Quyền dân chủ có bị ảnh hưởng?

12/08/2013 17:44

Theo Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức HĐND, UBND năm 2003 quy định, mỗi cấp chính quyền đều phải có tổ chức HĐND cùng cấp nhằm thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương và giám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước các cấp cũng như chính nghị quyết của HĐND ban hành.

(Baonghean) - Theo Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức HĐND, UBND năm 2003 quy định, mỗi cấp chính quyền đều phải có tổ chức HĐND cùng cấp nhằm thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương và giám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước các cấp cũng như chính nghị quyết của HĐND ban hành.

Hiến pháp cũng quy định quyền dân chủ của nhân dân theo hai hình thức, đó là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Nếu không có HĐND cấp huyện thì việc thực hiện quyền giám sát các cơ quan công quyền cùng cấp sẽ bỏ ngỏ vì việc thực hiện dân chủ trực tiếp của chúng ta chưa hoàn thiện, còn việc đổi mới cơ quan giám sát còn khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đô Lương nêu ý kiến: Nếu không tổ chức HĐND cấp huyện, chắc chắn có rất nhiều vấn đề sẽ không được đưa ra diễn đàn công khai, chỉ UBND biết với nhau, giống như việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nên khó giải quyết, đặc biệt là những vấn đề nổi cộm, bức xúc, tồn đọng, kéo dài đang đặt ra hiện nay như đất đai; đội ngũ cán bộ….

Tuy nhiên, lý do đi đến thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước thời gian qua là do hoạt động của HĐND cấp huyện không có chất lượng, phần nào còn hình thức. Điều này có căn nguyên và cơ sở của nó khi đội ngũ cán bộ làm công tác hội đồng ở cấp huyện chỉ vẻn vẹn 2 chuyên trách, gồm 1 phó chủ tịch và 1 ủy viên thường trực; còn vị chủ tịch thì kiêm nhiệm. Cơ quan tham mưu, phục vụ cho HĐND theo quy định là phải bố trí 2 người nhưng thực tế lại đang chung với cơ quan UBND cùng cấp, khi nào HĐND cần thì mới sang để làm, không có tính chuyên nghiệp. Mặt khác, kinh phí hoạt động, quỹ lương, phụ cấp, biên chế của HĐND đang đều chung với UBND - cơ quan chịu sự giám sát của HĐND là bất hợp lý, làm hạn chế sự độc lập của cơ quan HĐND, dẫn đến có hiện tượng bao che, né tránh.

Đại biểu HĐND còn nặng về cơ cấu, chất lượng chưa cao; các thành viên UBND còn khá nhiều trong HĐND; hoạt động chuyên trách còn quá ít, nhất là ở các ban của HĐND. Chính tất cả những điều nêu trên dẫn đến HĐND cấp huyện hoạt động có lúc, có nơi hình thức. Vì vậy vấn đề cốt lõi là phải tập trung củng cố, nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của HĐND một cách thực quyền hơn là thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện. Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Chủ tịch HĐND huyện Đô Lương, đề xuất: “Tại sao chúng ta không tiến hành song song việc thí điểm 2 mô hình, 1 bên là bỏ HĐND cấp huyện, 1 bên đầu tư và đảm bảo đầy đủ các điều kiện về con người, về cơ chế hoạt động, điều kiện đảm bảo cho HĐND cấp huyện phát huy tối đa vai trò, chức năng của mình, từ đó mới đánh giá khách quan việc duy trì hay không duy trì HĐND cấp huyện?

Việc duy trì hay không duy trì HĐND cấp huyện, các cấp có thẩm quyền cần phải có nghiên cứu, đánh giá từ thực tiễn, sớm đi đến khẳng định, quyết định, tránh việc thí điểm kéo dài, gây tâm lý không yên tâm trong đại biểu HĐND cấp huyện, làm giảm sút chất lượng hoạt động vốn không đáp ứng yêu cầu lại càng kém hơn.


Minh Chi

Quyền dân chủ có bị ảnh hưởng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO