Quy định mới về quyền hạn của Thanh tra Chính phủ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 9/10 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
Nghị định quy định Thanh tra Chính phủ là Cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống, tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Chính phủ gồm Trình Chính phủ Dự án luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết, nghị định của Chính phủ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Thanh tra Chính phủ đã được phê duyệt và các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
Thanh tra Chính phủ cho quyền ban hành Thông tư, Quyết định, Chỉ thị và các văn bản khác về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng...
Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố; thanh tra các vụ việc khác do Thủ tướng Chính phủ giao; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thanh tra phòng chống tham nhũng cùng một số nhiệm vụ khác.
Nghị định này thay thế Nghị định số 65/2008/NĐ- CP ngày 20/5/2008 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2012./.
(Theo TTXVN)-L.T