Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế
(Baonghean.vn) - Thảo luận tại phiên họp, ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 22/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền; Trần Văn Mão đồng chủ trì. Ảnh: Thanh Lê |
Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 7 chương, 53 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Thảo luận tại phiên họp, ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế. Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh chúng ta đã và đang hội nhập sâu và rộng với quốc tế thì luật ra đời sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho ký kết các thỏa thuận với các đối tác quốc tế. Đồng thời, cũng giúp cho các chủ thể ký kết không gặp phải những sai sót, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.
Tuy nhiên, một số đại biểu nêu ý kiến, việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã cần được cân nhắc thận trọng do hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Lê |
Do đó, không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. Các đại biểu cho rằng không nên phân cấp cho nhiều chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, tránh dẫn đến sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, nhất là giữa các địa phương có chung đường biên giới với cùng một quốc gia như ở Việt Nam.
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý và phòng ngừa rủi ro đối với các thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, đại biểu đề nghị luật cần quy định cụ thể một số nội dung yêu cầu bắt buộc trong thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, đặc biệt đối với các thỏa thuận quốc tế là bảo lãnh Chính phủ bao gồm: Điều kiện tiên quyết để được ký thỏa thuận quốc tế; các trường hợp cho phép bên ký kết Việt Nam được quyền chấm dứt thỏa thuận quốc tế; tài sản bảo đảm về quyền truy đòi.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã...
Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê |
Tiếp thu giải trình ý kiến góp ý thảo luận của các đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện nội dung để trình Quốc hội thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế.