niên tình nguyện đăng ký đã vượt dự tính của ban tổ chức.

Nhiều người đội mưa mang di ảnh chờ đến lượt vào viếng Đại tướng tại Quảng Bình. Ảnh: Trần Duy Ngoãn.
Nhiều người đội mưa mang di ảnh chờ đến lượt vào viếng Đại tướng tại Quảng Bình. Ảnh: Trần Duy Ngoãn.

Anh Nguyễn Phương Văn - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Quảng Bình cho biết: “Ban đầu, theo kế hoạch của Tỉnh đoàn, đoàn trường chỉ chọn 100 sinh viên ưu tú tham gia hoạt động này. Thế nhưng chính các bạn sinh viên đã chủ động đề nghị Đoàn trường tổ chức cho đăng ký tình nguyện, để mọi người đều có cơ hội được tỏ lòng tri ân với Đại tướng kính yêu. Thống kê sơ bộ, trong buổi sáng ngày 12/10, riêng ĐH Quảng Bình đã có hơn 350 sinh viên tham gia, còn con số chung của tất cả các trường phải hơn 1000”.

Dưới màn mưa nặng hạt, những câu chuyện, những bức ảnh, những kỷ niệm và ký ức về vị Đại tướng kiệt xuất được kể lại trong tiếng nấc nghẹn ngào. Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép nhỏ, hòa thành dòng chảy cảm xúc thiêng liêng về Đại tướng - một người con xứ Quảng vĩ đại mà bình dị. Hàng người xếp ngay ngắn trước sân UBND tỉnh tưởng như bất tận, họ kiên nhẫn chờ đợi giây phút được vào viếng Đại tướng, đặt một đóa cúc vàng, một bông hồng trắng, bái vọng đến anh linh Người. Đúng 7h30’, nhạc lễ vang lên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính đọc điếu văn, nhắc lại tiểu sử và những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhấn mạnh đến tình cảm của Người đối với quê hương “nghĩa nặng tình sâu”, với đồng bào, chiến sỹ cả nước. Kết thúc điếu văn, đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng 10 người thân đại diện cho gia đình Đại tướng đã dâng nén tâm hương lên bàn thờ, mở đầu cho các đoàn viếng đến từ khắp mọi miền đất nước.

Trong tiếng nhạc lễ thiêng liêng, những thổn thức dù đã được kìm nén vẫn bật ra nức nở, nghẹn ngào. Xúc động nhất vẫn là những đoàn cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến- những con người đã từng kinh qua biết bao trận mạc, luôn tự hào là “lính Cụ Hồ, lính ông Giáp”. Những chàng trai, cô gái năm xưa không tiếc tuổi xuân, dạn dày đạn bom sương gió, nay cúi gập mình trong nỗi đau đớn khôn nguôi. Họ nghẹn ngào gọi khẽ: “Anh Cả ơi! Anh Văn ơi!”, nhìn những đôi bàn tay rà bom cản đạn giờ đã lốm đốm đồi mồi, rưng rưng đặt vòng hoa trắng lên bàn thờ Đại tướng, không ai giấu nổi nước mắt.

Ông A Lăng Ghinh - đoàn Hội truyền thống đường Trường Sơn từ Nam Giang (Quảng Nam) đến Đồng Hới vào tối 11/10, ngực trái sáng những huân huy chương chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vẫn chưa hết xúc động: “Tôi là một người con của dân tộc Cơtu, may mắn và vinh dự khi nhiều lần được gặp Đại tướng. Tôi cảm nhận được sâu sắc tình cảm, sự quan tâm của Người dành cho đồng bào các dân tộc, tôi luôn cố gắng sống và chiến đấu, lao động, học tập theo những lời dặn dò của Người. Nhận được tin Đại tướng ra đi, cả bản tôi ai cũng buồn thương. Tôi đại diện cho bản làng đến đây kính viếng Đại tướng!”

Còn ông Đoàn Văn Thông, cựu chiến binh Đoàn Lịch sử ba truyền thống cùng với 30 người đồng đội của mình, đội mưa chờ đến lượt viếng Đại tướng từ 6h sáng. Trong câu chuyện của họ, những kỷ niệm về một thời khói lửa hào hùng gắn với tài quân sự thao lược của anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ đứng gần đó. Trên tay mọi người là bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp- đôi mắt sáng ngời và nụ cười hiền hậu, tưởng như dáng hình ông vẫn còn đây, đứng giữa ba quân hào sảng báo tin thắng trận. Ông Thông- người chiến sỹ quả cảm của trận Điện Biên Phủ lừng danh năm xưa xúc động chia sẻ: “Cuộc đời tôi chinh chiến nhiều trận đánh, có những thời điểm tưởng như ngã gục, nhưng nhờ tấm hình nhỏ của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp giấu dưới đáy balô làm sức mạnh tinh thần, tôi và những người cùng thế hệ đứng lên, chiến đấu và chiến thắng. Trong trái tim tôi, Đại tướng luôn bất tử!”

Đã quá giờ trưa, cuốn sổ đăng ký đoàn người đến lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp tục dày thêm. Nhiều đoàn còn sắp xếp lịch trình về nguồn, sau khi dâng hương tại Hội trường UBND tỉnh sẽ tiếp tục di chuyển về làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy- nơi có ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng, nay trở thành Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ 5h sáng, Lễ phát tang theo nghi thức địa phương đã được bà con dòng tộc, láng giềng thân hữu tổ chức trong niềm thương tiếc nghẹn ngào. Một mâm cơm cúng giản dị với những món truyền thống của người dân bản địa được dâng lên ban thờ Người. Dẫu Đại tướng xa quê từ thuở thiếu thời, nhưng đến giờ phút này đây, Người vẫn trở về trong ấm áp chứa chan tình cảm của bà con An Xá. Nỗi xót xa đau đớn ngập tràn trong ngôi nhà nhỏ.

Ôm chặt tấm hình Đại tướng trong lòng, ông Hồ Văn Núi (Vĩnh Ô, Vĩnh Linh, Quảng Trị), đại diện cho bà con dân tộc Vân Kiều gạt nước mắt chia sẻ: “Nói răng cũng không hết tình cảm của bà con Vân Kiều với Đại tướng. Ơn Bác Hồ, ơn Đại tướng là ơn trời bể. Bà con mình không bao giờ quên được!” Nói đoạn, ông vội vàng tạm biệt để bắt kịp chuyến xe khách cuối ngày quay vào Quảng Trị, để đảm bảo lịch trình cho 3h sáng mai, dẫn đoàn bà con Vân Kiều ra Quảng Trạch (Quảng Bình) tham dự lễ an táng Đại tướng.

Không quản ngại đường sá xa xôi, từ khắp muôn nẻo quê hương, dòng người tìm về ngôi nhà nhỏ bên dòng Kiến Giang hiền hòa để dâng nén hương thơm kính viếng hương hồn Người. Nổi bật trong dòng người chật kín là đoàn hành hương của Hội CCB ngành Quân giới tỉnh Nghệ An. Với tấm lòng thành kính sâu sắc, những người con quê hương Bác Hồ hành trình hơn 200km dưới cơn mưa tầm tã về với Lệ Thủy, mong được bày tỏ tấm lòng tri ân với một nhân cách lớn của dân tộc, đồng thời, thỏa ước nguyện được về thăm nơi chôn rau cắt rốn của vị Đại tướng huyền thoại.

Đại diện cho đoàn, ông Phùng Khắc Hiếu - nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân khu 4 tâm sự: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng của nhân dân, một vị tướng xem quân như con. Về ngôi nhà đơn sơ giản dị này, chúng tôi càng thêm kính trọng bậc vĩ nhân nhưng cốt cách thanh tao, mộc mạc. Chúng tôi, những quân nhân của Quân đội Việt Nam anh hùng mãi ghi nhớ tình cảm và công lao của Người.”

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Lễ tang tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến thời điểm này đã có hơn 1.560 đoàn khách, với hơn 10.000 người đến từ khắp mọi miền trong và ngoài nước đến tiễn đưa, kính viếng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 10.000 người và chắc chắn còn nhiều hơn thế nữa, mang đến cho chúng ta niềm tin về sự nhân văn của cuộc sống: khi chạm đến trái tim của mỗi người, những sợi dây đồng điệu sẽ rung lên. Cái chết chưa hẳn đã là sự kết thúc của tất cả. Hòa trong dòng người vào viếng Đại tướng, bất giác nhớ đến lời thơ của Tố Hữu: “Có những cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra…”. Đại tướng ơi, quê hương xin nghiêng mình tiễn biệt Người.

Thành Duy - Phương Chi

Quê hương nghiêng mình tiễn biệt Người…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO