Quỳnh Lưu: Dứa thối nõn, người trồng gặp khó

12/03/2014 16:43

(Baonghean) - Từ khi tỉnh ta có chủ trương phát triển vùng dứa nguyên liệu phục vụ cho nhà máy nước dứa cô đặc xuất khẩu Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), nhiều hộ dân nghèo nhờ trồng dứa đã vươn lên khá giả.

Vùng nguyên liệu dứa huyện Quỳnh Lưu có thời điểm len đến hơn 2.000 ha. Nhưng hiện nay nhà máy đã đổi hướng sang chế biến các mặt hàng chính từ chanh leo, gấc, bí đao, vải và chỉ sản xuất một ít dứa cho dây chuyền dứa miếng đông lạnh, khiến vùng nguyên liệu dứa hẹp dần. Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: Diện tích dứa trên toàn huyện chỉ còn trên 400 ha, trong đó diện tích dứa đứng là trên dưới 150 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu và Tổng đội Thanh niên xung phong; trong đó dứa quả cung cấp cho Nhà máy dứa Quỳnh Châu chỉ một phần nhỏ, còn lại chủ yếu bán cho tư thương ngoài tỉnh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2013 đến đầu 2014, vùng nguyên liệu dứa nói trên bị bệnh thối nõn, cây quả héo rũ hàng loạt. Người dân đang tìm cách cứu chữa nhưng chưa có kết quả, gây thiệt hại không nhỏ .

Dứa của anh Hồ Văn Nam bị thối nõn.
Dứa của anh Hồ Văn Nam bị thối nõn.

Tại xã Tân Thắng, ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch xã cho biết: Hiện nay toàn xã đang trồng 210 ha, nhưng dứa bị bệnh thối nõn đã lên tới hơn 50 ha. Ở xóm 2/9 các ông Nguyễn Đăng Tuyên, Nguyễn Văn Kiều, Trần Thanh Chung, mỗi hộ trồng hơn 3 ha đều bị thiệt hại nặng, có lô thì mất trắng. Tân Thắng là xã nghèo thuộc Chương trình 135 nên cũng chưa có khoản hỗ trợ nào cho họ. Còn ở xã Quỳnh Thắng, theo ông Bùi Văn Tiến - Chủ tịch xã thì địa phương có 200 hộ trồng dứa diện tích gần 120 ha, hiện bệnh thối nõn cũng đã gây hại trên 40% diện tích.

Tại Tổng đội Thanh niên xung phong Quỳnh Lưu, anh Vũ Đức Hạnh, cán bộ kỹ thuật của Tổng đội cho biết: Bệnh thối nõn trên dứa là bệnh nguy hiểm do vi khuẩn Pseudomonas amanas Bergey gây ra. Bệnh bắt đầu từ tim hoa thị của cây, nguồn bệnh vào nõn cây có thể do nguồn nước chảy tràn, nước mưa bắn đất vào trong nõn mang theo nguồn vi sinh vật gây bệnh. Khi cây nhiễm bệnh thì màu sắc biến đổi từ xanh sang xanh xỉn, xanh vàng, đầu lá xám héo. Khi có tác động lực rất nhẹ cũng có thể khiến lá tách ra khỏi cây dễ dàng. Cây bị bệnh thấp dần xuống do các chân lá nõn bị thối, rã dần ra. Giữa mô bệnh và mô khỏe có đường viền màu nâu nổi rõ. Những cây mang quả bị bệnh, cuống quả bị thối, quả gầy. Đỉnh sinh trưởng của thân cũng bị thối nhũn ướt màu trắng bẩn.

Hỏi về thời gian thường xuất hiện bệnh và cách phòng trừ, anh Hạnh cho biết: Ở vùng này, hằng năm bệnh bắt đầu xuất hiện vào cuối mùa mưa năm trước và bệnh nặng vào tháng 1 đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Chúng phát triển nhanh trong điều kiện nhiệt độ từ 15 - 220C, có mưa phùn sương mù như vừa qua. Chúng còn phát triển nhanh ở những thửa bón phân không cân đối, nhất là bón nhiều phân đạm. Nguồn bệnh có thể lưu truyền trên đất dứa đã bị trước đó. Để phòng trừ, đầu vụ đông xuân dùng thuốc Aliette 80 Wp nồng độ 4 phần nghìn, liều lượng 4kg/ha. Phun 2 lần vào giữa vụ với liều lượng đó. Thuốc ngoài tác dụng phòng trừ bệnh còn có tác dụng kích thích cây sinh trưởng. Nhưng thuốc này rất đắt, và điểm yếu của nó là chỉ có tác dụng phòng bệnh cho các cây quanh vùng nhiễm, còn những cây đã bị bệnh thì vô phương cứu chữa. Vợ chồng anh Hồ Văn Nam, chị Hoàng Thị Nga ở xóm 6 buồn bã: “Tổ 6 của chúng tôi có 25 hộ trồng dứa, thì tất cả diện tích dứa đều bị bệnh thối nõn. Nhẹ cũng 30 - 40% diện tích. Nhà tôi trồng 3 ha, thì có hơn 1 ha mất trắng, thiệt hại ước tính lên tới 150 triệu đồng. Dứa trồng đã đạt tới 5 - 6 lượng/ quả, nhưng giờ đành phải xử lý”. Làm việc với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Nhà máy dứa Quỳnh Lưu, ông cho hay: “Thông tin về việc dứa bị thối nõn công ty cũng đã biết. Thời gian tới công ty sẽ cố gắng chia sẻ sự khó khăn với bà con”.

Vùng trồng dứa nguyên liệu của tỉnh không chỉ đang ngày một thu hẹp thấy rõ, mà đời sống của người trồng dứa còn lại cũng thiếu ổn định, đặc biệt khi dứa phát sinh bệnh thối nõn. Hiện nay Phòng Nông nghiệp - PTNT Quỳnh Lưu cũng chưa có giải pháp phòng trị nào cho vùng dứa. Tìm hiểu được biết: Bệnh thối nõn ở dứa thường gây hại nặng ở những khu ruộng trũng hoặc hợp tủy dưới chân đồi; những vườn dứa bón phân không cân đối, đặc biệt là bón quá nhiều đạm rất dễ bị nhiễm bệnh. Trong các giống dứa thương mại thì giống Na hoa mẫn cảm nhất rồi đến giống Cayenne, cuối cùng là dứa hoa Phú Thọ có tỷ lệ nhiễm bệnh ở mức độ trung bình.

Để phòng trừ bệnh thối nõn dứa, bà con trồng dứa cần chọn chồi giống khỏe mạnh, đồng đều trên các vườn dứa còn xanh tốt không có triệu chứng nhiễm bệnh. Trước khi trồng cần xử lý chồi giống bằng cách nhúng gốc chồi vào dung dịch thuốc Aliette 80WP nồng độ 0,2% và Phosacide 200 nồng độ 4% hay Agri-fos 400 nồng độ 1% trong 5 phút có tác dụng phòng trừ bệnh thối nõn dứa tốt trong 6 tháng đầu sau khi trồng. Thời vụ trồng, nên có lịch rải vụ thích hợp nhằm đảm bảo lịch thu hái và tránh được phần nào sự gây hại của bệnh. Sau khi hết chu kỳ, trước khi trồng lại dứa, đất cần được cải tạo, luân canh với các cây trồng khác, đặc biệt là với một số cây họ đậu sẽ có tác dụng cách ly và hạn chế nguồn bệnh tồn lưu trong tàn dư cây dứa và trong đất. Bón đủ lượng phân và bón đúng thời hạn theo quy trình. Đặc biệt nên dùng phân lân chứa MgO - là hợp chất rất cần thiết cho cây dứa sinh trưởng và phát triển, có khả năng kháng bệnh thối nõn rất cao. Đầu vụ đông xuân, khi bệnh có hiện tượng phát sinh, phun Aliette 80WP nồng độ 4 phần nghìn, liều lượng 4 kg/ha, phun lần 2 vào giữa vụ với liều lượng như trên.

Thực trạng hiện nay vùng dứa đang bị bệnh, đòi hỏi chính quyền địa phương và nhà máy phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân tăng cường kỹ thuật, thuốc phòng trừ để khống chế bệnh, giảm thiệt hại.

Bài, ảnh: Hoàng Thanh Quỳnh

Mới nhất
x
Quỳnh Lưu: Dứa thối nõn, người trồng gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO