Quế Ngọc Hải chơi tiền vệ trung tâm, tại sao không?

Bùi Hoa 31/01/2023 16:26

(Baonghean.vn) - Đội tuyển Việt Nam có những nhân tố, có những tiền đề thực tế để làm được như Thái Lan, nhưng đã không kiên trì, triệt để nên chưa thể thành công như mong đợi.

Năm 2020, ông Polking có thời gian ngắn làm việc tại Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh nhưng không thực sự thành công. Sau đó, khi đối đầu với Đội tuyển Thái Lan do ông dẫn dắt, nhiều người Việt tỏ ra nghi ngờ và không đánh giá cao tài năng vị huấn luyện viên sinh 1976 mang 2 quốc tịch Brazil - Đức này. Nhưng với 2 ngôi vua AFF Cup 2021, 2022, ông Polking chứng minh là một nhà cầm quân tài năng thực sự, khi người Thái có đủ lực lượng tốt nhất cũng như khi các ngôi sao hàng đầu không được “nhả” về thi đấu như câu chuyện mới đây với Chanathip, Supachai và Supachock… thì họ vẫn xứng đáng đứng ở “đỉnh” khu vực.

Màn ăn mừng của các cầu thủ Đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022. Ảnh tư liệu Hải Hoàng

Còn nhớ ở AFF Cup 2021 (thực chất là năm 2020, đá muộn do dịch Covid-19), Thái Lan với đầy đủ lực lượng đã không hề gặp khó khi đối đầu Việt Nam ở bán kết (vốn đang chơi vòng loại thứ 3 World Cup). Một năm sau, Đội tuyển Thái Lan gặp lại Đội tuyển Việt Nam ở chung kết AFF Cup 2022. Tuy để Việt Nam dẫn bàn ở hiệp 1 trận lượt đi nhưng sau đó người Thái đã vượt lên, rồi bị gỡ hòa 2-2 tạo lợi thế cho trận lượt về. Với ngòi nổ Theerathon ở 2 bàn thắng lượt đi và lại với cú sút bất ngờ của chính Theerathon trong trận lượt về, Hùng Dũng và đồng đội phải chấp nhận thua “tâm phục, khẩu phục” trước đối thủ.

Sở dĩ dài dòng chuyện ông Polking và Theerathon nói trên là bởi chúng tôi muốn hướng đến một điều: Đội tuyển Việt Nam có những nhân tố, có những tiền đề thực tế để làm được như Thái Lan, nhưng đã không kiên trì, triệt để nên chưa thể thành công như mong đợi.

Hãy nhớ lại trận đấu giữa Đội tuyển Việt Nam và Đội tuyển Malaysia ngày 10/10/2019 trên sân Mỹ Đình tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022: phút 40 trận đấu Ngọc Hải thực hiện một đường chuyền dài ra sau lưng hậu vệ đối phương và Quang Hải đọc rất nhanh tình huống đó đã băng xuống tung chân sút bóng đập đất ghi bàn cho đội chủ nhà trước sự thán phục của đông đảo người hâm mộ và chính đối thủ.

Đội tuyển Việt Nam sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt tại Indonesia. Ảnh tư liệu Hải Hoàng

Hãy nhớ hiệp 1 trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 ngày 13/01/2023, phút 22, Ngọc Hải bất ngờ có mặt ở cánh trái, nhận đường chuyền dài của Hoàng Đức, khống chế một nhịp gọn ghẽ và bấm bóng vào vòng cấm để Tiến Linh băng cắt đánh đầu ghi bàn mở tỷ số trước sự ngỡ ngàng của hàng phòng ngự đối thủ.

Hai tình huống kể trên đều liên quan đến kiến tạo xuất chúng của một trung vệ là Ngọc Hải, đều là tình huống đột biến, bất ngờ khiến đối thủ không kịp trở tay và nói chung đều khá giống với các tình huống kiến tạo của… Theerathon của Thái Lan như đã chứng minh ở đầu bài.

Quế Ngọc Hải thực hiện đường chuyền chính xác để Tiến Linh ghi bàn mở tỷ số trong trận đấu giữa Đội tuyển Việt Nam và Đội tuyển Malaysia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Ảnh tư liệu Hải Hoàng

Chỉ có một điều khác biệt thể hiện tài năng của ông Polking và cả Theerathon là dám mạnh dạn chuyển hậu vệ biên này vào chơi tiền vệ trung tâm, được phép chơi tự do, đảm nhiệm phòng ngự khi cần nhưng sẽ là ngòi nổ cho mọi tình huống ghi bàn (chuyền bổng ra sau lưng hậu vệ đối phương, chọc khe trung lộ, tạt bóng từ cánh như lâu nay…). Ngọc Hải chỉ lóe sáng trong một vài tình huống hay anh không được giao nhiệm vụ như Theerathon là điều chỉ anh hoặc ông Park Hang-seo biết được? Và phải chăng, hãy học chính người Thái từ câu chuyện của Theerathon và phát huy tiềm năng từ ngôi sao phòng ngự Ngọc Hải để đánh thắng chính người Thái trong thời gian tới đây?

Và như vậy, phải chăng Sông Lam Nghệ An hay Đội tuyển Việt Nam sẽ cho Ngọc Hải chơi như một tiền vệ trung tâm, điều vốn không xa lạ với anh khi còn ở sân Vinh trước đó và được tự do phát huy khả năng kiến tạo, thậm chí đá phạt thành bàn như trong trận gặp Bình Định ở vòng 2 V-League 2022? Tất nhiên, khi và chỉ khi tạo được sự yên tâm ở hàng thủ thì việc Ngọc Hải chơi cao hơn vừa là một vị trí phòng ngự từ xa, vừa trực tiếp gây áp lực lên đối thủ, vừa thỏa sức tìm kiếm khoảng trống để hướng đường chuyền tới đồng đội như cách Theerathon thường xuyên làm xuất sắc và chính Ngọc Hải cũng từng làm tốt trước hai đối thủ sừng sỏ Malaysia và Thái Lan?

Một đề xuất không mới, không bất ngờ với giới chuyên môn và chính Ngọc Hải. Trung vệ này sẽ phải học thêm cách di chuyển linh hoạt, học cách chơi sáng tạo vốn không dễ dàng so với khi tập trung cắt một đường chuyền hay “bắt” chết một tiền đạo. Nhưng nếu Ngọc Hải từng bước làm được và làm tốt thì sẽ có lợi cho chính anh, cho tập thể đội bóng, điều mà trong bóng đá Việt hiện tại không nhiều người có đủ khả năng để vừa phát huy sở trường vốn có, vừa tạo thêm được cách chơi đa dạng, bất ngờ, góp phần đắc lực cho thành công chung hôm nay và ngày mai./.

Mới nhất

x
Quế Ngọc Hải chơi tiền vệ trung tâm, tại sao không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO