Quyết tâm nối lại 'mối duyên' với cây xóa nghèo tại vùng biên xứ Nghệ
(Baonghean.vn) - Từng là cây trồng dẫn đầu trong việc mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con các huyện vùng biên như Quế Phong, Tương Dương, song đến nay, diện tích chanh leo ngày càng sụt giảm. Các huyện biên giới cũng đang tích cực tìm hướng để phục hồi cây trồng này.
Lãi hơn 100 triệu đồng/ha... thời "hoàng kim"
Năm 2017, bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai được huyện Tương Dương lựa chọn để thí điểm trồng chanh leo. Sau khi vận động người dân triển khai mô hình, trong đó, cán bộ thôn, bản xung phong đi đầu đưa loài cây mới vào trồng trên đất của gia đình, trong đó có Bí thư và Trưởng bản Huồi Cọ, vụ đầu tiên cả bản Huồi Cọ đạt sản lượng hơn 40 tấn chanh leo. Một năm, người trồng chanh leo ở bản Huồi Cọ thu 1 – 2 vụ, cho thu nhập hàng chục triệu đồng, đưa chanh leo trở thành "cây xóa nghèo" cho nhiều hộ gia đình ở xã Nhôn Mai.
Chanh leo từng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng biên. Ảnh: Quang An |
Còn ở huyện Quế Phong, cây chanh leo được đưa vào trồng khoảng 15 năm trước, do lần đầu tiên “bén duyên”, cây thích ứng nhanh với khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển nhanh, năng suất cao.
Anh Vi Văn Sơn - một trong những hộ có diện tích trồng chanh leo lớn nhất xã Tri Lễ nhớ lại: “Giai đoạn 2014-2018 là thời điểm phát triển mạnh nhất của cây chanh leo, năng suất có thể đạt đến 30 – 40 tấn/ha, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, bà con có lãi từ 100 – 150 triệu đồng/ha. Chưa có cây trồng nào trên địa bàn cho thu nhập cao đến thế, từ đó, nhà nhà đua nhau trồng chanh leo…”.
Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ chia sẻ: Giai đoạn cao điểm khoảng 7 - 8 năm về trước, toàn xã có hơn 300 ha chanh leo, phân bổ đều các bản, cây chanh leo thời điểm đó có rất nhiều ưu điểm như được hỗ trợ giống, thích nghi với khí hậu, đầu ra đảm bảo do có công ty thu mua. Bà con thu hoạch đến đâu sẽ phân loại theo tiêu chí và công ty bao tiêu toàn bộ. Nhiều hộ dân xây dựng được nhà, mua xe máy, cho con cái học hành cũng nhờ chanh leo...
Quyết tâm "se duyên" lại với chanh leo
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của gần 1 thập kỷ trước, thời điểm vàng son của chanh leo trên đất Quế Phong, Tương Dương, kể cả ở Kỳ Sơn. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, diện tích chanh leo trên địa bàn tỉnh ngày càng bị thu hẹp.
Trưởng bản Huồi Cọ, ông Và Khua Đớ bày tỏ, nếu trước đây có hàng chục ha, thì đến tháng 5/2023, trên đất Huồi Cọ đã không còn cây chanh leo nào. Bởi loài cây này rất khó trồng, lại nhanh bị thoái hóa, sâu bệnh; chỉ trồng được khoảng 2 năm sẽ bị giảm năng suất, cây chết dần, thậm chí trồng lại cũng không hiệu quả.
Mặc dù vậy, nhiều diện tích chanh leo hiện nay đã bị xóa bỏ, bỏ hoang hoặc trồng sắn, đu đủ... Ảnh: Quang An |
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương Lô Khăm Kha cho biết: Cao điểm, toàn huyện có khoảng 100 ha chanh leo, tuy nhiên, đến nay chỉ trồng rải rác với quy mô nhỏ ở một số địa phương. Nguyên nhân là do sâu bệnh cũng như đầu ra không còn đảm bảo như trước.
Do đã chứng minh được hiệu quả kinh tế nên huyện cũng đang có định hướng sẽ phục hồi lại giống cây này. Tuy nhiên, trước mắt sẽ để cho đất trồng chanh leo được nghỉ ngơi, góp phần triệt tiêu mầm bệnh. Sau đó sẽ đưa giống về trồng lại khu vực xã Nhôn Mai với diện tích ước khoảng 25 - 30 ha, nghiên cứu mở rộng nếu phát huy hiệu quả.
Sâu bệnh và đầu ra gặp khó là 2 nguyên nhân chính khiến chanh leo không còn giữ được vị thế. Ảnh: Hoài Thu |
Còn ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (Quế Phong) cho biết: Địa phương được huyện quy hoạch hơn 50% diện tích chanh leo toàn huyện. Tuy nhiên, những năm qua, người dân phá bỏ nhiều, nay chỉ còn xấp xỉ 10 ha, trồng lẻ tẻ ở một số hộ. Nguyên nhân là do chanh leo bị nhiễm sâu bệnh, giảm năng suất, đầu ra kém nên người dân không còn mặn mà. Một số diện tích chuyển sang trồng sắn, mía, đu đủ… còn lại bỏ hoang.
Trước tình hình đó, huyện Quế Phong đang nỗ lực thực hiện các phương án để có thể khôi phục lại cây chanh leo. Theo Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện vẫn đưa vào duy trì sản xuất cây chanh leo từ 250 - 300 ha, do đây là cây trồng vẫn được huyện Quế Phong chú trọng phát triển vì đã chứng minh được thu nhập, có khả năng xóa đói, giảm nghèo cho bà con vùng cao.
Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Định hướng nhất quán của huyện vẫn là tìm phương án để khôi phục cây chanh leo dù sẽ rất khó khăn. Trong đó, chú trọng vào 3 nhóm giải pháp chính: làm công tác tư tưởng với người dân, biện pháp kỹ thuật và nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho nông sản.
Chanh leo cần có biện pháp giảm sâu bệnh để duy trì năng suất cao. Ảnh: Hoài Thu |
Nguyên nhân khiến chanh leo bị giảm năng suất, chất lượng chủ yếu là do sâu bệnh, nấm và vi-rút phát triển quá nhanh. Trong khi sâu bệnh và nấm có thể phòng trừ bằng thuốc thì loại vi-rút phát triển trên cây chanh leo hiện chưa có thuốc đặc trị. Do đó, huyện Quế Phong đang tiến hành lấy mẫu gửi Sở Khoa học và Công nghệ và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam để có thể nghiên cứu, tìm được phương án trong thời gian sớm nhất để có thể yên tâm trồng lại chanh leo.
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo lực lượng chức năng, các địa phương có diện tích trồng chanh leo trong quy hoạch làm công tác tư tưởng, động viên bà con trồng lại chanh leo vào thời điểm thích hợp, những diện tích đang để hoang hay luân canh sang cây trồng khác cần tích cực cải tạo, đồng thời, sẽ có những phương án hỗ trợ về vật tư, phân bón… để bà con yên tâm trồng lại chanh leo.
Phương án cuối cùng cũng là quan trọng nhất để khôi phục cây chanh leo là đầu ra phải được đảm bảo. Những năm qua, kênh tiêu thụ chính của chanh leo trên địa bàn là do Công ty CP Nafoods thu mua. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc bao tiêu sản phẩm cho bà con của công ty này không diễn ra đều như trước, giá cả cũng bấp bênh, người dân không duy trì được thu nhập. Do đó, huyện đang có kế hoạch làm việc, trao đổi với nhà máy để thống nhất các giải pháp đảm bảo đầu ra cho cây chanh leo, từ đó bà con mới có động lực nối duyên lại với giống cây này.