Quyết liệt xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm

16/09/2013 19:57

(Baonghean) - Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng hơn 35.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 8 khu công nghiệp (KCN), 9 cụm công nghiệp (CCN). Dù phát triển chưa xứng tiềm năng nhưng sản xuất công nghiệp đang đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, chiếm gần 32% tỷ trọng kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng bàn là, sản xuất công nghiệp đang thiếu tính bền vững do những hệ lụy về môi trường mà nó mang lại.

Vi phạm tràn lan

Ở không ít địa phương, ngành khai thác, chế biến khoáng sản đang trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước sông, suối. Không chỉ ở loại hình khai thác “thổ phỉ”, mà có không ít dự án được cấp phép đều chưa có hồ lắng hoặc có hồ lắng nhưng không đủ tiêu chuẩn về kích thước để thu gom nước thải và nạo vét chất thải lắng cặn. Điển hình là tại huyện Quỳ Hợp các mỏ khai thác khoáng sản để nguồn nước thải tràn ra ngoài, lấp phần đất canh tác, vườn tược, nhà cửa của người dân ở một số xã Châu Thành, Châu Hồng...; sông Nậm Tôn, sông Dinh từng xuất hiện những dòng nước đỏ quạch do nước thải từ các mỏ khai thác khoáng sản xả ra.

Tương tự, trong hoạt động chế biến đá, nước thải từ hoạt động cưa, xẻ, mài đá ốp lát, đá mỹ nghệ chưa qua xử lý chảy thẳng ra ngoài môi trường, sông, suối như ở doanh nghiệp An Sơn, CCN Châu Quang (Quỳ Hợp). Ở ngành sản xuất xi măng, hiện tại Nhà máy xi măng dầu khí 12/9 vẫn đang sử dụng công nghệ sản xuất lò đứng, lại sát vách núi, khu dân cư, Quốc lộ 7, khi có gió tạo ra từng làn bụi khói rất lớn. Đây là những cơ sở được đưa vào danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn trong năm 2012.



Sản xuất, chế biến phôi thép thủ công ở CCN Diễn Hồng
gây tác động xấu đến môi trường.

Còn ở ngành sản xuất bia rượu, dù ở 3 nhà máy bia Hà Nội (KCN Nam Cấm), nhà máy bia Sài Gòn – Sông Lam, nhà máy bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh đều có hệ thống thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, nhưng có lúc vẫn để xảy ra sự cố hoặc việc tồn tại 2 hệ thống xả thải trong một nhà máy để đối phó với cơ quan chức năng, cố tình xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường vào ban đêm hay lúc trời mưa.

Ở lĩnh vực sản xuất mía đường, Nhà máy đường Sông Lam (Anh Sơn) có thời điểm lấy mẫu chất lượng nước công nghiệp vượt quy chuẩn và bị xử lý hành chính. Về ngành công nghiệp giấy và chế biến dột dăm ngay từ nguyên liệu đầu vào bột dăm, tre, nứa, giấy các loại... đã có yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt trong quá trình tái chế, sản xuất ở Nghệ An với giấy krap là chủ yếu với lượng hóa chất, nước thải, chất thải rắn rất lớn cũng tác động xấu đến môi trường. Ở một số cơ sở chế biến dăm gỗ ở KCN Nam Cấm, Quỳnh Thiện (Quỳnh Lưu) tình trạng không có mái che nguyên liệu, khi mưa xuống các chất hữu cơ khó phân hủy trong thân gỗ chảy trực tiếp ra môi trường, gây hôi thối khó chịu như ở Nhà máy giấy An Châu, Nhà máy chế biến gỗ nhân tạo Tân Việt Trung...

Trong ngành công nghiệp chế biến thủy, hải sản, thực tiễn không khó điểm tên các điểm gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến này như Nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh Hải An (KCN Nam Cấm), nhà máy chế biến bột cá ở Diễn Ngọc (Diễn Châu)...

Kết quả thanh, kiểm tra của Sở TN – MT chỉ ra một thực tế đáng báo động, đa phần các cơ sở đều vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Đợt kiểm tra vào cuối năm 2012 tại KCN Bắc Vinh có 9/10 cơ sở vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT với 7 doanh nghiệp, chuyển cấp có thẩm quyền xử phạt và yêu cầu các cơ sở khắc phục các tồn tại.



Nước thải từ các cơ sở sản xuất trong KCN Bắc Vinh
đang thải trực tiếp ra môi trường.

Năm 2013, Sở Tài nguyên – Môi trường cũng đã thành lập đoàn kiểm tra ở 24 cơ sở sản xuất đủ các loại hình như khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến hải sản, thủy điện, chế biến nông sản... tại các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Quế Phong, Đô Lương thì hầu hết các cơ sở đều vi phạm, chủ yếu là chưa thực hiện giấy phép khai thác và sử dụng nước; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; chưa báo cáo tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại... Điều đáng nói là trong 24 cơ sở có 7 cơ sở đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, 11 cơ sở lập bản cam kết BVMT, 4 cơ sở lập bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, 2 cơ sở lập đề án BVMT nhưng vẫn vi phạm.

Trước thực trạng trên, ông Hồ Sỹ Dũng – Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường lý giải nguyên nhân: Xét về hồ sơ hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp trước khi đi vào hoạt động đều có các báo cáo đánh giá tác động môi trường hay bản cam kết BVMT. Nhưng trong thực tế, tình trạng các doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc còn phổ biến.

Bên cạnh đó, năng lực của các cán bộ môi trường cấp huyện còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong thực tiễn. Cơ sở hạ tầng của các KCN, CNN chưa đồng bộ, chưa có hệ thống xử lý rác, nước thải tập trung khi kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Vì vậy, tại các KCN, nước thải mới chỉ được xử lý sơ cấp tại từng nhà máy, xí nghiệp, sau đó được thải thẳng ra môi trường gây ô nhiễm.

Cần có giải pháp tổng thể, lâu dài

Tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở công nghiệp gây ra đang trực tiếp tác động đến đời sống dân sinh, ảnh hưởng sức khỏe người lao động trong các nhà máy. Không khó để tìm thấy những địa điểm người dân quanh khu vực ô nhiễm phải gánh chịu thiệt hại như sản xuất bấp bênh, thậm chí là bỏ ruộng hoang vì bị ảnh hưởng. Đó là tình trạng gây ô nhiễm từ Công ty bao bì Sabeco biến hàng chục héc ta canh tác ở xã Hưng Đông (Tp Vinh) bị bỏ hoang trong mấy năm nay. Hay ở xã Nghi Quang (Nghi Lộc), nước thải từ KCN Nam Cấm cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và một số diện tích sản xuất nông nghiệp phải bỏ hoang từ năm 2012, hơn 30 ha nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân 3 xã Nghi Quang, Nghi Xá và Nghi Hợp bị ảnh hưởng nặng nề.

Còn với chính cơ sở sản xuất dễ bị gián đoạn khi để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường bị các cơ quan chức năng yêu cầu phải xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân... Đã có nhiều bài học từ Trại lợn giống ngoại Thái Dương (Đô Lương), Nhà máy sắn Thanh Chương, Công ty Minh Thái Sơn (KCN Nam Cấm)... Theo ông Chu Trọng Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì, công nhân lao động trong các cơ sở không đảm bảo môi trường rất dễ mắc bệnh nghề nghiệp. “Tùy vào từng ngành nghề có những hóa chất riêng từ chế phẩm, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra, quy trình, dây chuyền sản xuất, môi trường lao động... đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu ở nồng độ cao thì nhiễm độc cấp tính và nếu tiếp xúc thường xuyên trở thành nhiễm độc mãn tính nếu thường xuyên tiếp xúc, dẫn đến cuối cùng là bệnh nghề nghiệp như bụi phổi silic, bụi amiăng...”, ông Trang cho biết.

Trước những hệ quả đáng báo động trên, vấn đề đặt ra phải làm gì để phát triển công nghiệp một cách bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường? Trao đổi với chúng tôi, dưới góc độ người làm công tác quản lý thu hút đầu tư, ông Nguyễn Huy Cương – Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: “Chúng ta không nên thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải có chọn lọc những dự án trọng điểm quy mô lớn, công nghệ cao và hiện đại, có giá trị kinh tế lớn, ít tác động đến môi trường. Song song với đó cần quan tâm phát triển công nghiệp phụ trợ. Cùng với đó, tỉnh cũng cần thể hiện rõ quan điểm, thái độ quyết liệt loại bỏ một số dự án gây ô nhiễm môi trường lâu dài mà không khắc phục; từng bước đầu tư hệ thống xử lý chất thải tại các KCN, CCN hiện có. Mặt khác cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có dây chuyền, công nghệ lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún chuyển đổi mục đích sản xuất, kinh doanh sang ngành nghề ít tác động đến môi trường”.

Còn dưới góc độ quản lý nhà nước trên lĩnh vực môi trường, ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở TN & MT cho biết: Trước hết, doanh nghiệp phải có ý thức tự giác hành động vì sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp gắn với trách nhiệm cộng đồng xã hội. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về môi trường; thẩm định, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường khi đã phát hiện theo phân cấp quản lý; giải quyết các tồn tại vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cho các huyện, thành, thị; tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục đưa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào các KCN, CCN hiện có để dễ quản lý về công tác BVMT.

Ngoài các yếu tố nêu trên thì vấn đề ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp đóng một vai trò quyết định. Bởi, hầu hết do vấn đề nguồn vốn, quá coi trọng lợi nhuận mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết BVMT đã cam kết. Có đơn vị chấp nhận xử phạt nhiều lần bởi chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp còn thấp rất nhiều lần so với yêu cầu chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra xử lý môi trường. Do vậy, bên cạnh cần thận trọng thẩm định đối với những dự án đăng ký đầu tư ở góc độ môi trường, thì cần xử lý nghiêm những doanh nghiệp, những cơ sở sản xuất đang hàng ngày hàng giờ không chấp hành các quy định BVMT, xả thải gây ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội.


Mai Hoa

Mới nhất
x
Quyết liệt xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO