"Quý bà" Myanmar và quyền lực của siêu bộ trưởng

03/04/2016 08:11

Nắm giữ đồng thời 4 vị trí cấp bộ trưởng và nhiều khả năng được bổ nhiệm làm cố vấn nhà nước, bà Aung San Suu Kyi được cho là có quyền lực như thủ tướng.

quy-ba-myanmar-va-quyen-luc-cua-sieu-bo-truong

Bà Aung San Suu Kyi thường được gọi là "Quý bà" Myanmar. Ảnh: Reuters

Đảng cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi ngày 31/3 đã có bước đi đầu tiên để chính thức hóa vị trí lãnh đạo đất nước của bà, đồng thời "lách" những quy định nghiêm ngặt của hiến pháp, vốn cấm chính trị gia này trở thành tổng thống.

Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà, sau khi chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, đã đệ trình lên Quốc hội Myanmar một đạo luật cho ra đời vị trí "cố vấn nhà nước" và bổ nhiệm bà vào cương vị này. Một số nhà phân tích đang so sánh chức vụ này với vị trí thủ tướng.

Theo tờ New York Times, vị trí cố vấn nhà nước sẽ giúp bà San Suu Kyi củng cố ảnh hưởng với cả nhánh hành pháp và lập pháp của Myanmar, vốn đã do các đồng minh của bà nắm giữ. Đồng thời, vị trí này cũng đánh dấu sự thăng tiến mạnh mẽ của người phụ nữ từng là tù nhân chính trị suốt 15 năm.

Hôm 30/3, bà đã tuyên thệ nhậm chức 4 vị trí cấp bộ trưởng, trong đó có cương vị bộ trưởng ngoại giao, và đồng thời là lãnh đạo phe đa số của NLD tại quốc hội. Hàng loạt chức vụ này khiến bà trở thành người quyền lực nhất trong chính phủ.

"Nếu bà Daw Suu trở thành cố vấn nhà nước, rõ ràng bà sẽ dẫn dắt cả chính phủ và quốc hội", U Yan Myo Thein, một nhà phân tích chính trị tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, nhận xét. Ông cho rằng vị trí cố vấn sẽ giúp bà có ảnh hưởng lên cả các cơ quan hành pháp và lập pháp.

quy-ba-myanmar-va-quyen-luc-cua-sieu-bo-truong-1

Hành trình đấu tranh vì dân chủ của 'Quý bà' Myanmar. (Click vào hình để xem cỡ lớn) Đồ họa: Tiến Thành - Phương Vũ

Hiến pháp Myanmar, do quân đội dự thảo, cấm bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống, do bà có con và chồng là công dân Anh.

Trong chiến dịch tranh cử, bà từng tuyên bố sẽ giữ vị thế "cao hơn" cả tổng thống, ít nhất cho đến khi bà đạt được mục tiêu sửa đổi hiến pháp Myanmar. Và đảng NLD của bà đã cho thấy cách thức họ hiện thực hóa mục tiêu đó.

Thượng viện Myanmar hôm 1/4 thông qua dự luật thiết lập vị trí cố vấn nhà nước. Dự luật sẽ còn chờ được hạ viện phê chuẩn, tuy nhiên, theo NYTimes, với việc NLD giữ thế đa số tại cả thượng và hạ viện, quyết định này nhiều khả năng được thông qua không mấy khó khăn.

Richard Horsey, một nhà phân tích chính trị, đồng thời là cựu quan chức Liên Hợp Quốc tại Yangon, cho rằng mục tiêu chính của việc tạo ra vị trí trên không phải để trao cho nhà lãnh đạo dân chủ thêm quyền lực, mà để giúp bà sử dụng quyền lực đã có một cách hiệu quả hơn.

"Theo tôi, điều quan trọng nhất là nó sẽ cho phép bà ấy gặp gỡ bất kỳ ai, và báo cáo lên cơ quan lập pháp. Điều này có nghĩa là bà ấy có thể cố vấn cho các chủ tịch (thượng viện và hạ viện) mà ít chịu rủi ro bị cáo buộc vi phạm những giới hạn nghiêm ngặt về phân chia quyền lực theo hiến pháp", ông Horsey nói.

Người điều phối

Tuy vậy, các thành viên của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) thân quân đội, từng nắm quyền trong thời gian dài, đã lên án bước đi này là hành động thâu tóm quyền lực.

"Có vẻ như bà ấy muốn nắm giữ nhiều vị trí nhất có thể", U Hla Swe, một cựu nghị sĩ của đảng USDP tuyên bố. "Bà ấy đang sử dụng cả tay, chân và răng của mình để nắm lấy các vị trí. Tôi muốn nói là bà ấy thèm khát quyền lực".

Theo ông Swe, với các quy định luật pháp hiện hành, vị trí chánh văn phòng tổng thống - một trong 4 chức vụ hàm bộ trưởng bà Aung San Suu Kyi nắm giữ - đã đủ để giúp bà tham gia vào mọi vấn đề trong chính phủ.

U Aung Kyi Nyunt, một thành viên của đảng NLD, người đã tham gia dự thảo đạo luật về chức vụ cố vấn nhà nước, thì mô tả vị trí nói trên như một "người điều phối giữa chính phủ và quốc hội".

Đồng minh lâu năm của bà Aung San Suu Kyi, ông U Htin Kyaw, hôm 30/3 đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống, và được xem như người thực thi những đường lối của nữ lãnh đạo. Ngoài cương vị ngoại trưởng và chánh văn phòng tổng thống, bà cũng nhậm chức bộ trưởng giáo dục, bộ trưởng điện lực và năng lượng.

Hiến pháp của Myanmar trao cho lãnh đạo các lực lượng vụ trang quyền bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng nội vụ và các vấn đề biên giới. Sự chia sẻ quyền lực này có nghĩa là đảng của bà Aung San Suu Kyi, NLD, sẽ phải bàn bạc với quân đội trong các vấn đề an ninh quốc gia, sắc tộc và các chính sách đối ngoại lớn.

Sau cuộc bầu cử tháng 11/2015, bà Aung San Suu Kyi từng thương lượng với quân đội để cố gắng dỡ bỏ rào cản hiến pháp, khiến bà không thể trở thành tổng thống nhưng không thành công. Việc kiểm soát 1/4 số ghế tại quốc hội là đủ để giúp quân đội bỏ phiếu ngăn chặn bất kỳ sửa đổi hiến pháp nào.

Ông Aung Kyi Nyunt tin rằng vị trí cố vấn sẽ giúp bà có thể bàn bạc với các lãnh đạo cao nhất tại quốc hội và chính phủ, về những vấn đề hệ trọng nhất Myanmar đang đối diện.

"Với vai trò cố vấn nhà nước, bà Aung San Suu Kyi có thể cố vấn cho chủ tịch lưỡng viện về các vấn đề quan trọng của đất nước, như hòa bình, dân chủ hóa và phát triển", ông Nyunt nói.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
"Quý bà" Myanmar và quyền lực của siêu bộ trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO