Quy định mới khiến bệnh viện và bệnh nhân nội tiết ở Nghệ An gặp khó
Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ sở y tế trong tỉnh đã gặp khó khăn trong việc khám, chữa bệnh nội tiết, đái tháo đường do sự thay đổi của các quy định pháp luật.
Vướng mắc từ quy định mới
Nếu như trước đây, bác sĩ có giấy phép hành nghề (chứng chỉ hành nghề) chuyên ngành nội khoa thì có thể khám, chữa bệnh nội tiết Bảo hiểm y tế thì bây giờ lại không được. Cơ sở y tế nào sử dụng bác sĩ nội khoa khám, điều trị nội tiết thì bị cơ quan Bảo hiểm xã hội tạm dừng thanh toán hoặc xuất toán... Điều đáng nói, số lượng bác sĩ có giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh nội tiết ở toàn tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Bệnh viện có 1 bác sĩ có giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh nội tiết, đái tháo đường. Tuy nhiên, theo quy định Thông tư 15/2018 của Bộ Y tế thì bác sĩ đó chỉ có thể khám tối đa 65 lượt bệnh nhân/ngày. Trong khi đó, mỗi ngày ở Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu có từ 100-120 bệnh nhân nội tiết, đái tháo đường đến khám, điều trị. Từ người thứ 66 trở đi thì người bệnh sẽ phải quay về hoặc phải chi trả thêm tiền khám do Bảo hiểm y tế chỉ chi trả 50%. Bệnh nhân muốn được khám, điều trị và hưởng bảo hiểm y tế như bình thường thì cần phải đi thật sớm".
Bác sĩ Lê Văn Hoàn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu
Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh hiện còn không có một bác sĩ nào sở hữu chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh nội tiết, đái tháo đường. Không thể từ chối bệnh nhân, nhiều cơ sở đành sử dụng bác sĩ có giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh nội khoa, đa khoa để khám cho bệnh nhân nội tiết, đái tháo đường... Những cơ sở này cho hay là đang bị cơ quan Bảo hiểm xã hội tạm dừng thanh toán, xuất toán đối với khám, chữa bệnh nội tiết, đái tháo đường.
Các bác sĩ cho biết: Theo Luật Khám, chữa bệnh năm 2023; Nghị định 96/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; các văn bản của Bộ Y tế thì bác sĩ hành nghề phải đúng chuyên khoa (được ghi trên giấy phép hành nghề/chứng chỉ hành nghề) mới được khám, chữa bệnh. Nếu như trước đây, bác sĩ nội khoa (học định hướng chuyên ngành nội tiết 3 tháng) có thể khám, chữa bệnh nội tiết thì bây giờ muốn khám, chữa bệnh nội tiết, đái tháo đường lại phải có giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh nội tiết.
Điều kiện để các bác sĩ bổ sung phạm vi hành nghề, cấp mới giấy phép hành nghề theo các quy định hiện nay là rất ngặt nghèo. Các bác sĩ phải học chuyên khoa 1 về chuyên ngành nội tiết (90% các cơ sở đào tạo hiện nay không mở chuyên ngành nội tiết); phải học lên thạc sĩ và có 12 tháng thực hành về chuyên ngành nội tiết. Nếu không học chuyên khoa 1, thạc sĩ thì với những người có chứng chỉ đào tạo định hướng chuyên khoa 6 tháng về nội tiết (kể từ năm 2019 trở về trước) và những người có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa cơ bản 9 tháng về nội tiết, cộng thêm thời gian thực hành 12 tháng... mới đủ điều kiện được cấp giấy phép hành nghề về chuyên khoa nội tiết.
Hiện nay, rất hiếm người đủ điều kiện được cấp giấy phép hành nghề về chuyên khoa nội tiết, kể cả tuyến cơ sở, tuyến huyện cho đến tuyến tỉnh, Trung ương. Quy định mới đã khiến các cơ sở y tế không thể xoay xở kịp. Để theo kịp quy định mới, ước tính, các cơ sở y tế phải mất trung bình tối thiểu 2 năm để cử các bác sĩ đi đào tạo 1 lần; mất từ 5-7 năm nếu cử bác sĩ đi đào tạo luân phiên... Như vậy, cơ sở y tế sẽ bị thiếu hụt nhân lực, không thể đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân".
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh
Cần giải quyết trên cơ sở quyền lợi người bệnh
Việc Bảo hiểm xã hội Nghệ An thực hiện tạm dừng thanh toán, xuất toán đối với cơ sở y tế sử dụng bác sĩ không đúng chuyên khoa khám, điều trị nội tiết là thực hiện theo các quy định của pháp luật và văn bản của Bộ Y tế.
Cụ thể, ngày 26/12/2023, Bộ Y tế đã có Công văn số 8193/BYT-KCB về việc vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong lĩnh vực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo nội dung của công văn thì “người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn đã đào tạo và có văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện kỹ thuật đó nhưng chưa đủ điều kiện để thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa đã được bổ sung kỹ thuật chuyên môn”.
Như vậy, những bác sĩ chưa được cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh nội tiết thì chỉ được thực hiện kỹ thuật của chuyên ngành này chứ không được khám bệnh, điều trị, nhận xét bệnh án, kê đơn nội tiết, đái tháo đường. Chuyên khoa nội tiết là khác với nội khoa nên phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề là khám, chữa bệnh nội khoa sẽ không được khám, chữa bệnh nội tiết, đái tháo đường.
Việc tạm dừng thanh toán, xuất toán đang nhận nhiều phản ứng từ các cơ sở khám, chữa bệnh. Vấn đề này đã được các cơ sở khám, chữa bệnh nêu lên tại hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm 2024 và hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện quy chế phối hợp thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 của Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội Nghệ An.
Theo dẫn luận của các cơ sở khám, chữa bệnh: Căn cứ vào Quyết định 3618/QĐ-BHXH ngày 12/12/2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về ban hành Quy trình giám định bảo hiểm y tế; Quyết định số 7603/QĐ-BYT ngày 25/12/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế thì khám bệnh nội tiết thuộc Khám bệnh Nội khoa. Căn cứ theo Công văn số 787/BYT-KCB ngày 02/02/2021 của Bộ Y tế cho thấy nội tiết thuộc lĩnh vực hệ nội.
Căn cứ vào thực tế công tác đào tạo sau đại học của các trường đại học y hiện nay thì "nội tiết" là một phân hệ của bộ môn nội khoa. Các văn bằng được cấp cho đào tạo sau đại học đối với cao học, chuyên khoa cấp 1, 2 là chuyên ngành nội khoa, không có chuyên ngành nội tiết riêng. Tại tuyến Trung ương như Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, hiện tại các bác sĩ cũng được cấp giấy phép hành nghề nội khoa và thực hiện khám, chữa bệnh nội tiết.
Các cơ sở khám, chữa bệnh đề nghị Bộ Y tế xem xét lại nội dung của Công văn 8193 để xác định cụ thể đối với bác sĩ được giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh nội khoa được khám, chữa bệnh đái tháo đường, tuyến giáp và các bệnh lý thuộc hệ nội tiết đã được đào tạo. Sở Y tế Nghệ An có văn bản cụ thể gửi Cục Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan. Bảo hiểm xã hội Nghệ An tạm thời không đưa nội dung này vào công tác giám định thanh, quyết toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị y tế trên địa bàn, tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh đái tháo đường, tuyến giáp và các bệnh lý nội tiết.
Được biết, sắp tới, liên ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội Nghệ An sẽ tiếp tục làm việc để xem xét các nội dung liên quan đến nội dung này. Vấn đề khúc mắc trong khám, chữa bệnh nội tiết cần sớm được giải quyết hợp pháp và trên cơ sở quyền lợi của người bệnh.
Năm 2020, theo thống kê, tỷ lệ mắc đái tháo đường toàn tỉnh chiếm 7,2% dân số. Năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 120.471 bệnh nhân tăng huyết áp và 33.230 bệnh nhân đái tháo đường được phát hiện mới trên địa bàn. Trong khi đó, việc điều trị các bệnh lý nội tiết, đái tháo đường cần được thực hiện ngay từ tuyến cơ sở.