“Quy tắc 5 giờ” - bí quyết thành công của các tỷ phú
Từng dành nhiều năm tìm hiểu về các doanh nhân thành đạt và giàu có nhất thế giới, tác giả Michael Simmons đã phát hiện ra một hiện tượng mà ông gọi là “quy tắc 5 giờ” trong cách sống của họ.
Từ Elon Musk, Oprah Winfrey cho tới Bill Gates, Warren Buffett hay Mark Zuckerberg - cho dù có bận rộn tới đâu, họ cũng dành ít nhất 1 giờ/ngày (tức 5 giờ/tuần) cho những hoạt động học tập, rèn luyện.
Với các nhà lãnh đạo mà tác giả Michael Simmons theo dõi, quy tắc 5 giờ thường dành cho 3 hoạt động chính: đọc, suy ngẫm và thử nghiệm.
1. Đọc
Một bài báo rừng viết rằng nhà sáng lập hãng thời trang thể thao Nike – Phil Knight dành sự tôn kính đặc biệt cho thư viện của mình đến mức bạn phải cởi giày và cúi đầu khi vào đó.
Oprah Winfrey cũng thừa nhận những cuốn sách góp phần đáng kể vào nhiều thành công cho bà. “Sách đưa tôi đến với tự do cá nhân” – nữ hoàng truyền thông từng nói. Oprah cũng chia sẻ thói quen đọc sách của mình với thế giới bằng câu lạc bộ sách.
Dưới đây là những thông tin về thói quen đọc sách của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công:
Warren Buffett dành 5-6 tiếng/ ngày để đọc 5 tờ báo và 500 trang báo cáo doanh nghiệp.
Bill Gates đọc 50 cuốn sách trong 1 năm.
Mark Zuckerberg đọc ít nhất 1 cuốn sách trong 2 tuần.
Mark Cuban đọc hơn 3 giờ/ ngày.
Arthur Blank – đồng sáng lập Home Depot đọc 2 giờ/ ngày.
Tỷ phú David Rubenstein đọc 6 cuốn sách/ tuần.
2. Suy ngẫm
CEO của AOL – Tim Armstrong yêu cầu nhóm nhân viên cao cấp của mình phải dành 4 giờ/ tuần để suy nghĩ. CEO của LinkedIn – Jeff Weiner cũng dành 2 giờ suy nghĩ mỗi ngày. Brian Scudamore – nhà sáng lập công ty trị giá 250 triệu USD O2E Brands thì dành 10 giờ/ tuần chỉ để làm việc này.
Khi Reid Hoffman cần tư vấn ý tưởng, ông gọi cho những người bạn: Peter Thiel, Max Levchin hay Elon Musk. Khi tỷ phú Ray Dalio mắc sai lầm, ông đăng nhập vào hệ thống và công khai nó với tất cả các nhân viên trong công ty. Sau đó, ông dành thời gian với nhóm của mình để tìm ra nguyên nhân sâu xa.
Trong một cuộc phỏng vấn, tỷ phú Sara Blakely cho biết bà có hơn 20 cuốn sổ tay để ghi lại những điều khủng khiếp đã xảy ra với mình.
3. Thử nghiệm
Google có chính sách cho phép nhân viên dành 20% thời gian làm việc để thử nghiệm những dự án mới. Trong khi đó, Facebook thì khuyến khích thử nghiệm bằng chương trình Hack-A-Months.
Ví dụ lớn nhất về sự thử nghiệm có thể là Thomas Edison. Ngay cả khi là một thần đồng nhưng Edison vẫn tiếp cận với những phát minh mới bằng sự khiêm tốn. Ông vạch ra mọi giải pháp có thể, sau đó kiểm tra từng giải pháp một. Theo các nhà viết tiểu sử, “mặc dù ông hiểu các lý thuyết ở thời đại của mình nhưng ông thấy chúng vô dụng trong việc giải quyết các vấn đề chưa được biết đến”.
Ông thực hiện phương pháp của mình một cách cực đoan đến nỗi đối thủ của ông – Nikola Tesla cũng phải bình luận như thế này về việc “thử và sai” của ông: “Nếu Edison phải tìm một cái kim trong đống rơm, thì ông ấy sẽ không dừng lại để phán đoán xem nó có khả năng nằm ở đâu nhiều nhất, mà với sự cần mẫn của một con ong, ông ấy sẽ ngay lập tức kiểm tra từng sợi rơm một cho tới khi tìm được cái kim”.