Thời sự

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

Thành Duy - Phan Hậu 12/05/2025 13:45

Sáng 12/5, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó, nhiều nội dung ưu đãi thuế được điều chỉnh theo hướng khuyến khích đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ một số lĩnh vực đặc thù.

bna_z6592502954935_75ee2ee90de03b4b31a306138f7a8f57.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên làm việc. Ảnh: Nghĩa Đức

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết: Việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn, đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Một điểm mới đáng chú ý là quy định cho phép doanh nghiệp được trừ chi phí bổ sung, cao hơn mức thực tế chi, cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) khi xác định thu nhập chịu thuế. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo - các yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về mức chi, điều kiện và phạm vi áp dụng nhằm bảo đảm linh hoạt trong thực hiện.

bna_z6592512290669_219f4116c3c560dd6bfac2bf9cf4437a.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật. Ảnh: Nghĩa Đức

Cùng với đó, các khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển công nghệ cũng sẽ được tính là chi phí hợp lý khi tính thuế. Việc mở rộng diện ưu đãi này khuyến khích doanh nghiệp đồng hành với Nhà nước trong phát triển hạ tầng tri thức, hỗ trợ các hoạt động mang tính nền tảng cho phát triển bền vững.

Dự thảo Luật cũng điều chỉnh chính sách thuế đối với lĩnh vực báo chí, theo đó, áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% cho tất cả các loại hình, thay vì chỉ báo in như trước. Quy định này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số, đồng thời, tạo điều kiện để cơ quan báo chí ổn định tài chính, nâng cao chất lượng nội dung và phương thức truyền tải.

Đối với ngành công nghệ số, dự thảo bổ sung ưu đãi thuế nhằm phù hợp với định hướng phát triển ngành, đồng thời, đảm bảo thống nhất với Luật Công nghiệp công nghệ số đang được xây dựng. Việc này góp phần định hình hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong nước vươn lên mạnh mẽ.

Để khuyến khích mở rộng đầu tư, dự thảo vẫn giữ chính sách miễn, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm từ dự án đầu tư mở rộng, kể cả khi dự án chính đã hết thời gian ưu đãi. Tuy nhiên, các khoản này sẽ không được áp dụng thuế suất ưu đãi, nhằm đảm bảo tính minh bạch và tránh cách hiểu khác nhau.

Những điều chỉnh về ưu đãi thuế lần này không chỉ nhằm giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, mà còn thể hiện tư duy sử dụng chính sách thuế như công cụ hỗ trợ phát triển, khuyến khích đổi mới và góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập.

Sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình, nhiều đại biểu đã phát biểu thảo luận, tranh luận. Đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã tranh luận về một số nội dung liên quan đến chính sách thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, như: trường học và bệnh viện.

 nguyen-van-chi
Đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đoàn Nghệ An phát biểu tranh luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Theo đó, vị đại biểu đoàn Nghệ An đã cung cấp thêm một số thông tin để làm rõ cơ chế thu thuế hiện hành, nhằm tránh hiểu nhầm trong quá trình thảo luận chính sách. Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công lập như: học phí, viện phí. Các khoản thu này thường được thu qua biên lai, không phát hành hóa đơn và theo quy định, không được tính là doanh thu tính thuế.

Quoc-hoi 2
Quang cảnh phiên làm việc sáng 12/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, đối với các khoản thu từ hoạt động liên doanh, liên kết với bên ngoài, tức là ngoài phạm vi nhiệm vụ công lập, thì mới áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp, với mức thu 2% trên doanh thu từ hoạt động liên kết. Trong trường hợp này không áp dụng phương pháp tính thuế theo thu nhập trừ chi phí, mà chỉ tính trực tiếp trên doanh thu, không khấu trừ chi phí hay trích khấu hao. Chính vì vậy, ý kiến cho rằng, đang tính thuế theo phương pháp “thu nhập trừ chi phí” là chưa chính xác trong bối cảnh thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO