Quyền lợi gắn với trách nhiệm

08/05/2014 21:49

(Baonghean) - Thực hiện Quyết định số 77/2012/QĐ - UBND ngày 19/12/2012 của UBND tỉnh, đến nay 480/480 xã, phường của 21 huyện, thành, thị trong tỉnh đã có cán bộ Dân số - KHHGĐ được tuyển dụng vào biên chế. Đây là tín hiệu mừng, nhưng cũng là một thách thức đòi hỏi đội ngũ này phải nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...

(Baonghean) - Thực hiện Quyết định số 77/2012/QĐ - UBND ngày 19/12/2012 của UBND tỉnh, đến nay 480/480 xã, phường của 21 huyện, thành, thị trong tỉnh đã có cán bộ Dân số - KHHGĐ được tuyển dụng vào biên chế. Đây là tín hiệu mừng, nhưng cũng là một thách thức đòi hỏi đội ngũ này phải nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...

Đã 41 tuổi nhưng 2 tháng nay chị Nguyễn Thị Thu Thủy, cán bộ chuyên trách dân số phường Hưng Bình (TP. Vinh) mới được nhận đồng lương của một cán bộ viên chức. Trước đó, dù đã có 11 năm làm cán bộ chuyên trách dân số và kiêm nhiệm thêm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ và là cử nhân Sư phạm ngành Toán – Tin nhưng tiền phụ cấp 1 tháng chưa đủ để chị nộp tiền bảo hiểm tự nguyện. Hiện tại, chẳng những chế độ được đảm bảo, chị cũng đã được chính quyền ưu tiên một phòng làm việc khang trang, có đầy đủ trang, thiết bị. Thời điểm này, chị còn phấn chấn bởi chiến dịch dân số vừa triển khai đợt 1 đã đem lại kết quả, riêng việc tổ chức ký cam kết của các gia đình về việc không sinh con thứ 3 ngỡ khó nhưng cũng đã đạt được trên 97%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 của phường, 4 tháng đầu năm so với thời điểm này năm ngoái đã giảm một nửa.

Truyền thông tư vấn SKSS-KHHGĐ qua tờ rơi cho các chị em trong độ tuổi sinh đẻ xã Diễn Ngọc - Diễn Châu. Ảnh: Thanh Hưng
Truyền thông tư vấn SKSS-KHHGĐ qua tờ rơi cho các chị em trong độ tuổi sinh đẻ xã Diễn Ngọc - Diễn Châu. Ảnh: Thanh Hưng

Nói về công việc của một cán bộ dân số, chị cho biết: Làm công tác dân số đâu chỉ chuyện “sinh đẻ”. Vừa tuyên truyền vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, vừa hướng dẫn, giám sát đội ngũ cộng tác viên, phối hợp với các ban, ngành để triển khai các chương trình. Ngoài ra, việc thu thập thông tin, nhập thông tin vào phần mềm cho 21.000 người dân trên địa bàn cũng là một công việc không nhỏ. Hơn nữa, đây là công việc đặc thù đòi hỏi nhiều kỹ năng như tuyên truyền, tập hợp số liệu, kiến thực chuyên môn về y tế... nhưng lại chưa có một trường lớp nào đào tạo về ngành dân số, mọi người đều phải mày mò tự học, tự làm quen…

Thành phố Vinh hiện có 25 phường, xã và 100% đơn vị đã có cán bộ chuyên trách dân số đã được xét tuyển vào viên chức. Với trình độ 1 thạc sỹ, 18 cao đẳng, đại học và 6 trung cấp, đội ngũ chuyên trách dân số của Thành phố Vinh được đánh giá là đồng đều cả về trình độ lẫn tuổi đời, kinh nghiệm công tác, trong đó người hoạt động lâu nhất trong nghề là 17 năm, 8 tháng. Tuy vậy, với ngành nghề đào tạo khá đa dạng, người thì học ngành Luật, người thì học Tài chính, ngươi thì học Lịch sử, người thì học Quản trị kinh doanh nên thật khó để điều hành công việc. Bên cạnh đó, địa bàn Thành phố Vinh vốn khó tiếp cận hơn các địa phương khác, công việc lại đòi hỏi người có kinh nghiệm, nhiệt tình, có khả năng tổ chức nên với những người trẻ ít nhiều gặp khó khăn. Một số xã, phường, cán bộ chuyên trách mới tuyển dụng, tuổi đời còn trẻ, chưa có gia đình nên còn ngại ngùng khi bàn đến các vấn đề riêng tư, nhất là những kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Đấy là chưa kể một số người hiện vẫn đang kiêm nhiệm một số nhiệm vụ khác khi chưa hết nhiệm kỳ, thế nên để toàn tâm cho công việc cũng có những hạn chế.

Trước thực tế này, bà Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Vinh đưa ra giải pháp: Hàng tháng chúng tôi giao nhiệm vụ cho từng phường, xã và có đánh giá xếp loại thường xuyên. Hai năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ sẽ xem xét không bố trí công tác. Bên cạnh đó, để kịp thời bổ sung những kỹ năng cần thiết cho đội ngũ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên, hàng năm trung tâm đều tổ chức các lớp tập huấn để cập nhật các văn bản mới hoặc những kiến thức cần thiết trong quá trình hoạt động.

Nói về đội ngũ làm công tác dân số của huyện Tân Kỳ, ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số cho rằng, dù 22/22 xã, thị trấn của huyện đã có cán bộ chuyên trách nhưng để đáp ứng được 3 chức năng chính của ngành là: tuyên truyền vận động truyền thông, tuyên truyền việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và làm các dịch vụ kỹ thuật chuyên môn thì hiện tại chẳng những cán bộ chuyên trách cấp xã mà ngay cả cán bộ dân số của Trung tâm Dân số huyện cũng chưa đáp ứng được. Về phía huyện, việc quản lý đội ngũ chuyên trách cũng đang có sự bất cập, bởi hiện tại tuy cán bộ chuyên trách là người của ngành Dân số nhưng một người đang “ba chốn, bốn phương”. Về quy định, sau khi được tuyển vào viên chức họ sẽ làm việc tại trụ sở UBND xã, nhưng nếu theo Thông tư 05 của Bộ Y tế thì viên chức dân số lại thuộc quản lý của ngành Y tế nên nơi làm việc của cán bộ chuyên trách chưa thống nhất, người thì làm việc ở trạm y tế, người làm việc ở xã. Trung tâm trả lương nhưng cán bộ lại làm việc ở cơ sở nên khó quản lý, khó xếp loại, đánh giá. Cách quản lý thông thường như lâu nay một tháng giao ban một lần chưa đem lại hiệu quả…

Nghệ An là tỉnh đi đầu cả nước trong việc bố trí cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã, phường, thị trấn. Qua hai lần thi tuyển, đến nay 480/480 xã, phường, thị trấn đã có cán bộ chuyên trách dân số được tuyển dụng vào viên chức. 480 cán bộ chuyên trách đều đạt chuẩn theo yêu cầu, trong đó 2 người có trình độ thạc sỹ, 89 người tốt nghiệp đại học, 50 người hệ cao đẳng và 339 người có trình độ trung cấp. Về chuyên ngành đào tạo có 126 chuyên ngành y, 142 chuyên ngành khoa học, xã hội, 125 người chuyên ngành kinh tế và 87 người thuộc các chuyên ngành khác. Có thể khẳng định, việc các cán bộ chuyên trách được xét tuyển vào viên chức đã đem lại những hiệu quả ban đầu. Đặc biệt là trong năm 2013, lần đầu tiên sau nhiều năm, cả hai chỉ số quan trọng là tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn toàn tỉnh giảm. Thành công đó, có đóng góp không nhỏ của những cán bộ chuyên trách say mê, nhiệt tình, tâm huyết.

Tuy vậy, trên thực tế đội ngũ làm cán bộ chuyên trách trình độ chuyên môn còn những hạn chế, trong đó số người có bằng đại học chưa cao, số người có ngành học khác biệt với ngành Dân số còn khá nhiều. Do đặc thù của ngành Dân số chưa có chuyên ngành đào tạo riêng nên cũng ảnh hưởng khá nhiều đến công tác của cán bộ chuyên trách. Vì thế, người nào chưa thực sự chuyên tâm, trách nhiệm thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ.

Đứng trước thực tế này, thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã phối hợp với Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân mở lớp ngắn hạn cho đội ngũ chuyên trách nhằm đảm bảo chuẩn viên chức theo quy định. Sau 3 tháng theo học, các viên chức dân số đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để làm công tác dân số. Tuy vậy, số người được đào tạo mới chỉ đạt 50%. Ngoài ra, tuy bộ máy đã ổn định nhưng ở cơ sở việc quản lý hoạt động đội ngũ chuyên trách vẫn còn lúng túng, vướng mắc, vì vậy nên sớm có một văn bản quy chế quản lý hoạt động thống nhất. Đồng thời, phải xác định lại nhiệm vụ của đội ngũ chuyên trách bởi “quyền lợi phải gắn với nhiệm vụ”, có cơ chế khen, chê rõ ràng, không đánh giá chung chung để các chuyên trách dân số nâng cao trách nhiệm của mình trong công việc. Về phía ngành, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Phòng Tổ chức - Tổng hợp, hành chính, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Hiện Chi cục đã xây dựng bộ quy chế của ngành để đánh giá cán bộ chuyên trách. Những người lơ là, không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm sẽ bị xem xét để chấm dứt công tác. Những người đang còn kiêm nhiệm cũng sẽ sớm bàn giao công việc để chuyên tâm vào nhiệm vụ chuyên môn, tránh tình trạng một người ôm nhiều công việc như hiện nay.

Mỹ Hà

Mới nhất
x
Quyền lợi gắn với trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO