Quế Phong: Hiệu quả từ đầu tư xây dựng hạ tầng

09/01/2014 19:12

(Baonghean) - Mặc dù với nguồn vốn hạn chế nhưng Quế Phong đã tích cực triển khai các công trình hạ tầng giao thông đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Các công trình hoàn thành góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.

Trước đây, tuyến đường từ Châu Kim đi Nậm Giải luôn là nỗi khiếp đảm của những người tham gia giao thông. Vào mùa mưa, đường lầy lội, trơn trượt, với một bên là vực thẳm, một bên là vách núi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Nhưng từ tháng 11/2013 đến nay, mọi chuyện đã khác. Đường đã được đổ nhựa phẳng lỳ, xe máy, ô tô chạy bon bon mà không lo chuyện phải dắt bộ vì sình lầy. Bằng nguốn vốn ngân sách tỉnh gần 15 tỷ đồng, UBND huyện đã tiến hành sửa chữa nhằm đáp ứng việc đi lại của người dân. Ông Nguyễn Văn Tuyên, người dân xã Châu Kim cho biết: Tôi sinh sống gần tuyến đường đã mấy chục năm nay, mỗi lần ra trung tâm huyện là phải dậy sớm, xăn quần, hì hà hì hục mãi mới ra đến nơi. Nhưng giờ nhờ có Nhà nước khắc phục, sửa chữa những điểm hư hỏng, ổ voi... nên người dân thấy hạnh phúc lắm.

Không chỉ có Châu Kim mà hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện đã được đầu tư, nâng cấp đáp ứng việc đi lại của người dân. Cầu treo Mường Nọc mới hoàn thành được 4 năm và đã xuống cấp, gây mất an toàn cho người qua lại. Nhưng chưa đầy 3 năm có rất nhiều ốc, thanh sắt bị tháo dỡ, một số bộ phận như lan can, ốc vít giữ an toàn cho người qua lại hầu hết đã hỏng, thậm chí có nơi không còn lan can rất mất an toàn, nguy hiểm luôn rình rập mọi người nhất là mùa mưa bão. Nhờ có nguồn vốn của tỉnh đầu tư 634 triệu đồng, dự án sửa chữa, duy tu bảo dưỡng cầu treo Mường Nọc được triển khai. Ông Quang Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Mường Nọc chia sẻ: Đây là con đường duy nhất của bà con 4 bản Mướng Mừn, Bản Luống, Đỏn Chám, Na Ka của xã Mường Nọc đi lại trao đổi hàng hóa, giao lưu với huyện. Sau hơn 1 tháng, dự án đã được hoàn thành trong niềm vui sướng của người dân.

Cầu treo Mường Nọc (xã Mường Nọc – Quế Phong) đã được sửa chữa đáp ứng việc đi lại của người dân.
Cầu treo Mường Nọc (xã Mường Nọc – Quế Phong) đã được sửa chữa đáp ứng việc đi lại của người dân.

Tri Lễ là xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Quế Phong, đời sống của nhân dân còn nghèo, nguồn thu ngân sách còn hạn chế. Trong nhiều năm qua, do nguồn kinh phí không có nên trụ sở làm việc của UBND xã đã xuống cấp, chật chội. Nhờ có nguốn vốn của tỉnh, cộng với sự hỗ trợ của huyện, năm 2013, công trình trụ sở UBND xã đã được đầu tư xây dựng với số vốn hơn 3,8 tỷ đồng. Công trình gồm 2 tầng đã hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao. Ông Đàm Thiên Thương, Phó Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh, huyện, xã Tri Lễ có công trình làm việc mới là niềm mơ ước bao lâu nay. Khi công trình được bàn giao và đưa vào sử dụng sẽ tạo bộ mặt mới cho xã, góp phần đảm bảo nơi làm việc, sinh hoạt, họp hành cho cán bộ và người dân trong xã.

Giữa cánh đồng của bản Na Cày (Tiền Phong), bà con nông dân đang hối hả làm đất để chuẩn bị cho gieo cấy vụ xuân. Ông Vi Văn Tình, bản Na Cày cho biết: Từ trước đến nay, việc đưa nước tưới phục vụ sản xuất thường rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa khô hạn, nguyên nhân là do nguồn nước tại đập Sái Pu thường bị rò rỉ gây lãng phí. Nhưng từ khi đập được sửa chưa, nâng cấp nguồn nước đã được cung cấp đầy đủ, nên chúng tôi có điều kiện gieo cấy đúng lịch thời vụ mà xã đề ra.

Theo ông Tình cho biết thì đập Sái Pu nằm trên địa bàn bản Na Nhắng có nhiệm vụ cung cấp nước cho hơn 4 ha lúa của 2 bản Na Cày và Na Nhắng. Do đập được đắp bằng đất đã lâu, mỗi khi vào mùa mưa lũ, nước thượng nguồn đổ về khiến cho đập bị rò rỉ, sạt lở. Người dân phải dùng đất, đá đắp lại để giữ nước nhưng sức người làm cũng không xuể nên đến khi vào vụ sản xuất, nước trong đập không còn bao nhiêu. Bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, dự án sửa chữa, nâng cấp đập đã được triển khai với số vốn 1 tỷ đồng. Đến tháng 5/2013, đập đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao. Ông Võ Khánh Toàn, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: Phải khẳng định rằng, đây là công trình đầu tư cho nông nghiệp có hiệu quả rõ nét nhất trên địa bàn xã. Công trình đưa vào sử dụng không chỉ đáp ứng nguồn nước cho sản xuất mà còn giảm được bao nhiêu là công sức, chi phí của xã, người dân mỗi khi mùa mưa lũ về.

Là một huyện miền núi cao, hạ tầng giao thông, trường học, trạm xá, thuỷ lợi... của huyện Quế Phong còn hết sức khó khăn. Năm 2013, nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn khó khăn do Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công. Chính vì thế, năm 2013, việc bố trí danh mục, vốn đầu tư cho các công trình bị hạn chế, nhất là số lượng công trình khởi công mới. Chủ yếu là tập trung cho bố trí trả nợ xây dựng cơ bản hoàn thành và công trình chuyển tiếp. Trong năm 2013, trên địa bàn huyện có 88 công trình được triển khai với tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 844 tỷ đồng, khối lượng đạt 304,89 tỷ đồng, giá trị giải ngân ước đạt 77,56 tỷ đồng. Để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, huyện đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn ngân sách tỉnh cấp, vốn trái phiếu Chính phủ, vận động tài trợ của các doanh nghiệp và vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia…

Ông Lữ Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước cũng như các tổ chức trong và ngoài nước, Quế Phong thực hiện tốt công tác đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đối với các công trình thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135, các công trình kỷ niệm 50 năm ngày thành lập huyện… Các công trình được nhà thầu thi công xây dựng kịp thời, đảm bảo tiến độ và chất lượng, nhất là tại các công trình trọng điểm như: Bãi xử lý rác thải Thị trấn Kim Sơn, Nhà máy nước sạch thị trấn, hệ thống mương thoát nước Thị trấn Kim Sơn, Thủy lợi Truông Bành...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số hồ sơ trình thẩm định thiết kế kỹ thuật- dự toán chất lượng chưa cao, chất lượng tư vấn, công tác khảo sát ban đầu còn thiếu chính xác.... Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, cấp đất để xây dựng dự án còn bất cập, nguồn vốn bố trí cho các dự án chưa tập trung và năng lực của một số nhà thầu hạn chế nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Trong năm 2014, huyện đã đề ra nhiều giải pháp từng bước khắc phục những hạn chế này để công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Phạm Bằng

Mới nhất

x
Quế Phong: Hiệu quả từ đầu tư xây dựng hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO