Quốc Vượng, Hoàng Thịnh và câu hỏi: Tiền vệ trụ - anh là ai ?

Châu Phú 17/04/2020 09:56

(Baonghean.vn) - SLNA qua các thời kỳ, không hiếm cầu thủ đa năng, các tiền vệ cánh xuất sắc nhưng không hiểu sao có rất ít các tiền vệ trụ nổi trội đúng nghĩa như Quốc Vượng hay Hoàng Thịnh.

Trong nhiều mùa giải qua, SLNA là đội bóng khá “mát tay” khi ký hợp đồng được với nhiều “viên ngọc thô” ở tất cả các tuyến, hình thành nên trục liên kết ổn định và mạnh mẽ, tạo xương sống vững chắc trong quá trình vận hành của đội bóng.

Vậy nhưng sau đó, do không đáp ứng được yêu cầu kinh phí, những cầu thủ ngoại này lần lượt chuyển sang đội bóng khác, nơi không chỉ có 3 suất ngoại binh mà còn có thêm suất ngoại binh nhập tịch. Trong đó phần lớn các đội bóng vốn đã mạnh lại trở nên mạnh hơn khi họ phân bố đều vị trí ngoại binh, nhất là một tiền vệ trụ càn quét, án ngữ trước hàng thủ và khỏe khoắn băng lên tấn công, như Câu lạc bộ Hà Nội mùa trước với Moses Oloya chẳng hạn?

HLV Phạm Anh Tuấn và trợ lý Lê Quốc Vượng được CĐV Hải Phòng yêu mến và đặt nhiều kỳ vọng. Ảnh: FBNV
Sau thời điểm “tậu” được Iddi Batambatze dũng mãnh ở tuyến giữa, SLNA hầu như chỉ quan tâm ký hợp đồng với một trung vệ và hai tiền đạo ngoại, càng “thô” càng tốt, vừa đá vừa trưởng thành (mùa sau, đội khác thường nhanh chóng “hốt” mất!). Tuyến giữa nặng nhọc vì thế vẫn phải “khoán” cho các cầu thủ nội, khi cần thì “quát” tiền đạo ngoại lùi về hỗ trợ kiểu như Michel Olaha thường thi đấu mấy mùa gần đây.

Trong khi đó, vốn là một lò đào tạo nổi tiếng, “biết khi mô cho cạn” tài năng, SLNA vẫn thường xuyên “xuất xưởng” những hậu vệ thép, những tiền vệ tài hoa và đặc biệt là những tiền đạo hàng đầu của bóng đá Việt. SLNA qua các thời kỳ, không hiếm cầu thủ đa năng, các tiền vệ cánh xuất sắc nhưng không hiểu sao có rất ít các tiền vệ trụ nổi trội đúng nghĩa như Quốc Vượng hay Hoàng Thịnh chẳng hạn?

Lê Quốc Vượng trong màu áo Đội tuyển Việt Nam. Ảnh: FBVN
Thời kỳ rực rỡ, đỉnh cao của Quốc Vượng, có thể thấy cầu thủ này chơi bao sân, có mặt đúng lúc ở mọi điểm nóng, đánh chặn hợp lý mà phát động tấn công cũng “hay mọi nhẽ”. Người viết còn nhớ câu khen tấm tắc của chính người SLNA trong một trận đấu trên sân Vinh thời “chảo lửa”: “Ông Vượng chạy bằng…hai ông Tây, bay tề”!

Điều đó giải thích một câu chuyện cũ là khi Trọng Hoàng còn thi đấu ở sân Vinh, cầu thủ này thường được bố trí rất nhiều “vai” tùy vào thực tế lực lượng và đối thủ! Hay như hiện tại, người ta cũng đã nói đến chuyện tới đây có thể kéo Xuân Mạnh từ tiền vệ cánh vào tiền vệ trụ, chưa kể trong đội hình U23 VN ngày nào, có thời điểm phải phòng ngự, ông Park Hang-seo còn đưa tiền vệ này vào chơi… trung vệ!

Tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh. Ảnh tư liệu Hải Hoàng
Thực tế cho thấy, trong một đội bóng không cần tất cả phải “đa năng” mà có lẽ chỉ vài ba người là đủ, còn lại phải “chuyên nghiệp” từng vị trí. Như vậy mới có “đỉnh cao”, mới có chuyên sâu. Hoặc qua thực tiễn thi đấu, trong con mắt chiến thuật của từng ông thầy, sẽ đi tới việc chọn “anh” thi đấu ở vị trí nào là phát huy tốt nhất năng lực, sở trường cho tập thể đội bóng. Câu chuyện Trọng Hoàng lâu nay được “cắm” ở vị trí hậu vệ phải của đội tuyển là một ví dụ rõ ràng.

Với vị trí tiền vệ trụ của SLNA, rõ là nếu không đào tạo được, hoặc còn phải chờ đợi, thì không còn cách nào khác là phải…có tiền, phải ký hợp đồng cầu thủ ngoại và chấp nhận “khuyết” một vị trí ngoại nào đó, tùy lực lượng nội hiện thời để tính toán.

Ngô Hoàng Thịnh. Ảnh: CLB TP.HCM
Rất dễ thấy là qua 2 trận đấu mở màn mới đây, các tiền đạo ngoại không “đè” được hàng thủ đối phương, tuyến giữa non sức mạnh và kinh nghiệm nên SLNA vô cùng bị động và lúng túng. Điều này chỉ khiến người hâm mộ nhớ Quốc Vượng, Hoàng Thịnh hay mong mỏi có một vị trí tiền vệ ngoại mạnh mẽ giúp các vệ tinh làm chủ khu vực trung tâm, giữ yên khung thành trước khi mở các mũi xuyên phá có thể.

Lẽ nào điều đó bây giờ là bất khả thi? Là câu hỏi chưa lời đáp: tiền vệ trụ - anh là ai?

Mới nhất
x
Quốc Vượng, Hoàng Thịnh và câu hỏi: Tiền vệ trụ - anh là ai ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO